.
Ký sự Pháp đình

Lạc lối

.

Người xưa từng khuyên: “Hình hài của mẹ của cha/ Trí khôn đời dạy, đói no tự mình...”. Thế nhưng, không phải ai cũng trân quý cơ thể lành lặn mẹ cha trao tặng và dựng xây cuộc sống bằng sức lao động chân chính...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những vụ cướp giật tài sản được TAND thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử trong thời gian gần đây để lại nhiều dư âm buồn, đáng chú ý là hầu hết thủ phạm là những thanh niên đang trong độ tuổi căng tràn nhựa sống…

1. Thích hưởng thụ nhưng lười lao động, Nguyễn Văn Thọ (SN 1990, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã tự tô đen lý lịch cuộc đời mình với hai bản án “Trộm cắp tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do TAND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), TAND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xử phạt khi mới 20 tuổi. Những tưởng 36 tháng trong trại giam là quãng thời gian Thọ nhìn nhận lỗi lầm của bản thân và bắt đầu lại cuộc đời mới. Vậy mà, vừa mãn hạn tù không bao lâu, Thọ tiếp tục sa chân vào con đường lầm lỗi. Lần này, Thọ còn lôi kéo thêm Võ Phan Văn Long Phi (SN 1994, ngụ huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và Bùi Văn Trung (SN 1995, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Trong khoảng thời gian từ ngày 22-6-2014 đến ngày 2-7-2014, Thọ 7 lần rủ Trung, Phi từ Quế Sơn ra Đà Nẵng, dùng dao khống chế và cướp tài sản của nhiều phụ nữ đi về khuya trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ngoài hành vi cướp tài sản, cả ba còn có hành vi cướp giật tài sản trên địa bàn quận Hải Châu. Trong thời gian ngắn, băng cướp này trở thành nỗi ám ảnh, gây hoang mang đối với người dân thành phố bởi sự táo tợn, liều lĩnh. Với số tiền cướp được, cả nhóm vùi đầu vào cà-phê, đánh billiard, sắm sửa cá nhân…

Cũng xuất phát từ việc cần tiền để thỏa mãn thú chơi, Nguyễn Lê Thọ và Nguyễn Anh Hướng (SN 1998, cùng ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau đi cướp. Tối 30-5-2014, Thọ mượn xe máy của anh ruột, cùng Hướng ra Đà Nẵng. Cả hai vòng vèo các tuyến đường trung tâm thành phố hồi lâu để tìm “con mồi” nhưng không dám ra tay do đường phố đông người qua lại. Sau đó, cả hai chuyển hướng chạy đi bán đảo Sơn Trà. Đến đoạn đường vắng vẻ ở khu vực Bãi Rạng, phát hiện anh P.C.H đang chở người yêu, Hướng lập tức áp sát buộc nạn nhân dừng xe. Ngay lúc này, Thọ nhảy xuống, dùng mũ bảo hiểm tấn công anh H. tới tấp để đồng bọn lục túi cướp 3 chiếc điện thoại di động.

Liều lĩnh không kém là băng nhóm chuyên cướp giật tài sản của du khách đang tản bộ. Tối 3-8-2014, lực lượng tuần tra phòng chống cướp giật Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện, truy đuổi và bắt giữ Nguyễn Quang Nghĩa (SN 1990), Nguyễn Ngọc Hậu (SN 1990) khi cả hai vừa giật túi xách của chị N.T.G (SN 1992, quê Hải Dương) đang đi bộ trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng. Tại cơ quan điều tra, Nghĩa khai nhận, trước đó, ngày 28-1-2014, Nghĩa thực hiện một vụ cướp khác cùng Lương Quang Vinh (SN 1994, cùng ngụ quận Sơn Trà) trên đường Võ Nguyên Giáp. Nạn nhân là bà Jung Soo Jung (SN 1975, quốc tịch Hàn Quốc), đang đi bộ trước bãi biển số 3.

2. “Tại sao các bị cáo khỏe mạnh lại không đi làm, kiếm tiền bằng sức lao động chân chính mà rủ nhau đi cướp? Cha mẹ cho mình hình hài lành lặn, cơ thể khỏe mạnh, các bị cáo lại không biết quý trọng, có cảm thấy có lỗi với cha mẹ không?”. Câu hỏi trên được Hội đồng xét xử (HĐXX) lặp đi lặp lại ở hầu hết các phiên tòa xét xử hành vi “Cướp tài sản” hoặc “Cướp giật tài sản”.

Táo tợn và liều lĩnh lúc phạm tội nhưng tên cướp nào cũng thể hiện vẻ sợ sệt, dè dặt khi đứng trước vành móng ngựa. Đáp lại câu hỏi của HĐXX thường là những cái cúi đầu thinh lặng như Nguyễn Văn Thọ, Võ Phan Văn Long Phi và Bùi Văn Trung. Có lẽ các bị cáo hiểu mọi lý do đều không thỏa đáng để bào chữa cho hành vi sai trái của bản thân.

Đáp lại câu hỏi của HĐXX có khi lại là lời biện minh lí nhí mà người dự khán phải cố căng tai mới nghe được. “Hai bị cáo mê game, thường ngồi cả ngày ở tiệm Internet. Hôm đó, hai đứa chơi đến khi hết tiền, biết xin cha mẹ không xong, mượn bạn bè cũng không được, ghiền quá nên mới làm liều…”, lời khai của Nguyễn Lê Thọ và Nguyễn Anh Hướng cứ nhỏ dần, nhỏ dần trong tiếng thở dài trĩu nặng của những người dự khán hôm ấy.

Trong khi đó, Nguyễn Quang Nghĩa lại đổ lỗi cho cuộc hôn nhân đã vỡ tan: “Từ khi có với nhau một đứa con, vợ chồng bị cáo lúc nào cũng hục hặc chuyện tiền bạc. Tiền bạc đã khiến mái ấm gia đình bị cáo tan tác. Trong lúc nghĩ quẩn, bị cáo dại dột…”. Buồn nhất là lý do phạm tội của Nguyễn Ngọc Hậu và Lương Quang Vinh khi cả hai không làm chủ được bản thân, cả nể với bạn bè: “Dạ, tại bị cáo bị rủ rê miết…”.

Dẫu xuất phát từ nguyên do gì, hành vi phạm tội của các em đều đáng trách. Lạc lối suy nghĩ, lạc lối hành động, các em đã phải trả giá đắt bằng những năm tháng tuổi trẻ nơi chốn lao tù. Hy vọng quãng thời gian thi hành án, các em biết nhìn nhận về lỗi lầm của bản thân để sớm quay về nẻo thiện, làm lại cuộc đời mới khi mãn hạn tù…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.