Người xưa có câu: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vậy mà, đôi khi, xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ, không ít láng giềng đã quên đi nghĩa xóm tình làng để rồi dẫn đến cái kết đau đáu những nỗi niềm...
Minh họa: Hoàng Đặng |
Chuyện nhỏ, hại lớn
N.Đ.P.Q (SN 1979), vợ chồng ông N.V.P (SN 1957) và bà N.T.T ở nhà gần nhau tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Sớm ngày 9-9-2014, bà T. trải bạt để phơi lúa trên đường, cạnh quán bán chim do Q. làm chủ. Cho rằng mình cần có chỗ tắm cho chim, Q. không đồng ý chuyện bà T. phơi lúa.
Lời qua tiếng lại hồi lâu, không ai nhường ai, bà T. nhất quyết đổ lúa ra phơi rồi đi về nhà. Ba tiếng đồng hồ sau, Q. vẫn đổ nước tắm cho chim như mọi ngày và làm ướt lúa của hàng xóm. Lúc này, bà T. sang cày lúa, thấy vậy liền chạy đến giằng co xô nước với Q. Vợ Q. cùng một nhân viên của quán cũng chạy tới giúp Q. xô đẩy, đánh bà T.
Hay tin vợ mình bị đánh, ông P. cầm theo cục đá chạy từ nhà sang ném vào người Q. nhưng không trúng. Tức giận, Q. tiến đến, đấm vào miệng làm ông P. ngã, đầu va đập xuống đường. Chưa dừng lại, Q. tiếp tục dùng chân phải đạp vào đầu người láng giềng.
Hỗn loạn chỉ dừng lại khi Công an xã Hòa Tiến đến giải quyết, đưa vợ chồng ông P. đi cấp cứu. Sau đó, con của vợ chồng ông P. đi làm về, nghe kể lại sự việc, liền sang cãi vã, tát vào mặt vợ Q. Được mọi người can ngăn, sự việc mới kết thúc trong sự tức tối của đôi bên.
Hậu quả, ông P. mang thương tích 43%. Còn Q. bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”. Không đồng ý, ông P. có đơn kháng cáo về phần hình phạt và yêu cầu tăng mức bồi thường lên hơn 47 triệu đồng.
“Bị cáo sai rồi, bị cáo xin lỗi...”
Mới đây, vụ án được TAND thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm. Nắm chặt hai tay, Q. phân trần: “Sớm đó, bị cáo nói với cô T. rằng “Cô cho con tắm chim chút buổi sáng kiếm ít tiền, chiều rồi cô phơi” nhưng cô kiên quyết không chịu…”. Tòa hỏi: “Vậy tại sao bị cáo đánh ông P.?”. “Dạ, lúc đó, chú P. chọi gạch làm một con chim bay mất. Bao nhiêu vốn liếng của vợ chồng bị cáo dồn hết vào kinh doanh chim nên khi chim bay, mất tài sản, bị cáo bức xúc mới đấm chú P. Chú P. chửi bới dữ quá, bị cáo không giữ được bình tĩnh mà đá chú P. tiếp…”, Q. lí nhí. Nghe bị cáo khai, bị hại cứ nhấp nhổm đứng dậy muốn phản bác.
Ngừng cơn xúc động hồi lâu, Q. nghẹn ngào: “Bị cáo bị hở van tim, đã mổ cách đây 10 năm, chuẩn bị phẫu thuật lại nhưng chưa có tiền. Gia đình bị cáo khó khăn, phải chạy vạy khắp nơi, nhà thì đi thuê ở, hai con còn nhỏ dại. Mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho bị cáo…”.
Thở dài, vị chủ tọa nói: “Bị cáo suy nghĩ về việc làm của mình như thế nào? Có vợ chồng người bị hại ở đây, bị cáo muốn nói gì không?”. Q. cúi đầu, run run: “Thưa cô chú, lúc đó con bị mất chim, con bức xúc quá mà hành động dại dột, mong cô chú bỏ qua cho con. Con còn nhỏ, còn nông nổi, dại khờ…”.
Phiên tòa thoáng chốc căng thẳng đến ngột ngạt khi HĐXX mời ông P. lên trình bày. Ông lớn tiếng: “Chỗ đó là đất trống, không dính dáng chi đến hắn hết. Tui cũng không ném trúng lồng chim, không trúng chi hết trơn…”. Rồi, ông một hai khăng khăng là bị cáo dùng gạch đấm vào mặt ông dù “tui không có nhìn thấy, có người nói với tui rứa”.
Trong khi đó, vợ ông nhẹ nhàng: “Tui chỉ cần đền bù đủ số tiền để tui chữa bệnh để có sức nuôi con thôi, không cần xử phạt tù bị cáo đâu…”. Ông P. tiếp lời: “Hồi đó, tui nuôi 4 người trong nhà. Giờ tui không làm ăn gì được nữa, hắn phải đền thêm cho tui chừng nớ tiền…”.
HĐXX khuyên nhủ: “Vợ ông có ý kiến là không xem xét tăng nặng hình phạt cho bị cáo. Dẫu sao cũng là hàng xóm cận kề, tối lửa tắt đèn còn có nhau. Ông cũng nghe bị cáo trình bày về hoàn cảnh của mình rồi đó, bị cáo cũng có lời xin lỗi đến vợ chồng ông. Ông có suy nghĩ lại không hay vẫn giữ nguyên quyết định?”.
Ông P. bực dọc: “Hắn ở trước mặt nhà mà hắn không bao giờ qua lại nhà tui. Tui nằm viện hắn cũng chẳng đến thăm. Mà được án treo thì hắn tổ chức ăn mừng. Phải chi trước đây hắn qua lại thăm hỏi tui thì đâu có chuyện hôm nay, tui sẵn sàng bỏ qua hết”. Người vợ giật giật vạt áo chồng, nài nỉ ông bỏ qua cho người hàng xóm. Ông gạt phắt tay, nổi nóng: “Rứa hôm bữa xử sơ thẩm, anh em hắn chặn đầu tui đòi đánh thì bà tính mần răng?”. Người vợ bất lực, thở dài. Sau vành móng ngựa, gương mặt bị cáo co rúm lại, đôi tay bối rối đan chặt vào nhau.
Án tuyên, ông lục đục kéo vợ ra về, khuôn mặt vẫn hằn nỗi trách móc. Bị cáo thất thểu đi sau. Không ai nói với ai lời nào, chỉ có những cái nhìn dỗi hờn đẩy về phía nhau. Phiên tòa khép lại với bản án đã có hiệu lực nhưng chẳng biết “cuộc chiến” giữa họ liệu đã đến hồi kết!
Nghĩa xóm, tình làng, lẽ nào vỡ nát chỉ vì chuyện cỏn con…
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại về phần dân sự của bản án. Theo đó, tuyên buộc bị cáo bồi thường thêm số tiền gần 8 triệu đồng (trước đó bị cáo đã bồi thường hơn 31 triệu đồng - PV). Về phần hình phạt, tuyên giữ nguyên mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”. |
KHA MIÊN