Pháp luật
Dứt tình, hết nghĩa
Từng là vợ chồng, dẫu hết tình thì vẫn còn nghĩa. Vậy nhưng, trong nhiều trường hợp, dứt tình thì cũng hết nghĩa…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trước tòa, bị cáo và người bị hại đáp trả nhau bằng những cái nhìn hằn học, tức tối cùng những lời lẽ đay nghiến. Nếu không biết sự việc, hẳn không ít người lầm tưởng họ là những người xa lạ chứ không phải là vợ chồng, từng “đầu ấp, tay gối” hơn 36 năm.
Chiếc bàn và nghĩa tình vợ chồng
Sau một thời gian yêu thương, ông và bà nên duyên vào năm 1976. Mái ấm nhỏ bé ngày càng rộn rã tiếng cười khi hai người con trai lần lượt chào đời. Vậy mà, khi các con lớn khôn, họ quyết định “đường ai, nấy đi” vì những mâu thuẫn, bất hòa trong cuộc sống hôn nhân. Ly thân, bà về sống với vợ chồng con trai.
Sáng 25-1-2012 (mồng 3 Tết Nhâm Thìn), bà đến nhà ông lấy chiếc bàn trị giá chưa đầy 400.000 đồng chở về nhà con trai. Tức tối, ông kể sự việc cho 5 người em ruột nghe rồi cùng kéo đến tìm bà, đòi lại chiếc bàn. Trước khi đi, 5 người em đã trình báo việc chị dâu mang chiếc bàn đi với cơ quan chức năng.
Vừa đến nơi, hai người nảy sinh mâu thuẫn, lời qua tiếng lại. Trong cơn tức giận, ông dùng tay kéo vợ khiến bà ngã. Chưa dừng lại, ông tát vào mặt, đánh nhiều cái vào người khiến vợ mang thương tích 17%.
Sau đó, bà có đơn yêu cầu khởi tố ông và 5 người em của ông vì cho rằng, những người này cùng có mâu thuẫn và trực tiếp gây ra thương tích cho bà. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan tố tụng cho rằng, thương tích của bà chỉ do ông gây ra. Việc 5 người em cùng đi với ông chỉ nhằm lấy lại chiếc bàn. TAND huyện Hòa Vang xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Không bằng lòng với bản án này, bà làm đơn kháng cáo.
Rạn nứt tình thâm
Tại phiên phúc thẩm, bà cho rằng, mức án mà cấp sơ thẩm tuyên phạt là quá nhẹ và khăng khăng đòi tăng án với chồng. Không những thế, theo bà, thương tích của mình do 5 người em đồng thời gây ra, chứ không riêng bị cáo: “Khi tôi đến nhà lấy chiếc bàn đi, ông có mặt nhưng không hề ngăn cản. Khi ông kể lại chuyện này với các em thì mới xảy ra cớ sự. Lúc nảy sinh xô xát, 5 người em của ông, người cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu tôi, người dùng gạch ném, người cầm rựa chém vào mắt cá chân, người lao vào đánh, người dùng tay bóp cổ, còn ông chỉ tát tôi 2 cái. Nếu không khởi tố 5 người em của ông là đã bỏ lọt tội phạm”.
Với tư cách nhân chứng, người con trai thừa nhận những gì mẹ nói là đúng và anh thấy người cô cầm rựa nhưng không nhìn rõ cô có chém mẹ không. Trong khi đó, 5 người em của bị cáo đều cho rằng, khi đến nhà cháu, chỉ đứng bên ngoài đường, không hề vào sân.
Khi tòa hỏi lý do đòi tăng án đối với bị cáo, bà đáp gọn: “Vì ổng là chồng”. Được yêu cầu giải thích cặn kẽ hơn, bà nói: “Vì ổng là chồng mà kéo người thân tới quậy phá, gây thương tích cho tôi thì không thể tha thứ”. Từ hàng ghế dự khán, những tiếng thở dài nối tiếp nhau vang lên khiến không gian phòng xử vốn ngột ngạt, càng thêm bức bối.
Thở dài, vị thẩm phán lên tiếng: “Bà có thể suy nghĩ lại không? Dù sao ông bà cũng là vợ chồng, hết tình thì vẫn còn nghĩa. Vợ chồng đưa nhau ra tòa đã là điều bắt đắc dĩ, lại đổ tiếng ác cho nhau, có những lời lẽ nặng nề trước mặt các con là điều chẳng nên và đó là bi kịch gia đình. Đừng cố gieo thêm đau thương, mất mát, rạn nứt tình cảm gia đình nữa. Cả bị cáo lẫn bị hại hãy giữ lại chút cái nghĩa vợ, tình chồng…”.
Nghe những lời khuyên chân thành của vị thẩm phán, bà cúi đầu thinh lặng. Tuy nhiên, bà vẫn phân bua: “Việc gì ra việc đó, gây án thì phải lãnh án”. Trong khi đó, bào chữa cho hành vi phạm tội của mình, ông lí nhí: “Vì bà có những lời lẽ xúc phạm người thân trong gia đình tôi nên tôi mới tức giận, không kiềm chế được. Gây thương tích cho vợ là chuyện chẳng đẹp mặt gì, tôi chỉ mong tòa xử nhanh để không xót xa thêm…”.
Y án 6 tháng tù Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhận định dù có tham gia đánh bà hay không thì việc 5 người em của bị cáo cũng đã có dấu hiệu đồng phạm về mặt tinh thần. Từ đó, vị luật sư yêu cầu tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vị kiểm sát viên tranh luận, ban đầu 5 người em của bị cáo đến tìm chị dâu chỉ nhằm hỏi rõ sự việc và lấy lại cái bàn. Việc bị cáo gây án là bộc phát, không thỏa thuận trước với nhau, nằm ngoài ý muốn của những người này. Hơn nữa, dù khai em chồng cầm rựa chém mình nhưng qua khám nghiệm thương tích, mắt cá chân của bà không hề bị rách ngoài da. Thêm nữa, có nhân chứng khác cho rằng, chiếc rựa do người con dâu cầm, được 5 người em của ông giằng co, nhờ người hàng xóm cất giùm vì sợ xảy ra chuyện đáng tiếc. Hội đồng xét xử nhận định chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, xuất phát từ một chiếc bàn mà hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của hầu hết nhân chứng, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác. Trước đó, cấp sơ thẩm đã một lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ vai trò của 5 người em nhưng không có cơ sở khẳng định những người này là đồng phạm. Xét mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, đúng người, đúng tội, cấp phúc thẩm giữ nguyên mức án 6 tháng tù đối với ông. |
NAM BÌNH