.

Vụ bác sĩ Cát Tường: Hoãn phiên tòa, điều tra bổ sung

.

10g50, sau 15 phút tạm hoãn tòa để hội ý, HĐXX cho biết có một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cần có sự trả lời của cơ quan chuyên môn. Những điều này HĐXX không thể làm rõ tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và bị cáo Khánh - Ảnh: T. L chụp qua màn hình)
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và bị cáo Khánh - Ảnh: T. L chụp qua màn hình)

10g25. Trả lời thẩm đại diện VKS, bị cáo Tường khai sau khi chị Huyền tử vong, bị cáo nghĩ mang xác đến bệnh viện Bưu Điện vứt nhưng thấy đông người quá nên ghé ngồi ở quán Café Mộc, chờ cho vắng người để đưa xác đi. 

Bị cáo Tường còn khai lúc đó bị cáo nói với Đào Quang Khánh “đông người quá”, Khánh nói hay phi tang. Bị cáo hỏi “phi tang thế nào”, Khánh nói “ném xuống sông”. Bị cáo nói “không được”, Khánh nói: “trời thương thì thoát”. Lúc đó bị cáo hoảng quá không nghĩ được gì.

VKS chất vấn bác sĩ Tường: "Bị cáo là người lớn, biết suy nghĩ, sao lại nghe theo lời Khánh là trẻ chưa thành niên?"

- Lúc đó bị cáo hoảng quá. Không nghĩ được, chứ nếu bình tĩnh thì không ai làm thế.

- Bị cáo ở trường Đại học có học y đức không? Pha thuốc không đúng quy trình, phẫu thuật không đúng quy trình rồi còn ném xác xuống sông? Bị cáo Tường im lặng, không trả lời câu hỏi này.

Đến giờ phút này bị cáo nghĩ mình đúng hay sai? - Bị cáo Tường đáp thấy mình sai.

HĐXX tuyên bố tạm nghỉ 15 phút để hội ý

Bị cáo Tường sợ đưa xác vào Bệnh viện Bưu Điện sẽ đông người thấy sẽ hô hoán lên.

Bố mẹ chị Lê Thị Thanh Huyền trong vòng vây báo chí - Ảnh: Tâm Lụa
Bố mẹ chị Lê Thị Thanh Huyền trong vòng vây báo chí - Ảnh: Tâm Lụa

* 9g45. Tòa hỏi bị cáo Tường: Sau khi chị Huyền vào phòng, bị cáo làm thế nào? - Bị cáo cho khách hàng nằm ngửa, cho sát khuẩn vùng bụng và ngực, bị cáo tiêm thuốc tê vào vùng bụng sau đó hút mỡ…

Tòa: Công thức gây tê dựa trên cơ sở nào?

- Bị cáo được học tạo hình thì có công thức như vậy. Tiêm thuốc từ 1,5 đến 2 tiếng, sau đó bị cáo chuẩn bị hút mỡ.

- Đến khi nào thì biết có thể hút được?

- Cái này theo thói quen của bác sĩ. Gây tê vùng dưới trước, sau đó gây tê vùng trên. Khi đó vùng dưới tê trước thì hút trước.Khi gây tê vùng trên ngực, chị Huyền có bị đau, bị cáo tiêm 1 liều thuốc an thần. Sau đó bị cáo hút mỡ và đợi lắng mỡ rồi bơm lên ngực.

Tòa công bố Công văn của Sở Y tế Hà Nội trả lời dung dịch gây tê thông thường thì không có Vitamin C và Gentamycin. Tòa hỏi tại sao bị cáo dùng công thức gây tê có thành phần các loại thuốc này?

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cho biết Vitamin C đưa vào để ổn định thành mạch, để thành mạch vững hơn, làm trẻ hóa các tế bào. Gentamycin để tránh bị nhiễm trùng.

Tòa: Công Văn của Sở Y tế cho biết với hàm lượng bị cáo tiêm cho bị hại thì việc pha thuốc lẫn nhau là không hợp lý. Lý do tại sao bị cáo vẫn tiến hành?

Nguyễn Mạnh Tường đáp: "Loại thuốc đó bị cáo được học. Công thức này được áp dụng tại Hàn Quốc."

10g. Bác sĩ Tường khai rõ ràng lại quá trình phẫu thuật cho chị Huyền. Bị cáo cho biết sau khi phẫu thuật xong, chị Huyền bị co giật. Cấp cứu xong thấy chị Huyền ổn định, bị cáo đi lễ chùa, giao cho y tá tên Vân ở nhà theo dõi chị Huyền. Khi đang đi, bị cáo gọi điện thoại cho y tá Vân bảo đi mua thuốc chống động kinh về tiêm cho chị Huyền nhưng không mua được.

1 tiếng sau khi bị cáo ra ngoài, nhân viên gọi điện cho bị cáo nói chị Huyền có biểu hiện co giật. Bị cáo Tường hướng dẫn nhân viên tiêm thuốc chống dị ứng cho chị Huyền, truyền nước muối sinh lý và cho thở oxy.

Bị cáo cũng bảo nhân viên gọi taxi để đưa chị Huyền đi cấp cứu. Sau đó gọi cho bác sĩ Nguyễn Quang Thành (bác sỹ bệnh viện Bạch Mai) đến để cùng bị cáo cấp cứu. Khi về thì bị cáo thấy tất cả các chỉ số của chị Huyền không đo được nữa. Bị cáo tiến hành cấp cứu nhưng không được.

Bị cáo Tường cho biết chưa rõ nguyên nhân gì chị Huyền tử vong. Dù bị cáo cấp cứu 1 tiếng đồng hồ nhưng chị Huyền không có sự sống.

Toà hỏi ý do tại sao cấp cứu lâu như vậy? Bác sĩ Tường đáp "Do mong cứu sống chị Huyền, nên cấp cứu lâu mà không để ý thời gian. Tiền sử chị Huyền chưa có bệnh tật gì, đến giờ bị cáo không hiểu lý do tại sao chị Huyền chết".

* Trả lời thẩm vấn, Nguyễn Mạnh Tường khai mở thẩm mỹ viện Cát Tường từ tháng 5-2013. Khi mở thẩm mỹ viện, bị cáo có tìm hiểu phải được phép Sở Y tế, đáp ứng các điều kiện, xin phép đăng ký kinh doanh… Bị cáo đã xin được giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, đang xin giấy phép Sở Y tế.

Tuy nhiên, bị cáo Tường cho biết chưa xin giấy phép của Sở Y tế, chưa làm hồ sơ thủ tục, đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ rồi nhưng chưa kịp xin. Cho đến ngày có hành vi gây chết người, thẩm mỹ viện đã hoạt động được 3 tháng

- Nhân sự của cơ sở bị cáo thế nào? Trung tâm có bao nhiêu phòng?

-  6 phòng, 1 phòng lễ tân, phòng tư vấn để tư vấn cho khách hàng, phòng thông tin để quảng cáo, phòng Spa, phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu. Tất cả đều do chị Mai quản lý chung. Chị Mai do người bạn giới thiệu cho bị cáo, trước đây chị Mai đã có kinh doanh thẩm mỹ.

- Chị Mai học ngành gì ra?

- Dạ, học đại học Công Đoàn ra.

- Ai là người phụ trách thẩm mỹ viện?

- Bị cáo phụ trách, chị Mai quản lý, tư vấn.

Khi được tòa hỏi: "Hút mỡ có được phép làm tại thẩm mỹ viện không?", bị cáo Tường đáp có biết quy định là: "Không được phép".

Tòa hỏi về quá trình hút mỡ bình thường thế nào? Bị cáo Tường trả lời quy trình qua các khâu: kiểm tra bệnh, thử phản ứng thuốc... Đối với trường hợp của chị Huyền, chị Mai có cho đi siêu âm, chụp tim phổi, các y tá thử phản ứng thuốc thấy bình thường. Bị cáo Tường xem kết quả cũng không thấy có gì bất thường và có hỏi các nhân viên, hỏi chị Huyền các tiền sử bệnh.

* Theo cáo trạng, khoảng 11g ngày 19-10-2013, chị Huyền đi xe máy đến Thẩm mỹ viện Cát Tường. Nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường đã đưa chị Huyền vào phòng thử HIV và thử phản ứng thuốc tê thấy bình thường.

12g30 cùng ngày, Nguyễn Mạnh Tường bảo nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê với công thức mỗi chai gồm 500ml nước muối sinh lý, 25 ống Lidocain loại 2ml, 2 ống Gentamycin 80mg, 1 ống Adrenalin loại 1/4ml, ½ ống Vitamin C. Tường hỏi chị Huyền có tiền sử bệnh gì không, chị Huyền trả lời không có bệnh lý gì.

Sau khi kiểm tra phản ứng thuốc thấy bình thường, Tường sát trùng vùng bụng và ngực rồi tiêm thuốc gây tê đã pha từ trước vào hai bên hông chị Huyền. Sau đó Tường dùng dao mổ chích vào 2 bên thành bụng dưới (mỗi bên chích 1 mũi) có kích thước 0,2cm và tiêm 4 chai thuốc gây tê đã được pha từ trước vào thành bụng để gây tê hoàn toàn vùng bụng của chị Huyền.

Tường dùng xilanh loại 50ml cắm vào thành bụng (phần dưới da) hút được 11 xilanh mỡ thành bụng. Tường để khoảng 5 đến 10 phút cho mỡ trong xilanh lắng xuống rồi bơm bỏ nước gạn lấy mỡ. Sau đó Tường bơm 11 xilanh mỡ vào ngực chị Huyền (phía dưới 2 bầu vú) đến khoảng 16g cùng ngày thì xong. Tường bảo nhân viên đưa chị Huyền ra phòng ngoài nằm nghỉ.

30 phút sau, thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mét, Tường tiêm cho chị Huyền 1 mũi thuốc an thần loại Diafegam 10mg. Tiêm xong thấy chị Huyền bình thường nên Tường rủ bạn đến chùa Quán Sứ, Hà Nội để lễ.

17g45 phút cùng ngày, nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường gọi điện thoại báo cho Tường biết chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Tường chỉ định cho nhân viên tiêm cho chị Huyền 2 ống thuốc trợ tim loại Adrenalin 2ml và 2 ống thuốc chống dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.

Sau đó Tường gọi điện cho anh Nguyễn Quang Thành, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để cấp cứu cho chị Huyền. Khi Tường về thẩm mỹ viện đã thấy chị Huyền ở tình trạng mặt tím, không có nhịp tim. Tường cùng anh Thành cấp cứu cho chị Huyền. Tường đặt nội khí quản cho chị Huyền, bóp bóng và bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim loại Adrenalin (mỗi liều 10 ống) trực tiếp vào tim nhưng không thấy có kết quả.

Sau khi chị Huyền tử vong, Tường gọi điện thoại báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường biết, đồng thời bảo nhân viên thu dọn đồ đạc gồm máy tính, camera, sổ sách, các dụng cụ y tế… mang đi chỗ khác gửi.

Tối cùng ngày, Tường cùng Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ thẩm mỹ viện) mang xác chị Huyền ném xuống sông Hồng.

* Trước đó, 8g30 sáng 14-4, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án bác sĩ ném xác bệnh nhân xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Thị Hợp. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là ông Đỗ Minh Tuấn

Phiên tòa có tất cả 5 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại.

Từ sáng sớm, hàng chục phóng phiên báo đài và hàng trăm người dân đã có mặt trước cổng Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để theo dõi phiên xét xử. Tuy nhiên, an ninh phiên tòa được kiểm tra rất chặt chẽ. Các phóng viên báo đài phải được cấp thẻ mới được vào tòa. Người muốn tham dự tòa cũng phải có giấy triệu tập của tòa án mới được vào phòng xử.

Các phóng viên không được vào phòng xử mà theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đến tòa với thái độ bình thản, luôn đứng cúi đầu trước vành móng ngựa.

Vì bị cáo Đào Quang Khánh phạm tội khi chưa thành niên niên tại phiên tòa có ông Đào Duy Tiến (bố bị cáo Khánh) là dại diện hợp pháp cho bị cáo.

Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đang công bố bản cáo trạng.

TTO

 

;
.
.
.
.
.