Thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động (gọi chung là doanh nghiệp) theo Nghị định 182/NĐ-CP ban hành ngày 14-11-2013 của Chính phủ được áp dụng từ ngày 1-1-2014.
Mức lương tối thiểu vùng (LTTV) áp dụng với doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng II là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng IV là 1,9 triệu đồng/tháng.
Đối với địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì thực hiện mức LTTV đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách; trường hợp địa bàn được thành lập mới từ các địa bàn có mức LTTV khác nhau thì thực hiện mức LTTV theo địa bàn có mức LTTV cao nhất. Trường hợp thành lập thành phố trực thuộc tỉnh từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì thực hiện mức LTTV áp dụng đối với địa bàn thuộc vùng III.
DN hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức LTTV khác nhau thì thực hiện mức LTTV theo địa bàn có mức LTTV cao nhất; DN có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên địa bàn nào thì thực hiện mức LTTV theo địa bàn đó.
Đối với khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) trên các địa bàn có mức LTTV khác nhau thì DN trong KCX, KCN đó thực hiện mức LTTV theo địa bàn có mức LTTV cao nhất; DN trong phân khu của KCX, KCN hoạt động ở địa bàn nào thì thực hiện mức LTTV theo địa bàn đó.
Đối với người lao động đã qua học nghề, kể cả lao động do DN tự dạy nghề thì mức lương được hưởng phải cao hơn mức LTTV ít nhất 7%.
Các doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
T.P