.

Quanh một căn nhà

.

Cha mua nhà nhưng con là người đứng tên, để rồi khi căn nhà được giao dịch mua bán, chuyện kiện tụng ai mới thực sự là chủ sở hữu kéo dài suốt 6 năm chưa có hồi kết. Cha tố con, bạn bè tố nhau xung quanh một căn nhà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cha, con và căn nhà

Trong tháng 8 vừa qua, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm hình sự vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến một căn nhà mặt tiền trên đường Phan Châu Trinh. Trước vành móng ngựa, bị cáo L. (39 tuổi) trước sau kêu oan khi cho rằng, mình đứng tên trong giấy tờ nhà đất thì hiển nhiên căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của bản thân mình. Như được giải bày nỗi bức xúc với hội đồng xét xử, bị cáo nói khá nhiều và thỉnh thoảng khóc rưng rức như một đứa trẻ. Phía người dự phiên tòa là mẹ ruột, vợ và các anh chị em đều đứng về phía L. càng giúp bị cáo có thêm tự tin để cho rằng mình không phạm pháp trong việc bán nhà.

Cáo trạng dài đến 8 trang của Viện Kiểm sát điểm lại từ giai đoạn cha của bị cáo bắt đầu mua nhà cách đây 22 năm. Ông A., cha của bị cáo là Việt kiều Mỹ. Thời điểm năm 1992, theo luật, người nước ngoài không được sở hữu nhà đất tại Việt Nam. Do đó, khi mua căn nhà này, ông A. đã nhờ người quen đứng tên giúp, còn chủ sở hữu thực sự là ông. Vài năm sau, căn nhà lại được chuyển tên qua cho con trai ông (tức bị cáo) cũng với mục đích đứng tên thay và ông vẫn là chủ ngôi nhà. Để chắc ăn, ông mang toàn bộ sổ đỏ nhà đất sang Mỹ cất giữ. Đến năm 2008, con trai ông tới cơ quan chức năng báo mất giấy tờ nhà đất (thực chất là giấy tờ đã được cha cất giữ tại Mỹ) để xin cấp lại và hợp pháp việc bán ngôi nhà cho anh C. với giá thỏa thuận 10 tỷ đồng.

Sau khi giao được 7 tỷ đồng và thực hiện việc sang tên mua bán, anh C. đến căn nhà đó để gặp bị cáo yêu cầu giao nhà thì gặp cha của bị cáo (lúc này ông A. về nước và sống trong ngôi nhà này). Từ đây, người cha mới ngã ngửa… nhà của mình bị con bán từ bao giờ.

Điều đáng nói, theo lời bị cáo, bên mua, tức anh C. phải tự đến lấy nhà vì “lúc đó cha bị cáo đang ở cùng, lương tâm không cho phép bị cáo đuổi ông ra ngoài”. Tòa hỏi vì sao bị cáo không nói thật với cha, L. trả lời: “Hai cha con rất khó nói chuyện với nhau”.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo vẫn một mực cho rằng mình không lừa đảo: “Nhà của mình thì bị cáo được quyền bán”. Nhưng cuối cùng bị cáo cũng bị tuyên 13 năm tù cho tất cả những gì đã gây ra.

Mua nhanh, bán vội và...

Phiên xét xử kéo dài hai buổi với phần tranh luận luôn sôi nổi, bởi không chỉ bị hại là ông C. tố bị cáo chiếm đoạt tiền nhưng không giao nhà, mà còn xuất hiện tình huống bất ngờ khi chính ông C. lại bị một người khác cũng có mặt tại phiên tòa tố hành vi tương tự là nhận tiền rồi nhưng không giao được nhà.

Chuyện là mua được căn nhà mặt tiền trên đường Phan Châu Trinh, đồng thời ông C. bán lại cho bà H. với giá 13 tỷ đồng. Là bạn bè, hàng xóm thân thiết và từng nhiều lần làm ăn với nhau nên bà H. nhanh chóng giao trước 10 tỷ đồng cho ông C. Tuy nhiên, việc đi “xem mắt” khối tài sản hàng tỷ đồng đã diễn ra… không thể đơn giản hơn. Hừng hực vẻ tức giận, bà H. tự nhận mình là “bà trùm” bất động sản một thời ở đất Đà thành. Vì tin tưởng bạn làm ăn nên hôm đi xem nhà, bà ngồi trên ô-tô ngó sơ qua phía mặt tiền rồi thôi. Nếu bước vào bên trong và gặp được ông A., chủ nhân thực sự căn nhà, hẳn bà đã không mất tiền tỷ và ra hầu tòa hôm nay.

Từng coi nhau là chị em thân thương, nhưng hôm nay, bà H. và ông C. như không đội trời chung khi tòa mời hai người ngồi cùng bàn. Bà H. kể vanh vách hàng chục căn nhà ở phố lớn từng sở hữu để chứng minh “tên tuổi”, nhưng nay mọi thứ đã tiêu tan. “Nói tới H. thì ai mà không biết, nhưng giờ tôi ở nhà thuê rồi đây”, bà H. trút nỗi lòng với phóng viên.

Chuyện tiền bạc giữa bà H. và ông C. liên quan đến căn nhà này sẽ được tách ra thành vụ án dân sự khác. Tuy vậy, rồi ai sẽ được nhận căn nhà khi tiền bà H. đã giao cho ông C.; ông C. cũng đã đưa tiền cho bị cáo L.; còn bị cáo nói rằng mình đã tiêu hết số tiền nhận được, và tòa thì tuyên chủ sở hữu thật sự của ngôi nhà thuộc về cha bị cáo!

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.