Pháp luật

Ký sự Pháp đình

Một lần lạc tay lái

13:42, 23/01/2015 (GMT+7)

Một lần lạc tay lái, tình yêu đẹp vỡ tan. Một lần lạc tay lái, người vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ, người đối diện với bản án pháp luật và sự day dứt của lương tâm. Tai nạn giao thông bao giờ cũng là nỗi đau khôn nguôi...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Mỗi lần nhậu say, cha của P.X.S (SN 1992) lại đuổi đánh vợ con. Những trận đòn roi chỉ chấm dứt khi ông rời nhà, đi theo người phụ nữ khác. Những tưởng mái ấm ấy sẽ thôi tiếng khóc tức tưởi. Nhưng người phụ nữ dù chưa từng được yêu thương trọn vẹn vẫn không chịu nổi cú sốc mất chồng, ngây ngây dại dại từ đó.

Người con trai thứ hai biết tin mẹ mang bệnh tâm thần, quyết định bỏ học về chăm sóc mẹ. Bi kịch nối tiếp khi không lâu sau anh mang cùng căn bệnh với mẹ. Gia đình 7 anh em thì 5 người đã lập gia đình. S. rời trường lớp khi đang là học sinh lớp 10, trở thành trụ cột trong nhà, là bờ vai nương tựa cho mẹ và anh.

Mỗi lần S. buồn chuyện gia đình hay mất thăng bằng trong cuộc sống, bao giờ cũng có cô bạn thân N.T.H.P (SN 1994) làm điểm tựa an ủi. Nhà cách nhau chừng 100m ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), S. và P. cùng lớn lên bên nhau, chia sẻ bao kỷ niệm vui buồn thuở thiếu thời.

Cũng là con út trong gia đình nghèo đông anh em nhưng P. may mắn hơn S., được tiếp tục theo đuổi việc học tập tại một trường đại học ở Đà Nẵng. Khi P. đang học năm cuối ngành y, tình bạn gần 8 năm của hai người bước sang một trang mới. Để tiện chăm sóc nhau, S. ra Đà Nẵng làm nghề hớt tóc, thuê cùng dãy trọ với P. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, chia ly vội vàng ập đến sau đó 4 tháng.

2. Ngày 5-6-2014, cả hai dự định về quê thăm gia đình. Vé đã đặt nhưng đành lùi lại một ngày vì P. có buổi học đột xuất. Tối ấy, cả hai đang ngồi xem phim thì một người bà con ở quê ra khám bệnh gọi điện rủ P. đi ăn. P. rủ đi cùng nhưng S. từ chối vì cảm thấy mệt. Tuy nhiên, sau khi rời nhà, P. quay lại nằn nì người yêu đi cùng vì người bà con khăng khăng đòi gặp. Không muốn người yêu buồn, S. đồng ý.

Sau khi ăn uống tại một quán nhậu trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), khoảng 21 giờ 30, S. chở P. về nhà theo hướng cầu Rồng với tốc độ 50-60km/giờ. Khi chạy đến ngã tư giao nhau với đường Phạm Cự Lượng, S. không làm chủ được tay lái, tông thẳng vào một chiếc xe máy đang xi-nhan chuyển hướng qua đường với tốc độ 15-20km/giờ. Tai nạn xảy ra làm P. tử vong khi được đưa đến bệnh viện vì đa chấn thương.

Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử, S. lí nhí: “Đi được khoảng 50m, bị cáo dừng lại đi vệ sinh. Một người bạn thấy bị cáo mệt, có nói P. chở bị cáo, nhưng bị cáo nghĩ mình là con trai...”. Thở dài, vị chủ tọa nói: “Bị cáo nghĩ mình là con trai thì càng phải tuân thủ pháp luật, càng phải có trách nhiệm với tính mạng của bản thân, của người ngồi sau lưng mình và cả những người lưu thông trên đường chứ?”. Cúi đầu, S. nhận sai và xin lỗi.

3. Tâm sự với chúng tôi trước khi phiên xử bắt đầu, cha của P. não nề: “P. là con út, ngoan ngoãn, lễ phép lại học giỏi nhất trong số các con của tôi. Tôi nhớ hoài, lúc con còn sống, con thường hay cắt móng tay cho tôi...”. Người cha nhìn chằm chằm đôi bàn tay, hồi tưởng ký ức đẹp hồi lâu rồi mới tiếp tục câu chuyện. “Tôi bị bệnh tim nên phải nằm điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế một thời gian dài. Thỉnh thoảng cuối tuần, P. lại ra thăm. Trước khi mất hai ngày, con còn ra Huế để ăn Tết Đoan ngọ với cha. Vậy mà, bây giờ tôi đầu bạc phải tiễn con đầu xanh...”, ông rưng rưng.

Mất con, vợ chồng ông đau quặn thắt. Thế nhưng, chưa bao giờ ông bà có một lời oán trách đối với bị cáo. Dù bệnh tật, ông vẫn hai lần lặn lội từ Gia Lai đi Đà Nẵng để khẩn thiết mong hội đồng xét xử giảm án cho S.

Tấm lòng người cha bao dung, ông luôn nhắc về S. với tình cảm thân thương: “P. mất là chuyện ngoài ý muốn, S. cũng đau lòng như chúng tôi thôi. P. mất rồi, S. thường qua nhà tôi, thấy việc gì thì phụ giúp việc đó, tội nghiệp lắm.

Tối đến, S. lại ra mộ thắp hương cho con bé, cứ đứng thẫn thờ, dằn vặt bản thân mãi. Chúng tôi thấy cảnh ấy lại càng xót xa. Gia đình S. cũng khó khăn, bi đát lắm. Chúng tôi thương cháu như con cái trong nhà, mong cháu được giảm án để còn về đi làm, chăm sóc cho mẹ và anh trai”.

Hy vọng những ai vô tình biết đến vụ án này, mỗi khi ngồi sau tay lái, đều nhắc nhở mình về nỗi đau khôn nguôi mà tai nạn giao thông để lại và cẩn thận hơn...

TAND quận Sơn Trà xử sơ thẩm nhận định S. là người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông làm P. tử vong khi không có bằng lái theo quy định của pháp luật nhưng vẫn điều khiển xe trên 50cm3 với tốc độ nhanh, không thực hiện việc giảm tốc độ khi đến nơi giao nhau. Từ đó, tuyên phạt S. 36 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”.

TAND thành phố Đà Nẵng xử phúc thẩm xét thấy mức án trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng cũng xem xét nhiều tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, tuyên 30 tháng tù giam.

KHA MIÊN

.