Hai người đàn bà đến từ Hà Nội, chênh nhau 20 tuổi, trước khi bị bắt còn gọi nhau là mẹ chồng - con dâu, giờ trở thành hai bị cáo đứng trước vành móng ngựa vì tội mua bán ma túy. Suốt 3 ngày xét xử mệt mỏi với nhiều tình tiết mâu thuẫn, hai bên liên tục tố cáo lẫn nhau, kể cả đưa thêm chứng cứ để người kia phải nhận lãnh hậu quả nặng nhất.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Phiên xét xử sơ thẩm vụ mua bán ma túy tại TAND thành phố Đà Nẵng dự kiến diễn ra trong 2 ngày (25 và 26-9). Tuy nhiên, việc xét hỏi, tranh luận của Hội đồng xét xử (HĐXX) và các luật sư kịch liệt đến phút cuối, nên thời gian phải kéo dài thêm một ngày. Cuối cùng, kết quả tuyên vẫn là trả hồ sơ điều tra lại.
Mẹ hay con?
Hai người đàn bà đều có dáng thanh mảnh, nước da trắng và giọng nói dễ nghe. Người mẹ một mực cho rằng bản thân hoàn toàn vô tội. Bà theo con dâu vào Đà Nẵng đi chùa lễ phật. Không ngờ, đó lại là chuyến đi núp bóng việc vận chuyển ma túy của con. Ngược lại, con dâu cũng nêu rành mạch diễn biến câu chuyện cho thấy mẹ chồng cầm đầu vụ việc này.
Tại tòa, con dâu khai, ngày 13-11-2012, hai mẹ con đáp chuyến bay vào Đà Nẵng theo lời rủ rê trước đó của mẹ: “Đi nhận ma túy của dì T. (em ruột của mẹ) từ Lào gửi về. Dì T. sẽ không để con thiệt đâu”. Đang lúc bí tiền nên con dâu làm theo.
Đến Đà Nẵng, hai mẹ con thuê một phòng tại khách sạn trên đường Hùng Vương, rồi mẹ yêu cầu con mua hai sim rác cho tiện liên lạc. Sau đó, các cuộc gọi giao dịch qua lại giữa Đà Nẵng và Lào phần lớn do con dâu trực tiếp trao đổi dưới sự chỉ đạo của mẹ. Ngày 14-11-2012, chiếc taxi chở 2 người đàn ông gồm 1 người Lào và 1 người Việt đến khách sạn nói trên, đồng thời mang theo túi hàng gồm 4 gói quà.
Lúc này, mẹ chồng ngồi ở bộ bàn ghế đặt trước lễ tân, ra hiệu cho con dâu ra nhận hàng rồi nhanh chóng di chuyển tới ga Đà Nẵng trở về Hà Nội bằng đường tàu hỏa. Tại ga, hai mẹ con bị bắt cùng gói hàng có trọng lượng gần 2kg được xác định là ma túy tổng hợp; đồng thời lúc này tại khách sạn, hai người đàn ông cũng bị công an bắt giữ…
Mỗi lời con dâu tuôn ra đều khiến mẹ chồng ôm mặt khóc, lắc đầu cay đắng. Đến lượt bà trình bày, bà nói chậm rãi và trước sau khẳng định: Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện mua bán ma túy. Dù con dâu (trước đó đã có 2 đời chồng và 2 đứa con) chưa đăng ký kết hôn với con trai bà, nhưng hai người đã sống với nhau từ năm 2007 và có chung một con trai. Mẹ chồng, con dâu sống cùng thành phố Hà Nội nhưng hiếm khi gặp mặt, bà cũng không có cơ hội ôm ấp cháu nội.
Thế nên, khi con dâu mời mẹ vào Đà Nẵng du lịch, lễ chùa Linh Ứng, nhất là sẽ được đi cùng cháu nội nên bà đồng ý ngay. Tuy con dâu mời đi 4 ngày nhưng mới vào tối 13, sang ngày 14 đã hối hả rủ mẹ trở về Hà Nội vì bảo rằng, có 2 người đàn ông mang tiền từ Lào về trả cho con, trị giá 40.000 USD. Số tiền lớn quá, để trong người không an tâm nên về sớm. Thấy con trả lời vậy thì bà nghe theo, cùng con ra ga và bị bắt cho đến hôm nay.
Cũng như thái độ của mẹ chồng, con dâu tuy không ôm mặt hay khóc lóc thảm thiết, nhưng liên tục lắc đầu sau mỗi lời mẹ trình bày trước HĐXX. Suốt những ngày xét hỏi, trong khi con dâu từ dáng đi đến lời nói đều tỏ ra bình tĩnh, dứt khoát và luôn thừa nhận hành vi của mình là buôn bán ma túy nhưng theo sự dẫn dắt của mẹ chồng, thì bà mẹ cứ sau mỗi câu trả lời lại khóc nấc, không thể kìm nén cảm xúc đến mức chủ tọa nhiều lần yêu cầu bà bình tĩnh. Luật sư cũng có lúc phải tạm ngừng chất vấn, đề nghị chủ tọa cho bị cáo được ngồi trong lúc trả lời để bà có thể bình tâm tiếp tục phần xét hỏi.
Sự thật chỉ có một
Sự thật đằng sau mỗi câu chuyện chỉ có một. Tuy nhiên, dù sự việc đã diễn ra gần 2 năm và qua nhiều lần điều tra, xét hỏi, nhưng câu trả lời ai là người cầm đầu trong hoạt động nhận ma túy tại Đà Nẵng để chuẩn bị đưa ra Hà Nội vẫn còn là câu hỏi chưa thể trả lời ngay.
Mẹ chồng trước sau khẳng định bà chỉ biết đó là chuyến đi chùa mà thôi. Thậm chí, bà giơ tay lên trời thề rằng chỉ cần HĐXX chứng minh được bà có gọi con dâu và rủ: “Ra Đà Nẵng nhận ma túy với mẹ”, thì bà xin nhận tội tử hình chứ không cần đến chung thân. Các luật sư tham gia bào chữa cho bà cũng chỉ ra nhiều điểm cho thấy bà không thể là người cầm đầu.
Tại ga, lúc bị bắt, cơ quan công an chỉ bắt trực tiếp con dâu. Thế nhưng, bà lại mon men tới hỏi: “Con tôi làm sao mà bị bắt?”. Từ đó, công an mới mời bà cùng về cơ quan điều tra. “Nếu là người buôn ma túy thực sự, ngay giây phút đó, nhận thấy công an chưa để mắt tới mình thì người buôn sẽ bỏ trốn thật nhanh, không ai lại chủ động tới gặp và hỏi như thế, để rồi bị đưa luôn vào tầm ngắm”, luật sư nói.
Phiên tòa có nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo. Tuy nhiên, người tham dự phiên tòa nhiều lần chứng kiến hai bị cáo trực tiếp tố cáo nhau. Hai lần mẹ chồng giơ tay xin được nói. Lần đầu, khi luật sư bào chữa cho con dâu xin giảm án, mẹ chồng đã nói lại rằng: “Một người có mẹ ruột từng buôn ma túy và đã ngồi tù thì có đáng giảm án không?”. Nghe đến đây, con dâu cũng giơ tay phát biểu, giọng đầy uất ức: “Mẹ bị cáo đã già và đã hoàn lương, thành công dân bình thường, không được đưa chuyện mẹ ruột của bị cáo ra đây”.
Lần hai, sau khi nghe con dâu thưa lời sau cùng rằng, bản thân bị cáo chỉ là con dâu hờ, chồng lại nghiện thì không thể có chuyện người dì từ bên Lào tin tưởng giao số ma túy lớn đến vậy, lập tức cũng trong lời nói sau cùng, mẹ chồng xin nói thêm: 3 đêm nay bị cáo thức trắng và nhớ ra một chi tiết, trước đây, từng biết con dâu mấy lần có giao dịch tiền bạc qua Lào buôn “gạo”. Sau này mới biết “gạo” trong tiếng lóng nghĩa là “ma túy”.
Phiên xét xử kết thúc với kết luận trả hồ sơ. Người mẹ giơ hai tay đã bị khóa còng vẫy các con đang ngồi bên dưới dự phiên tòa. Trong khi đó, bị cáo - con dâu bước thẳng ra khỏi khu vực xét xử, không nhìn vào một ai thân quen bên phía nhà chồng.
HƯỚNG DƯƠNG