.
Ký sự Pháp đình

Phiên tòa hạnh phúc

.

Tôi gọi “phiên tòa hạnh phúc” vì đó là một trong số những phiên tòa dân sự hiếm hoi được hòa giải thành công.

Hơn hết, những người liên quan trong vụ án có thể vui vẻ trò chuyện với nhau và thuận hòa ra về, không như vẻ dửng dưng của đại đa số tình thâm nơi chốn pháp đình…

1. Cụ L.V.N, hơn 80 tuổi, đến TAND thành phố Đà Nẵng trong bộ pijama cũ, lê từng bước khó nhọc lên bậc thang. Quãng đường từ sân tòa đến phòng xử không dài, người bình thường chỉ mất chừng 1 phút là đến nơi, nhưng với cụ là cả sự kiên trì. Kiên trì đeo đuổi vụ kiện nhiều năm, kiên trì tham dự các phiên tòa, kiên trì giải bày trước hội đồng xét xử (HĐXX) dù đã ủy quyền đại diện cho người con trai út, ông L.D.A (SN 1968).

Không sắp đặt trước nhưng việc vô tình đứng cạnh nhau của các thành viên trong gia đình cụ ở phiên xử hôm ấy lại tạo thành sự đối xứng đẹp mắt. Cụ ngồi giữa, đứng cạnh bên là hai người con trai, ngoài cùng hai phía là hai người con gái. Chỉ tiếc, bức tranh gia đình ấy lại hiển hiện ở chốn pháp đình.
Bi kịch “nồi da xáo thịt” bắt đầu từ ngôi nhà do vợ chồng cụ N. tạo lập thời trẻ. Cụ bà không may qua đời, không để lại di chúc.

Ngày 6-7-2013, cụ N. đến phòng công chứng cùng người con trai thứ ba, ông L.D.K (SN 1961), để làm “hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” (tặng căn nhà cho người con trai thứ ba). Tuy nhiên, không lâu sau đó, cụ khởi kiện người con trai thứ ba vì cho rằng ông K. gian dối, lừa gạt cha.

2. Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử, ông K. một mực khẳng định hợp đồng tặng cho được làm đúng thủ tục. “Tôi không lừa dối hay ép buộc ba tôi, là ba tự nguyện cho tôi. Sau khi xử sơ thẩm, tui mới biết là ba tui chỉ có quyền tặng ½ giá trị căn nhà, nửa còn lại là của mẹ tui. Tui biết tui sai ở chỗ phần tài sản của mẹ tui. Còn phần của ba tui, ba tui đã tặng tui rồi, phải thuộc về tui. Mấy năm nay tui không có nhà ở, phải ở nhà thuê…”, ông K. nói.

Nghe anh trai khai, người em liên tục lắc đầu, phản đối: “Từ lâu, anh tôi đã có ý định bán ngôi nhà nhưng không được ba tôi và các chị em đồng ý. Anh lợi dụng ba tuổi cao, không còn minh mẫn để đưa ông ra phòng công chứng làm hợp đồng tặng cho. Bây giờ, nguyện vọng của ba là anh tôi trả lại căn nhà”.

Người anh vội vàng cắt ngang: “Trước đây, ba nói chia đều cho 4 chị em nhưng chị cả nói sẽ cho thằng út, chị hai để lại cho tôi nên coi như căn nhà tui với D.A chia đôi. Căn nhà 1,5 tỷ đồng, chia đôi là 750 triệu đồng. Mỗi đứa trích lại 100 triệu đồng cho ba an dưỡng tuổi già, nghĩa là còn lại 650 triệu đồng. Nếu út muốn lấy lại căn nhà cho ba thì phải trả cho tôi 650 triệu đồng”.

Ông A. thở dài: “Trước đó, để ba vui lòng, tôi đã thỏa thuận với vợ chồng anh là sẽ đưa 650 triệu đồng để nhận lại chủ quyền nhà cho ba. Nhưng lúc chuẩn bị giao tiền ở phòng công chứng thì anh bỏ về, đòi số tiền cao hơn”.  

Chứng kiến các con cãi nhau, cụ N. lẩy bẩy đứng dậy, run rẩy cất lời: “Con tôi lừa gạt tôi. Nó nói với tôi là ủy quyền cho nó để nó vay tiền làm ăn, chứ tui không có ý định tặng hết cho nó. Tui bị con tui lừa gạt, đối xử tàn tệ”.

Ngừng cơn xúc động hồi lâu, cụ thổn thức: “Tui già rồi, cũng gần nhắm mắt xuôi tay, chẳng mang theo được gì về với đất. Nhưng tui muốn lúc tui còn sống, căn nhà phải đứng tên tui. Rồi về nhà, gia đình tui họp bàn, chia như thế nào thì tính sau”. Mặc dù HĐXX nhiều lần giải thích một nửa căn nhà là của vợ cụ, phải được chia theo đúng quy định pháp luật nhưng cụ trước sau vẫn khăng khăng “phải đứng tên ngôi nhà”.

Cụ còn không ngừng lặp đi lặp lại: “D.A là con trai út nhưng có 2 đứa con trai, là cháu đích tôn. D.K là con trai trưởng nhưng chỉ có hai đứa con gái…”. Người con gái đầu thở dài thườn thượt: “Ba cứ vầy nên thằng ba sợ thằng út sau này ỷ có con trai rồi chiếm nhà làm nơi thờ phụng mới đòi chia tài sản sớm…”.

3. Lắng nghe tâm sự của các đương sự, HĐXX khuyên nhủ: “Ba các anh cũng đã già rồi, sức khỏe còn yếu, đến tòa hoài cũng không hay. Ông còn sống ngày nào thì làm con, các anh phải mừng chừng ấy. Bây giờ, nguyện vọng của ông cụ như vậy, các anh có thể xem xét lại hay không?”.

Tòa cho nghỉ giải lao để hai bên hội ý. Hai người chị tâm tình, phân tích thiệt hơn với hai người em trai. Rồi các con cùng quây quần, thủ thỉ bên cha. Không khí căng thẳng từ đầu phiên xử đến giờ thoáng chốc tan biến. Trên gương mặt của người cha, lấp lánh nét mãn nguyện, hạnh phúc…

Tòa làm việc lại. Ông K. đồng ý hủy bỏ hợp đồng tặng cho, trả lại căn nhà cho cha. HĐXX công nhận sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện giữa đôi bên.

Cụ N. vui vẻ ra về trong vòng tay nâng đỡ của các con. Việc phân chia ngôi nhà vẫn chưa đi đến hồi cuối nhưng những người dự khán vẫn hy vọng đó là cái kết đẹp của tình nghĩa gia đình…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.