Pháp luật

Ký sự Pháp đình

Đánh đổi

08:24, 25/12/2014 (GMT+7)

Hành trình cuộc đời có rất nhiều cánh cửa, lựa chọn mở cánh cửa này mà không mở cánh cửa kia là quyết định của mỗi cá nhân. Có cánh cửa biết trước là “màu đen” nhưng người ta vẫn bất chấp lao vào và sẵn sàng đánh đổi...

Bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm của TAND thành phố Đà Nẵng một ngày giữa tháng 12 này từng là cán bộ phòng giáo vụ một trường THPT ở quận Liên Chiểu, được đồng nghiệp yêu mến, học trò kính trọng. Giờ đây, bị cáo ra tòa với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo tên N.L, 56 tuổi.

Danh dự

Theo cáo trạng, ông L. “nổ” mình quan hệ thân thiết với nhiều “sếp lớn”, bảo đảm có thể xin cho người khác đi dạy tại các trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Trong khoảng thời gian từ năm 2012-2013, ông L. đã nhận hồ sơ xin việc và 540 triệu đồng của 11 bị hại. Thực tế, ông L. đem hồ sơ đốt bỏ và tiêu xài số tiền trên vào mục đích cá nhân.

Mục đích cá nhân ấy được ông L. khai nhận tại tòa: “Bị cáo nghiện vé số, ngày nào mà không mua là bị cáo không làm được việc gì hết. Có ngày bị cáo mua vé số đến 2-3 triệu đồng”. Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi: “Lương của bị cáo bao nhiêu một tháng? Tiền lương ấy bị cáo làm gì?”. Ông L. nhanh miệng: “Lương được 6,5 triệu đồng/tháng, bị cáo chơi vé số hết luôn, có tháng chẳng đưa vợ con đồng nào”. Những tiếng thở dài trĩu nặng, vang lên đâu đó giữa không gian đặc quánh của phòng xử án.

Vị chủ tọa lắc đầu: “Bị cáo có biết hoàn cảnh của những người nhờ bị cáo xin việc không? Đa số họ đều khó khăn, mong muốn có việc làm để nuôi sống bản thân, đỡ đần gia đình. Có những người phải vay mượn tiền khắp nơi mới có thể đến trường, nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học. Bị cáo có hiểu việc làm sai trái của mình có thể đẩy những phận người túng quẫn vào cảnh khốn cùng không?”. Bị cáo im lặng, cúi thấp đầu.

“Bị cáo đã lớn tuổi, có nhiều năm đóng góp cho nền giáo dục, được bao nhiêu thế hệ học trò tôn trọng. Tại sao bị cáo lại làm vậy?”, vị chủ tọa thở dài. Bị cáo nói: “Bị cáo nghĩ mua vé số, trúng thưởng thì trả lại, nhưng không trúng thì bị cáo cũng không biết làm sao. Bí bách quá mà mãi không trúng thưởng, bị cáo thấy nhục nhã nên uống thuốc trừ sâu tự tử tại phòng làm việc nhưng được cứu. Lúc đó, gia đình mới biết bị cáo nợ nần…”.

Bị cáo liên tục lặp đi lặp lại câu nói: “Bị cáo nhục nhã quá. Bị cáo thấy mình vô lương tâm, thiếu trách nhiệm khi được giáo dục đàng hoàng mà lại đi làm điều sai trái…”. HĐXX gay gắt: “Bao nhiêu lần nhắc đến lương tâm, trách nhiệm nhưng tại sao bị cáo không nghĩ đến hoàn cảnh của các bị hại mà chỉ quan tâm đến gia đình mình. Nếu ân hận, sao bị cáo không bán xe, bán nhà để trả cho người ta mà lại chuyển giao tài sản cho người thân?”. Ông L. khăng khăng: “Bị cáo nợ tiền của em vợ nên mới bán nhà trừ nợ. Bán cho em vợ, bị cáo mới có cơ hội năn nỉ được ở nhờ. Còn xe tay ga là người em vợ ở nước ngoài gởi về tặng con trai của bị cáo khi cháu cưới vợ …”. Những lời biện hộ nhỏ dần, nhỏ dần…

Nghĩa tình

Hội đồng xét xử tuyên phạt N.L 7 năm tù, buộc bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Trong lời nói cuối cùng, bị cáo rưng rưng: “Bị cáo đã làm hoen ố hình ảnh người thầy cũng như ngành giáo dục, đánh mất danh dự của bản thân…”. Không chỉ vậy, sa chân vào cánh cửa vé số, bị cáo còn đánh đổi cả nghĩa thầy trò, tình đồng nghiệp.

Trong số 11 bị hại, có không ít người là chỗ thân tình hoặc là học trò của bị cáo. Tin tưởng bị cáo, họ mới chạy vạy, vay mượn tiền khắp nơi. Bà H.T.M (SN 1964) chia sẻ: “Vợ chồng tôi quen biết thầy L. từ hồi vợ chồng thầy còn công tác ở thôn G’Huê, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đường sá ở miền núi đi lại khó khăn, đến điếu thuốc cũng chia đôi nên tình nghĩa giữa chúng tôi rất thân thiết, gắn bó”.

Chị M. kể, mẹ chồng chị đã 93 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu mà vợ chồng chị chưa đến tuổi nghỉ hưu, không có điều kiện ở gần mà chăm sóc. Khi con trai tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, vợ chồng chị hy vọng con có cơ hội dạy ở Đà Nẵng để có thể chăm sóc bà nội.

“Thầy nói với vợ chồng tôi: “Tôi biết vợ chồng thầy cô cũng khó khăn, cô cũng thường đau ốm nhưng cháu dạy môn Toán thì đừng có tiếc chi hết. Không có thì vay ngân hàng, đi dạy vài năm rồi lấy lại mấy hồi”. Thầy còn khẳng định: “Thầy mà không xin được thì chẳng ai xin được nữa”. Bao nhiêu niềm tin, vợ chồng tôi đặt cả vào thầy nên mới đi vay mượn, gửi thầy 60 triệu đồng trước. Giờ cháu đã ra trường được 2, 3 năm, đi xin việc cũng khó khăn vì người ta thắc mắc tại sao ra trường lâu rồi mà chưa đi làm…”, chị nghẹn ngào.

Trong khi đó, anh Đ.Q.C (SN 1977) và anh H.T.P (SN 1978) đều đưa tiền đặt cọc cho bị cáo với ý nghĩ: “Mình là học trò nên phải tin thầy”. Cũng bởi nghĩa tình thầy trò nên anh P. “không mong thầy ở tù”, còn anh C. tha thiết xin HĐXX “giảm hình phạt cho thầy vì thầy cũng lớn tuổi rồi”.

Nghe những lời chân tình của các bị hại, bị cáo cúi đầu, rơi nước mắt. Hy vọng bị cáo không đánh mất lần nữa tấm lòng mọi người dành cho mình.

KHA MIÊN

.