.
Ký sự Pháp đình

Lầm đường

.

Họ là những trai tráng dồi dào sức khỏe, mong muốn cuộc sống sung túc nhưng lại lười lao động...

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào chăng nữa, bước lầm đường của họ đều dẫn đến cái đích chung - tháng ngày lao tù.

Một ngày tháng 12, TAND thành phố Đà Nẵng đưa 2 vụ án ra xét xử. Một buổi sáng, một buổi chiều. Một có thâm niên “hành nghề” trộm cắp, một lần đầu “ra tay” cướp giật. Một đang tuổi thanh niên, một vừa bước vào độ tuổi trung niên. Một quê ở Hà Nam, một đến từ Cần Thơ...

Trộm cắp

Đầu tháng 4-2014, N.X.T (SN 1985) từ tỉnh Hà Nam vào thành phố Đà Nẵng, thuê phòng nghỉ tại một khách sạn trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) nhưng không phải để nghỉ ngơi mà nhằm phục vụ kế hoạch đen tối. Khoảng 20 giờ ngày 10-4-2014, T. thấy khách thuê phòng số 307 đi ra ngoài nên dùng thanh sắt phá khóa cửa, mang đi một túi xách bên trong có 1 máy ảnh, 3 ống kính máy ảnh, 1,5 triệu đồng. Sau đó, T. tiếp tục đột nhập phòng 204, “mượn tạm” 1 máy tính xách tay hiệu Macbook Air. Sau khi trộm thành công tổng trị giá tài sản gần 37 triệu đồng, T. nhanh chóng thu dọn hành lý rồi trả phòng, đón xe đi Hà Nội.

Ngày 2-5-2014, “siêu đạo chích” một lần nữa ra tay tại khách sạn ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thì bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, T. khai nhận từ tháng 9-2013 đến 5-2014 đã gây ra 4 vụ trộm cắp tại Hà Nội, 1 vụ tại Đà Nẵng. Thủ đoạn duy nhất mà T. sử dụng là dùng giấy tờ giả đến thuê khách sạn, chờ sơ hở của người quản lý, khách du lịch rồi phá khóa phòng trộm đồ.

Lý lịch của bị cáo ghi rõ, trình độ văn hóa: 12/12. Kế bên đó là thông tin nhức nhối đập ngay vào mắt, nghề nghiệp: không. Tại phiên tòa, T. cũng cho biết bản thân trước nay chưa từng kiếm sống bằng bất cứ nghề gì. Thông thường, Hội đồng xét xử (HĐXX) chỉ đề cập những vấn đề liên quan đến tình tiết vụ án. Vụ án của T. cũng không ngoại lệ, tòa không xoáy sâu vào hoàn cảnh, gia đình bị cáo. Người thân của T. không ai có mặt trong phiên tòa hôm ấy. Thế nên, cuộc đời của cậu thanh niên từ quãng sau khi nghỉ học đến nay vẫn là dấu ba chấm...  

Câu hỏi mà HĐXX dành cho T. cũng là câu hỏi mà tôi trăn trở: “Bao nhiêu người không biết chữ, chưa từng may mắn có cơ hội được đi học nhưng vẫn miệt mài mưu sinh để lo toan từng bữa cơm. Trong khi bị cáo học đến lớp 12, không xin được việc này thì cũng xin được việc khác, tại sao không đem sức lao động để kiếm sống mà lại đi trộm cắp?”. T. lí nhí điều gì đó mà tôi không nghe rõ. Có lẽ lại là những lời biện minh đuối lý…

Cướp giật

Không như vẻ trơ lỳ của T., đứng sau vành móng ngựa, gương mặt T.Đ.H (SN 1974) tái dại vì sợ. Đôi bàn tay run lên bần bật, phải bấu víu vào vạt áo mỏng tang. Nhiều lần H. quay xuống dưới hàng ghế dự khán vắng ngắt bóng người để kiếm tìm người thân nhưng lần nào cũng thở dài hụt hẫng. Mắt H. hoe đỏ…

Như lời kể của H., H. sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Cái nghèo bám víu, dai dẳng đến cả khi H. lấy vợ. Cái nghèo cũng là nguồn cơn những trận cãi vã giữa đôi vợ chồng trẻ, làm vỡ tan một mái ấm gia đình. Ly thân, vợ bỏ đi, H. cũng chán nản rời quê để tìm quên nỗi buồn.

Ngày 19-7-2014, H. lần đầu tiên đến Đà Nẵng. Ban đầu, H. dự định xin việc làm, bắt đầu cuộc đời mới. Nhưng rồi, văng vẳng trong đầu H. là câu hỏi: “Mình cả đời làm nông, đến bây giờ cũng chẳng tích cóp được gì. Nếu đi làm thuê thì biết bao giờ mới giàu?”. Ám ảnh cái nghèo, H. đã bước qua lằn ranh tốt - xấu khi nhen nhóm ý định làm giàu bằng con đường cướp giật.

“Bị cáo nghĩ Bà Nà là khu du lịch nổi tiếng, lượng khách đông sẽ dễ ra tay cướp và tẩu thoát…”, H. khai tại tòa. Với ý nghĩ ấy, H. vét số tiền 136 ngàn đồng còn lại trong túi, đón taxi lên Bà Nà. Sau một thời gian dài ngồi ở bãi giữ xe để tìm kiếm “con mồi”, H. quyết định ra tay khi phát hiện một du khách nước ngoài có đeo sợi dây chuyền vàng khá to, trên đó có thêm 1 nhẫn vàng (tổng trị giá 75,6 triệu đồng). Nhưng phi vụ bất thành, H. ra tòa, đối diện với lỗi lầm của bản thân.

Thật ra, cái nghèo không có tội, đó chẳng qua là lời biện hộ của H. Bởi lẽ, không phải ai nghèo cũng lựa chọn cách thức sai trái để vượt qua những cùng cực cuộc đời. Và H., chỉ là một trong số ít hiếm hoi.
Cả H. và T. đã nhận mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai lười lao động nhưng lại muốn có tiền tiêu xài.

TAND thành phố Đà Nẵng đã tuyên phạt H. 4 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”,  T. 21 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Riêng T., tổng hợp mức án 4 năm tù giam do TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tuyên trước đó, T. phải chấp hành hình phạt 5 năm 9 tháng tù giam.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.