.
Ký sự pháp đình

Vuột khỏi vòng tay mẹ cha

.

Tình thương, sự quan tâm của cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất để giúp các bị cáo quay về nẻo thiện, làm lại cuộc đời…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

A dua phạm tội

9 bị cáo đứng trước vành móng ngựa TAND thành phố Đà Nẵng hôm ấy đều đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người - lớn nhất 29 tuổi, nhỏ nhất 18 tuổi. Điều đáng nói, mặc dù được sinh trưởng trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng các bị cáo không chí thú làm ăn, có đến 7 bị cáo không có công việc.

“Nhàn cư vi bất thiện”, các bị cáo tụ tập bạn bè, lêu lổng ăn chơi và sớm sa chân vào con đường tù tội. 5 trong 9 bị cáo từng có tiền án tiền sự, trong đó 2 bị cáo bị kết án hai lần trong cùng một năm. Lần này, các bị cáo ra tòa xuất phát từ những mâu thuẫn không đâu vào đâu.

Theo cáo trạng, tối 26-2-2013, Phạm Thanh Hiếu (SN 1988) thấy một nhóm thanh niên, trong đó có anh Lê Tiến Dũng, đang ngồi nhậu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hiếu nghĩ rằng có người trong nhóm này trước đó rú ga xe máy để chọc tức mình nên gây sự. Sau khi bị nhóm này đuổi đánh bỏ chạy, Hiếu về nhà, điện thoại cho Hồ Ngọc Hoàng (SN 1988) và Nguyễn Hoàng Thẩm (SN 1990) nhờ huy động lực lượng để trả thù. Hoàng rủ thêm Hoàng Đình Hòa, Nguyễn Vĩnh Nhân và Lê Đặng Hải Triều. Trong khi đó, Thẩm rủ thêm Mai Xuân Trí (SN 1996), Phạm Văn Thìn (SN 1992), Phạm Thành Long.

Mặc dù không quen biết nhóm thanh niên kia nhưng khi nghe rủ rê, các đối tượng đều nhanh chóng nhận lời. Cả nhóm 9 người mang theo 1 khẩu súng, 2 cây đao, 1 cây kiếm, 1 gậy tre xông đến đánh nhóm của anh Dũng. Trong lúc ẩu đả, Hoàng rút súng bắn 3 phát, làm anh Dũng bị trúng 1 phát đạn vào bụng, mang thương tích 75%.

Tại phiên tòa, khi chủ tọa hỏi: “Nhóm thanh niên kia có quen biết hay mâu thuẫn gì với bị cáo không”, tất cả bị cáo, trừ Hiếu, đều cúi mặt, lắc đầu. Trước câu hỏi “Không quen biết, không mâu thuẫn, vậy tại sao bị cáo lại đánh người ta?”, các bị cáo lí nhí: “Dạ, tại được rủ…”. Chủ tọa thở dài: “Chỉ vì được rủ rê mà các bị cáo lại tích cực đánh, chém người ta như vậy sao?”. Các bị cáo cúi đầu lặng thinh.

Khoảng trống giáo dục

“Nhặt” suốt lượt phiên tòa, từ lý lịch của các bị cáo đến lời bào chữa của những vị luật sư, mới hay phía sau hành vi phạm tội của các đối tượng có một khoảng trống rất lớn về tình thương, sự quan tâm của mẹ cha. Có không ít trường hợp cha mẹ ly hôn, người mẹ phải gánh gồng mưu sinh. Có bị cáo mất cha khi còn nhỏ, mẹ con nương tựa nhau mà sống.

Có bị cáo, cha mẹ dù lớn tuổi vẫn phải chắt chiu từng đồng từ công việc phụ hồ. Dù trong hoàn cảnh nào, các bị cáo đều không nhận được nhiều sự uốn nắn từ người thân - môi trường giáo dục quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền đã cuốn cha mẹ và con cái xa dần nhau. Như lời phân trần nức nở của mẹ bị cáo Mai Xuân Trí: “Mình tôi nuôi con nên tôi không có điều kiện cũng như thời gian để chăm sóc, giáo dục con. Là phụ nữ, vừa vất vả kiếm tiền nuôi con, vừa để ý đến con, tôi không quán xuyến nổi...”

Cá biệt trong số ấy, có bị cáo khi phạm tội đang là sinh viên, sinh trưởng trong gia đình gia giáo, nền nếp. Đáng tiếc, hôm tòa xử, cha mẹ của bị cáo này không có mặt, để lại khoảng trống chơi vơi không chỉ ở hàng ghế dự khán mà còn cả trong tâm hồn của bị cáo. Theo luật sư, họ xấu hổ vì hành vi nông nổi của con mình nên không đến dự phiên tòa. Song, sự giáo dục trước hay sau khi các bị cáo phạm tội đều cần thiết. Để giúp các thanh, thiếu niên này quay về nẻo thiện, bên cạnh hình phạt của pháp luật, quan trọng nhất vẫn là sự nâng đỡ của gia đình.

Luật sư Trần Xuân Vinh (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) nói: “Có câu “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nhân cách con người được hình thành từ việc giáo dục đạo đức, lối sống thông qua các hành vi ứng xử hằng ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con em lối sống lành mạnh, biết nhường nhịn, làm chủ bản thân, hướng tới chân - thiện - mỹ. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những người làm cha mẹ, cần quan tâm, giáo dục và theo dõi giúp đỡ con mình tránh thói hư, tật xấu, gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, Phạm Thanh Hiếu là người cầm đầu, khởi xướng vụ án lại bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, Hồ Ngọc Hoàng được rủ rê nhưng lại là người phạm tội tích cực nên cần xử nghiêm. Do đó, HĐXX tuyên phạt hai bị cáo mỗi người 14 năm tù về tội “giết người”. Cùng tội danh này, các bị cáo còn lại lãnh mức án từ 4-11 năm tù.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.