Thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng liên tiếp xảy ra nhiều vụ án giết người do nguyên nhân xã hội. Hầu hết vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn tình ái, ghen tuông, yêu mù quáng...; hoặc chỉ vì mâu thuẫn bộc phát, nhất thời như xích mích trong cuộc sống hằng ngày, trong cử chỉ, lời nói khi uống rượu, dẫn tới gây án.
Những con số biết nói
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an thành phố Đà Nẵng, tính từ ngày 15-11-2013 đến ngày 15-8-2014, về tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, trên địa bàn thành phố xảy ra 10 vụ với 15 đối tượng gây án. Trong đó, cơ quan chức năng tiến hành khởi tố 8 vụ án/13 bị can (2 vụ án/2 đối tượng không khởi tố theo khoản 7 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự - đối tượng giết người nhưng chết sau đó).
Địa bàn gây án xảy ra tại quận Liên Chiểu 3/10 vụ (chiếm 30%), quận Sơn Trà 2 vụ và các quận, huyện còn lại (Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang) mỗi địa bàn 1 vụ. 100% đối tượng trong các vụ giết người đều là nam giới. Có 12 đối tượng cư trú trên địa bàn Đà Nẵng, còn lại 3 đối tượng cư trú ở tỉnh Quảng Nam. Về nghề nghiệp, có 5/15 đối tượng là lao động phổ thông; 5 đối tượng không có nghề nghiệp; các đối tượng còn lại là công nhân, sinh viên, thợ điện, bảo vệ, lái xe.
Trong số đó, duy nhất 1/15 đối tượng có tiền án. 8/10 vụ đối tượng giết người có quan hệ với nạn nhân, 2/10 vụ các đối tượng và nạn nhân không có quan hệ với nhau. Đặc biệt, có tới 14/15 đối tượng gây án chưa có tiền án tiền sự, tức không trong diện quản lý nghiệp vụ của cơ quan Công an.
Về nạn nhân, 7/11 nạn nhân là nữ giới, trong đó 6 nạn nhân chết và 1 người bị thương; còn lại 4 nạn nhân nam giới (3 người chết, 1 người bị thương). Công cụ gây án chủ yếu là dùng dao (8/10 vụ), 1 vụ dùng xăng và 1 vụ đối tượng dùng cả dao lẫn xăng.
Nguyên nhân phạm tội từ đâu?
Theo PC45, có 5 vụ (chiếm 50%) do mâu thuẫn tình ái, ghen tuông, yêu mù quáng… dẫn đến giết người tình rồi tự tử. Đơn cử là vụ án gây xôn xao dư luận xảy ra vào ngày Lễ tình nhân (14-2-2014) tại Ký túc xá (KTX) sinh viên DMC579 (thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn). Huỳnh Quang Thức và Huỳnh Ngọc Như Ánh (cùng 21 tuổi, cùng trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) có tình cảm lâu năm nhưng chị Ánh thấy không phù hợp nên quyết định chia tay. Thức không đồng ý và ra sức níu kéo.
Trước Lễ tình nhân, Thức chủ động điện thoại rủ Ánh đi chơi nhưng bị từ chối. Thức tức giận, lận dao trong người, đến nơi ở của Ánh tại KTX yêu cầu ra ngoài để nói chuyện. Thức dùng dao dâm liên tiếp 3 nhát vào người yêu. Trong lúc mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu, Thức lên tầng 9 của KTX rồi nhảy xuống đất tự tử. Cả hai đều tử vong sau đó.
Nguyên nhân thứ hai do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, như xích mích trong cuộc sống hằng ngày, trong cử chỉ, lời nói khi uống rượu dẫn tới gây án (4 vụ, chiếm 40%). Đơn cử là vụ án giết người mà Nguyễn Văn Minh (SN 1994) cùng 5 “chiến hữu” gây ra tối 17-11-2013 khiến anh Lê Công Sang tử vong tại chỗ.
Theo PC45, các vụ giết người tình chiếm 50% tổng số vụ án giết người cho thấy, việc giáo dục thanh niên về kỹ năng sống, về đạo đức, về tình yêu… của gia đình, nhà trường và xã hội không đáp ứng kịp với tình hình thực tế. Trong khi đó, sân chơi cho thanh- thiếu niên ngày càng bị mất dần…, càng làm thanh-thiếu niên thiếu định hướng cuộc sống và thiếu kỹ năng sống. Bên cạnh đó, việc xây dựng nền tảng đạo đức xã hội không được coi trọng, nên các giá trị đạo đức trong gia đình và xã hội mờ nhạt. Điển hình là vụ án Nguyễn Phước Linh (SN 1991, trú quận Liên Chiểu) giết chết cha ruột là ông Nguyễn Đức Thương (SN 1963) chỉ vì mâu thuẫn nhỏ.
Theo thạc sĩ Bùi Văn Vân, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), do cuộc sống ngày càng phức tạp, tính cộng đồng ngày càng giảm và ở nam giới vẫn tồn tại tâm lý “sở hữu” người yêu nên khi không được đáp lại tình cảm, họ thường bực tức bởi cảm giác bị phản bội. Bên cạnh đó, lớp thanh niên trẻ hiện nay thường yêu vội vàng, không tìm hiểu kỹ nên khi có xích mích, cả hai đều không có kỹ năng giải quyết xung đột, dẫn tới việc ra tay giết hại người tình hết sức mù quáng, dã man.
“Việc thiếu kỹ năng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là vấn đề giáo dục trong gia đình. Cha mẹ mải mê kiếm tiền, ít dành thời gian quan tâm, chia sẻ với con cái, nhiều khi phó thác toàn bộ việc chăm sóc con cho người giúp việc. Trong khi đó, người giúp việc lại thiếu quá nhiều kỹ năng giáo dục con trẻ”, thạc sĩ Vân nhấn mạnh. Hơn nữa, hầu hết đối tượng phạm tội giết người do nguyên nhân xã hội không trong diện quản lý nghiệp vụ của cơ quan Công an nên việc phòng ngừa xã hội giữ vai trò quan trọng và mang tính quyết định.
Theo thạc sĩ Bùi Văn Vân, nếu lớp thanh-thiếu niên được trang bị đầy đủ những kỹ năng “mềm” thì tránh được rất nhiều vụ án mạng đau lòng. Hiện nay, mạng Internet, sách, báo… có rất nhiều tài liệu; ngoài ra có thêm các trung tâm tư vấn. Đây là một nhân tố quan trọng cùng hỗ trợ gia đình giáo dục kỹ năng sống cho con cái.
“Còn với nữ giới - đối tượng thường chịu thiệt, tôi nghĩ rằng tốt nhất các bạn nên chia sẻ nhiều hơn với gia đình, bạn bè thân thiết để có cách giải quyết. Khi có mâu thuẫn với người yêu, việc nên làm nhất là nhờ một bạn nam nói chuyện với người bạn trai kia, tôi nghĩ cách xử lý này sẽ mang lại hiệu quả cao”, thạc sĩ Vân chia sẻ.
ĐẮC MẠNH