.
Ký sự Pháp đình

Tình yêu, hận thù và... thứ tha

.

Hận thù nào cũng có thể dễ dàng tan biến nếu lòng bao dung đủ lớn…

1. T.T.T.T là con gái lớn trong gia đình có 3 người con, T.T.P là anh cả của 3 đứa em. Cách đây hơn 11 năm, mẹ của T. không may bị tai nạn khiến bệnh tật đeo bám không dứt, phải chữa trị quanh năm suốt tháng. Mọi gánh nặng dựa vào số tiền công còm cõi từ việc bốc vác hàng hóa ở Bến xe Đà Nẵng của ba T. Gia đình P. cũng khó khăn chẳng kém khi đồng lương thợ sơn của ba P. vô cùng bấp bênh, phụ thuộc vào các công trình xây dựng bữa có bữa không.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Nhà T. ở phường Chính Gián, nhà P. ở phường Thanh Khê Đông, cùng thuộc quận Thanh Khê, cách nhau chẳng bao xa. T. thua P. 2 tuổi, cả hai từng học chung trường thời THPT. Không đậu đại học, đôi bạn trẻ lao vào dòng mưu sinh để đỡ đần cho cha mẹ. T. xin làm ở một tiệm vẽ móng tay nghệ thuật, còn P. theo cha sơn vôi ở các công trình xây dựng. Một lần tình cờ, cả hai gặp lại nhau khi đi lễ tại một nhà thờ. Và tình yêu chẳng biết len lỏi vào trái tim đôi trẻ tự lúc nào.

Khi ấy, họ là một cặp tình nhân vô cùng hạnh phúc. Sáng, P. chở người yêu đến chỗ làm. Chiều, P. đón người yêu về, cùng nhau ăn cơm rồi tay trong tay dạo phố. Hôm nào P. không đưa đón được, T. vẫn giữ thói quen ghé nhà bạn trai, đợi P. về cùng ăn tối. Thấy đôi trẻ quấn quýt, tình cảm mặn nồng, ba P. chủ động gọi cho ba T. Sau một hồi trò chuyện, hai người cha nhận ra bạn cũ hồi nhỏ nên vui mừng khôn xiết. Được sự chúc phúc, vun vén của hai bên gia đình, tình cảm của họ ngày càng mặn nồng.

2. Để dành được một khoản tiền, cả hai hạnh phúc đi đặt tiệc tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Tri Phương. Tưởng như mối tình đẹp của P. và T. sẽ đơm hoa kết trái bằng một đám cưới đầm ấm vào ngày 30-12-2012. Nhưng cái kết viên mãn đó đã không xảy ra khi gia đình bên ngoại của T. đề nghị đình chuyện hôn lễ, đồng thời mai mối T. cho một Việt kiều. Thương bạn gái phải giằng xé giữa chữ tình và chữ hiếu, P. chấp nhận buông tay, tặng T. chiếc váy như món quà chia tay và chúc phúc.

Mặc dù luôn tự nhủ T. sẽ có cuộc sống sung sướng hơn khi rời xa mình nhưng P. vẫn không sao ngăn bản thân ngừng quan tâm đến người con gái mình yêu. Và chính sự yêu thương ấy đã đẩy P. vào tận cùng nỗi đớn đau khi phát hiện T. mặc chiếc váy mình tặng đi dự đám cưới cùng người bạn trai cũ, tình tứ ôm nhau chụp ảnh. P. càng chết lặng khi thấy trạng thái trên trang facebook của T. chuyển sang “đang hẹn hò”. Trong cơn tức giận vì nghĩ mình bị lừa dối, P. nảy sinh ý định giết chết T.

Khoảng 8 giờ ngày 19-12-2013, P. mang theo một con dao, mua 0,5 lít xăng rồi chạy đến tiệm vẽ móng tay trên đường Bùi Xuân Phái (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), nơi T. làm việc. Sau khi chém T. 2 nhát, P. đổ xăng lên người bạn gái cũ rồi bật lửa đốt. Lửa bốc cháy trên người T. và lan sang tay, vùng mặt của P. Hậu quả, T. tử vong, P. bị bỏng cấp độ I-II.

3. Nhận định hành vi phạm tội của P. có sự chuẩn bị từ trước, xuất phát từ động cơ đê hèn, thực hiện quyết liệt nên TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình về tội “giết người”. Sau đó, P. kháng cáo. Gia đình bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho P.

P. ra tòa lần hai, vẫn đôi mắt hoe đỏ, vẫn bàn tay thảng hoặc miết chặt nơi vành móng ngựa, thảng hoặc đan vào nhau vặn vẹo không ngừng. Những lời khai ở phiên tòa sơ thẩm một lần nữa lặp lại ở phiên tòa phúc thẩm do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại thành phố Đà Nẵng xét xử. “Bị cáo thấy T. đau khổ khi bị gia đình ngăn cấm, không cho hai đứa đến với nhau thì đau lòng lắm. Bị cáo đồng ý chia tay để T. kết hôn với Việt kiều Mỹ như mong muốn của gia đình T. Nhưng thực tế, T. lại nối tình cảm người yêu cũ. Bị cáo cảm thấy mình bị lừa dối, phản bội…”, P. nức nở. “Bị phản bội” ám ảnh trong từng câu nói của P., như cái neo để P. bám víu, tự bào chữa cho tội ác của mình.

Cha của nạn nhân, dù chưa nguôi nỗi đau mất con nhưng vẫn đối xử với hung thủ tước đi sinh mạng con mình bằng tấm lòng của một người cha. Ông chạy đôn chạy đáo nhờ luật sư, nhưng không phải để đưa P. vào ngõ cụt cuộc đời với bản án cao nhất mà để tìm lý lẽ xin giảm án cho P., một điều hiếm hoi trong những vụ án hình sự vốn chất chứa nhiều oán hờn, thù hận.

Và mặc dù đã có luật sư, mặc dù đã gởi đơn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng ông vẫn hai lần lặn lội đến tòa để trực tiếp trình bày tấm lòng của mình với niềm hy vọng về một con đường sống cho P. Sau một lúc trầm tư như đang cố nén nỗi đau, ông nghẹn ngào: “Trước hôm P. gây án, T. còn khoe với mẹ là mới nhận lương rồi tíu tít hỏi mẹ thích ăn gì để nó đi mua. Vậy mà…”. Đôi bàn tay bấu chặt, ông ghìm sự xúc động, nói tiếp: “Gia đình tôi mất con là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nhưng tòa tuyên án tử thì con bé cũng chẳng thể sống lại, mà thêm một gia đình phải trải qua nỗi đau như chúng tôi. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là tình người, tôi mong quý tòa độ lượng, giảm nhẹ án để P. có cơ hội làm lại cuộc đời. Thằng bé còn quá trẻ…”

Cuối cùng thì tấm lòng của ông cũng được tòa xem xét, tuyên giảm mức án tử hình xuống tù chung thân đối với P. Cánh cửa cuộc đời những tưởng đã khép chặt vĩnh viễn, nay lại một lần nữa được mở ra nhờ vào lòng bao dung của tình người…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.