Tham gia tín dụng đen, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh mất hết tài sản, tan cửa nát nhà... Bi kịch tín dụng đen không còn là câu chuyện mới nhưng nhiều người vẫn tiếp tục “nhảy” vào vì ham lãi cao, bất chấp hậu quả...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Mới đây, TAND thành phố Đà Nẵng đã đưa vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do N.T.Ph (SN 1973, ngụ quận Sơn Trà) thực hiện ra xét xử sơ thẩm.
Ma lực đồng tiền
Chồng chạy xe đường dài, toàn bộ nhà cửa và con cái đều do một tay Ph. quán xuyến. Thu nhập từ công việc giữ xe và bán tiệm tạp hóa gần trường học đôi khi không gánh nổi tiền ăn học cho 2 đứa con đang tuổi mới lớn cùng tiền ốm đau của mẹ chồng. Trong cơn bí bách, Ph. xoay xở kiếm thêm thu nhập bằng cách tổ chức chơi hụi tại nhà. Hụi viên là những người dân lao động, buôn bán nhỏ, cũng là hàng xóm, láng giềng với Ph. Thậm chí, cả tổ trưởng tổ dân phố nơi Ph. cư ngụ cũng tham gia dây hụi do Ph. cầm cái. Theo đó, cáo trạng ghi nhận 8 người (có giấy tờ chứng minh) đã góp gần 436 triệu đồng tiền biêu hụi cho Ph.
Mờ mắt trước đồng tiền, Ph. còn vay tiền lãi cao của người này rồi cho người khác vay lại. Từ ngày 10-10-2013 đến ngày 30-10-2013, Ph. nhiều lần vay của chị T.T.K.T (SN 1963) tổng số tiền 430 triệu đồng, không thỏa thuận thời hạn trả nợ. Trong tháng 12-2013 và tháng 1-2014, Ph. mượn thêm 70 triệu đồng, hứa hẹn trả trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, đến hẹn, Ph. chỉ trả 20 triệu đồng. Ngoài chị T., Ph. còn vay của chị N.T.Đ (SN 1979) hai lần với tổng số tiền 30 triệu đồng.
Tại phiên xử, Ph. không ngừng nức nở: “Bị cáo vay của chị T., chị Đ. với lãi suất 4% rồi cho người khác vay lại với lãi suất 5%, kiếm chút tiền lời nuôi con. Bị cáo không ngờ người ta ôm tiền chạy mất, một số hụi viên đã hốt tiền hụi, lại không chịu đóng hụi chết nên bị cáo vỡ nợ, không có tiền trả cho mọi người...”.
Biết chuyện, mọi người đều đồng ý xóa tiền lời cho Ph., phần tiền gốc trả dần mỗi tháng. Nhưng số tiền nợ quá lớn, Ph. âm thầm xóa mọi thông tin liên lạc, đưa con gái út đi trốn. Trước khi bỏ trốn, vợ chồng Ph. đã bán nhà, bán đất nhưng số tiền này được sử dụng để trả khoản nợ của chồng Ph. Hiện nay, Ph. không còn tài sản gì và không có khả năng khắc phục hậu quả.
Bỗng dưng mất khoản tiền mồ hôi nước mắt suốt bao lâu dành dụm, “của đau con xót”, những người bị Ph. chiếm đoạt tiền đồng loạt làm đơn tố cáo.
Tan cửa, nát nhà
Ngoài ra, 8 người khác cũng tố cáo Ph. chiếm đoạt tiền vay và tiền góp biêu với tổng cộng gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc vay mượn và góp biêu giữa những người này với Ph. không có giấy tờ chứng minh, bản thân Ph. không thừa nhận nên cơ quan điều tra không có cơ sở để kết luận.
Hôm tòa xử, họ có mặt từ sớm với hy vọng mong manh Ph. thừa nhận khoản tiền thiếu nợ. Đáng nói, trong số những người tố cáo Ph., có một cụ bà gần 90 tuổi. Đi không vững, lụm cụm đến tòa bằng những bước chân run rẩy, bà N.T.L nói mà như khóc: “Ngày nào nó cũng qua nhà tui, ngon ngọt, dỗ dành. Nó nói, nó coi tui giống như mẹ nó, lẽ nào nó nỡ đi lừa tui. Nó lại nói, hơn 100 triệu đồng lúc ốm đau chẳng lo được gì đâu, đưa cho nó mượn, nó làm lợi giúp tui. Tiền đó là tiền phòng thân lúc tuổi già của tui, để dùng khi bệnh tật, khi nhắm mắt xuôi tay. Giờ nó nói không lấy, tui mong nó nghĩ lại giùm tui. Không có khoản tiền đó, tuổi già của tui phải làm sao?”.
Tòa hỏi: “Sao cho mượn tiền mà không ký giấy tờ gì để bảo đảm”. Tất cả đều trả lời: “Cứ nghĩ là hàng xóm, láng giềng nên tin tưởng...”. Lời đáp nhỏ dần, nhỏ dần rồi vỡ òa trong tiếng tấm tức, nức nở. Không gắng gượng được nữa, cụ bà L. thở dốc, ngất xỉu. Trong khi đó, sau vành móng ngựa, Ph. vẫn giữ thái độ bình thản, một mực không thừa nhận đã vay mượn hay nhận tiền góp biêu của những người này.
Phiên xử sơ thẩm kết thúc với mức án 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được tuyên cho Ph. Nhưng bị hại và những người tố cáo vẫn dùng dằng chưa chịu rời tòa, ngơ ngác hỏi nhau: “Làm sao mới lấy lại được số tiền đã mất?”.
Vụ án này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nhức nhối về bi kịch tín dụng đen...
KHA MIÊN