.
Ký sự Pháp đình

Bi kịch một chuyện tình

.

Tháng 11, phố chìm trong mưa, người đàn ông trung niên ra tòa trong phiên xử lưu động tại UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) với tội danh “giết người”. Nạn nhân trong vụ án là người mà ông từng thề nguyền yêu thương.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Yêu mù quáng

Thời trẻ, C.V.M (SN 1961, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đem lòng yêu đơn phương cô gái cùng quê vừa xinh đẹp, vừa múa giỏi M.T.C (SN 1962, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Rồi đường đời xô đẩy họ thành hai đường thẳng song song với hai mái ấm gia đình khác nhau. Duyên trời run rủi khiến họ tình cờ gặp lại sau thời gian dài bặt tin nhau và cả hai đã ở độ tuổi 48, 49. Khi ấy, chồng vừa qua đời, bà và ba người con nương tựa nhau mà sống. Trong khi ông vẫn còn trách nhiệm gia đình với vợ và ba con.

Tình yêu luôn có lý lẽ của riêng nó. Không thể cưỡng lại nhịp đập của trái tim, cả hai đã bắt đầu một chuyện tình. Tình yêu ngoài luồng ấy là nguyên nhân khiến tổ ấm của ông thường xuyên xào xáo khi ông nhiều lần “quậy tung” nhà đòi ly hôn.

Tuy nhiên, gần 4 năm sau, bà phát hiện ông lừa dối, vẫn đang chung sống êm ấm cùng vợ con. Bà quyết định chấm dứt mối tình này sau một lần trò chuyện với vợ ông. Nhưng ông không đồng ý, cố chấp níu kéo. Ông điện thoại, bà kiên quyết không nghe máy. Ông đến nhà, bà lánh mặt, không gặp. Cho rằng “người tình” đã thay lòng đổi dạ, có người mới, ông nổi cơn ghen, tìm đến nhà, đâm chết bà rồi uống thuốc trừ sâu tự tử nhưng được cứu sống.

Hôm ra tòa, ông như người thất thần, không tài nào nhìn được trong ánh mắt của ông có ẩn chứa nỗi ân hận, sám hối hay không. Vậy nhưng, tôi cảm nhận được sự cô đơn đến tột cùng đang bủa vây bị cáo, dẫu cả khi vợ lẫn con ông đều sẵn sàng tha thứ. Tuyệt nhiên, gương mặt ông vẫn vô hồn khi nhìn thấy vợ và con nức nở.

Bào chữa cho hành vi phạm tội của mình, ông bảo: “Bị bà C. xa lánh nên bị cáo bộc phát ra chuyện đó. Bị cáo thương yêu bà C. quá nên mới mù quáng…”. Hội đồng xét xử nhiều lần nghiêm khắc: “Yêu thương là phải bảo vệ, trân trọng chứ sao lại nhẫn tâm tước đoạt sinh mạng người mình yêu?”. Ông lặp đi lặp lại duy nhất một câu trả lời: “Yêu quá nên bị cáo mù quáng, nông nổi…”.

Vị hội thẩm nhân dân đặt câu hỏi: “Bị cáo có biết vì sao bà C. từ chối tình cảm của bị cáo không?”. Ông dè dặt: “Vì bà ấy nghĩ bị cáo có gia đình, có con cái…”. “Vậy bà C. làm như vậy là đúng hay sai?”. “Bà C. làm vậy là đúng. Bị cáo thấy mình sai lầm hoàn toàn. Bị cáo cúi đầu xin lỗi gia đình bà C., xin lỗi các con bà C. Bị cáo cũng xin lỗi vợ và con bị cáo…”, ông lí nhí, cúi đầu. Tiếc rằng, những lời xin lỗi đã quá muộn…

Nỗi đau trẻ thơ

Nơi hàng ghế dành cho những người tham gia tố tụng, ba con trai của bà C. trầm mặc bên di ảnh người mẹ xấu số. Nghe lời khai của bị cáo, những bàn tay bấu chặt trên gương mặt hằn nét đau đớn, cố che giấu đôi mắt hoe đỏ. Được mời lên phát biểu, người con đầu của bị hại run rẩy: “Cách đây 4 năm, anh em tôi đã mồ côi cha…”.  

Chỉ nói được đến đây, anh bật khóc rưng rức. Ngừng cơn xúc động hồi lâu, anh nghẹn ngào: “Mất cha, nhà tôi như không có nóc. Từ đó, má tảo tần nuôi anh em chúng tôi. Mọi việc trong nhà, từ vật chất hay tinh thần, anh em tôi đều dựa vào má. Má mất rồi, chúng tôi trở nên bơ vơ. Nhiều lúc tôi cũng muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến các em nên phải gắng gượng…”. Nghe anh nói, hai người em òa vỡ những giọt nước mắt.

Không chỉ con bà C. mất mát mà các con của bị cáo cũng đang chịu nỗi đau đớn, tủi nhục do cha gây nên và gánh thay cha số tiền mai táng phí cũng như bồi thường tổn thất tinh thần gần 134 triệu, cùng với 1 triệu đồng tiền cấp dưỡng hằng tháng cho đến khi con út của bị hại đủ 18 tuổi.

Chân tình, vị chủ tọa nói với người con của bị cáo: “Chúng tôi biết anh không có lỗi trong vụ việc này. Nhưng người ta nói, “con dại, cái mang”, còn bây giờ chuyện ngược đời là bố sai thì con gánh. Xét về góc độ tình người, gia đình mình cũng nên đau đáu trong lòng về nỗi mất mát của gia đình bị hại. Anh có ý kiến gì về việc bồi thường không?”.

Con của bị cáo - cũng đang ở tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi như con của bị hại - cúi đầu, tha thiết xin lỗi. Anh buồn rầu: “Mẹ tôi buôn bán nhỏ, gia đình cũng khó khăn. Chúng tôi sẽ bán đất, bán tài sản để bồi thường…”.

Hai ngôi nhà bỗng chốc thiếu vắng bóng hình của hai người yêu thương. Một bên mất mẹ, một bên thiếu cha. Những đứa trẻ thơ giờ bơ vơ giữa dòng xoáy cuộc đời chỉ vì tình yêu mù quáng của người lớn…

Nhận định hành vi “giết người” của C.V.M xuất phát từ động cơ đê hèn, TAND thành phố Đà Nẵng tuyên mức án tù chung thân.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.