Pháp luật

Cái kết của bạo lực

13:47, 13/03/2015 (GMT+7)

Người xưa từng nói: “Một sự nhịn, chín sự lành”, nhưng có không ít người thiếu kiềm chế, lựa chọn giải quyết xích mích bằng bạo lực để rồi dẫn đến những cái kết buồn.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

1. Từ Thái Bình, N.V.T (SN 1980) lặn lội vào Đà Lạt kiếm sống. Tại đây, T. kết bạn với N.V.V.B (SN 1979). Cùng chung khát vọng làm giàu, cả hai rủ nhau lập nghiệp tại thành phố Đà Nẵng với ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy mà, tình bạn thân thiết ấy sớm rạn nứt và khép lại với vòng lao lý chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt.

Khoảng 21 giờ 30 ngày 18-5-2014, B. đến khách sạn Danasa gặp một tài xế xe du lịch để nhờ giới thiệu khách mua đặc sản. Nghe báo tin, T. vội chạy đến, hằn học với bạn: “Tài xế này tao quen rồi”. B. kiên quyết: “Tài xế này tao làm quen từ trưa rồi, ý mày muốn sao?”. Trong cơn tức giận, T. xông đến đánh B. Hoảng sợ, B. bỏ chạy nhưng T. vẫn đuổi theo, dùng chìa khóa xe đâm, dùng chân đạp vào người B. Sự việc chỉ dừng lại khi bảo vệ của khách sạn gọi điện báo công an. Hậu quả, B. bị chấn động não, bị di chứng rối loạn tâm thần thể ám ảnh, tỷ lệ thương tật 20%.

TAND quận Sơn Trà xử sơ thẩm tuyên phạt T. 12 tháng tù giam về hành vi “Cố ý gây thương tích”, có tính chất côn đồ. Cho rằng mức án quá nặng, T. làm đơn kháng cáo.

2. Mới đây, TAND thành phố Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm,  tòa hỏi: “Bị cáo với anh B. có mối quan hệ như thế nào?”. “Bị cáo với anh B. là chỗ anh em, bạn bè thân thiết từ lúc còn ở Đà Lạt?”, T. đáp. “Anh em, bạn bè thân thiết sao bị cáo lại đánh anh B. thương tích đến 20%?”, tòa tiếp tục chất vấn. T. lí nhí biện minh: “Tại anh B. nhiều lần hăm dọa tài xế giới thiệu khách du lịch cho mình. Bị cáo nóng tính, không kiềm chế được nên mới…”.

Vị chủ tọa thở dài: “Chỉ vì một nguyên cớ nhỏ nhặt, bị cáo lại đánh bạn mình, như vậy có đúng không? Năm 2007, cũng vì hành vi này, bị cáo từng bị TAND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xử phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tại sao bị cáo không lấy đó làm bài học, ăn năn hối cải, rút kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân mà lại tiếp tục tái phạm?”.

Đến đây, T. bật khóc nức nở: “Bị cáo biết sai rồi. Mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức án để bị cáo sớm về chăm sóc cho vợ con. Vợ bị cáo đang mang thai, hai con còn nhỏ, cả gia đình mới đến Đà Nẵng nên cuộc sống không ổn định, lại không có bà con thân thích. Bị cáo mà đi tù rồi, không biết vợ con bị cáo phải sống như thế nào…”. Nước mắt hối lỗi của bị cáo giờ đã muộn màng. Giá mà trước khi phạm tội, bị cáo nghĩ đến người thân của mình để hành động thấu đáo.

Xét thấy mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội, bị cáo không nêu được tình tiết giảm nhẹ nào mới, cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, y án 12 tháng tù giam.

3. Còn nhớ, cách đây không lâu, một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra. Theo đó, Đặng Văn Phước (SN 1967, ngụ quận Hải Châu) và vợ chồng chị Võ Thị Ngọc Bé nảy sinh mâu thuẫn trong việc thu mua cá cờ tại khu vực chợ đầu mối - cảng cá Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà). Tức tối, Phước xúi giục Trương Quang Khánh (SN 1986) đi tìm vợ chồng chị Bé để đánh. Nghe lời Phước, Khánh đã dùng con dao chặt cá chém chị Bé 3 nhát, gây thương tích với tỷ lệ 32%. Trả giá cho hành vi sai trái của mình, cả hai cùng lãnh 6 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Mất đi lao động chính trong gia đình, vợ và con của Phước, Khánh cũng bắt đầu chuỗi ngày lao đao từ đó.

Hai câu chuyện trên càng chứng minh mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề chưa bao giờ là lựa chọn khôn ngoan. Cũng vì vậy, mỗi người nên luôn nhắc nhớ bản thân phải bình tĩnh, kiềm chế cơn giận để tránh những điều đáng tiếc xảy ra…

KHA MIÊN

.