.
Ký sự Pháp đình

Hãy nghĩ cho con trẻ!

.

Việc xác định huyết thống cho con trẻ trong nhiều trường hợp là vô cùng cần thiết, nhưng đôi lúc lại không quan trọng bằng việc làm sao cho trẻ không bị tổn thương và nhận được tình yêu tròn trịa từ mái ấm gia đình…

Minh họa: HOẢNG ĐẶNG
Minh họa: HOẢNG ĐẶNG

1. Trong quãng thời gian dài làm phóng viên chuyên theo dõi thời sự pháp đình, những vụ án hôn nhân luôn ám ảnh, day dứt trong tôi hơn cả, và càng trĩu nặng khi thấp thoáng bóng dáng trẻ thơ trong ấy…

Tôi từng chứng kiến một người mẹ trẻ 7 năm kiên nhẫn, miệt mài theo đuổi vụ kiện chỉ với mong muốn có thể truy nhận cha cho con. Chồng chị là một Việt kiều Mỹ hồi hương, hơn chị nhiều tuổi, đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh, khi con thơ chưa đầy 10 tháng tuổi. Trục trặc giấy tờ nên chưa kịp đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con để trống tên cha, chị phải đối mặt với đơn kiện đòi di sản thừa kế của gia đình nhà chồng.

Mọi việc lẽ ra vô cùng đơn giản nếu những người anh em trai của chồng chị hợp tác trong việc xác định mối quan hệ huyết thống cùng đứa trẻ. Nhưng gia đình chồng chị kiên quyết không cung cấp mẫu máu để xác minh ADN và đưa ra nhiều lý do để bác bỏ huyết thống của đứa trẻ: “Em tôi bị tật bẩm sinh, bán nam bán nữ, từ nhỏ đến lớn sống một mình, làm sao có con?”.

Vụ kiện vẫn chưa ngã ngũ khi cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án, giao cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu gia đình chồng chị có trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh cháu bé không phải con của người chồng đã khuất như đơn khởi kiện.

Trong vụ tranh chấp khối tài sản không nhỏ này, mặc kệ người lớn thực sự tranh giành vì mục đích gì, cái cháu bé cần không phải là tài sản thừa kế mà chính là tìm được đích thực nguồn cội của mình, để không mang nặng mặc cảm không rõ gốc gác khi trưởng thành.

2. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc xác định huyết thống cho con trẻ cũng cần thiết. Trong tất cả trường hợp, quyền lợi của con trẻ nên được đặt lên trên hết…

Cùng làm chung trong cơ quan, lâu dần, giữa ông và bà nảy sinh mối quan hệ tình cảm trên mức đồng nghiệp. Lúc ấy, họ đều đã trên 40 tuổi. Trong khi ông chưa lập gia đình, bà đã yên bề gia thất và có ba cô con gái dễ thương. Sau một thời gian qua lại, bà mang thai và sinh một bé trai kháu khỉnh. Bà một mực khẳng định đứa trẻ là con của người chồng hiện tại nhưng ông vẫn thường xuyên lui tới gia đình bà để chơi đùa cùng đứa trẻ.

Càng ngày, ông càng gắn bó và yêu thương đứa trẻ. Nhiều đêm liền, ông trằn trọc, thao thức rồi khẳng định đứa trẻ là con trai mình. Từ đó, ông khởi kiện bà, yêu cầu xác định cha cho con. Kết quả giám định ADN cho thấy, ông chính là cha ruột của cháu bé.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Thanh Khê xét xử, ông trình bày mong muốn được làm lại giấy tờ khai sinh, ghi rõ cha đẻ của cháu bé là ông, để “một mai tôi chết, cháu còn biết dòng tộc, họ hàng…”.

Trong khi đó, chồng bà - cũng là người cha trên giấy tờ hiện tại của cháu bé - chỉ day dứt một nỗi niềm: “Dù không cùng huyết thống nhưng tôi chăm sóc, nuôi dưỡng con từ lúc con mới chào đời nên yêu con như con ruột của mình. Việc làm lại giấy khai sinh là quyền lợi của cha ruột, tôi chỉ mong anh nghĩ cho con, làm sao để con không bị thiệt thòi và chấn thương tâm lý khi có sự xáo trộn trong cuộc sống…”. Khóc nức nở trong suốt phiên tòa, bà cũng mong cháu bé được lớn lên vô tư trong tình thương yêu của vợ chồng bà như từ trước đến nay.

Tòa phán quyết dựa trên cơ sở xem xét chứng cứ. Vì vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên cháu bé là con ruột của ông. Ông ra về với niềm hạnh phúc, để lại vô vàn nỗi chơi vơi trong những tiếng thở dài của một mái ấm.

Không đồng ý với phán quyết của cấp sơ thẩm, bà có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, hai lần TAND thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm, bà đều vắng mặt. Cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng nghĩa bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Vụ kiện khép lại nhưng có lẽ cuộc sống của những phận người liên quan trong vụ kiện vẫn chưa khép lại trong bình yên…

3. Trẻ thơ đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài. Cả hai vụ án trên, dẫu ai là người thắng thì con trẻ vẫn là người thua thiệt, trực tiếp gánh chịu nỗi đau tinh thần không gì có thể xóa nhòa được. Chỉ mong rằng, người lớn trước khi đưa nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp hãy nghĩ đến con trẻ và những tổn thương mà con trẻ phải gánh chịu, để yêu thương, bao dung hơn…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.