Người ta thường nói, chữ nghĩa thay đổi được con người. Nhưng nhiều vụ án cho thấy, ma lực của đồng tiền đôi khi biến đổi cả người sành chữ nghĩa, khiến một số cán bộ, công chức không giữ được giá trị của bản thân, vi phạm đạo thanh liêm...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. T.N (SN 1958, ngụ quận Thanh Khê) là cán bộ phụ trách địa chính - xây dựng thuộc UBND phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Theo cáo trạng, trong quá trình công tác, T.N đã lợi dụng chức danh của mình nhiều lần nhận tiền trái pháp luật từ công dân.
Cụ thể, đầu năm 2011, anh N.Đ (SN 1982, ngụ quận Hải Châu) đến gặp ông N.Đ.T (SN 1961), nguyên Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, tại phòng làm việc để hỏi thủ tục xin cấp phép xây dựng của một thửa đất. Ông T. gọi T.N đến phòng làm việc để hỏi rõ nguồn gốc thửa đất trên; đồng thời nhờ T.N hướng dẫn anh Đ. tìm giấy tờ xác định nguồn gốc thửa đất, từ đó mới có cơ sở để UBND phường Xuân Hà xác nhận các thủ tục khác.
Hôm sau, anh Đ. điện thoại hẹn gặp T.N tại quán cà-phê để trao đổi việc tìm giấy tờ xác định nguồn gốc thửa đất. Tại đây, T.N đề nghị “tiền công” 50 triệu đồng. Thỏa thuận hồi lâu, cả hai thống nhất giảm còn 30 triệu đồng. Sau khi tìm được giấy tờ anh Đ. cần, T.N nhận đủ 30 triệu đồng. Nhờ có giấy tờ T.N tìm giúp, anh Đ. mua được thửa đất và tiến hành san lấp, chia lô, bán lại cho anh T.V.V (SN 1974) và các cá nhân khác.
Tháng 3-2015, anh Đ. một lần nữa liên lạc với T.N, đưa hồ sơ kèm 1 triệu đồng nhờ T.N giải quyết xác nhận nguồn gốc, vị trí lô đất cho anh V. xin cấp phép xây dựng nhà ở theo thẩm quyền. Hai tháng sau, chưa thấy động tĩnh gì từ T.N, anh V. gợi ý tiền bồi dưỡng thì T.N yêu cầu đưa thêm 5 triệu đồng. Chờ lâu vẫn không thấy hồ sơ được xác nhận, anh Đ. và anh V. làm đơn tố cáo hành vi trên của T.N.
2. Một vụ án khác, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê phân công thẩm tra viên N.T.T.H (SN 1973, ngụ quận Liên Chiểu) tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án và làm thủ tục ra quyết định thi hành án, chấp hành viên H.T.T.N thụ lý tổ chức thi hành án cho bà N.T.N.D. Trong quá trình tiếp nhận đơn, bà D. đã nhờ H. giúp việc thi hành án diễn ra nhanh và hứa sẽ “bồi dưỡng”. H. khai đã nói với bà N. chuyện được bà D. nhờ.
Chiều 24-2-2014, H. điện thoại bảo bà D. chuẩn bị 30 triệu đồng để mình đưa lại cho bà N. nhằm lo lót việc thi hành án thuận lợi và hẹn gặp ở một quán cà-phê trên đường Thái Thị Bôi. Tại đây, bà D. nói chỉ lo được 29 triệu đồng và H. đồng ý nhận. Khi H. vừa cất tiền vào túi xách thì bị Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao bắt quả tang.
3. Tại các phiên xử, T.N và H. đều viện nhiều lý do để bào chữa cho hành vi phạm tội của mình. “Tôi nghĩ việc đi tìm giấy tờ cho anh Đ. vừa là trách nhiệm, vừa là làm thêm ngoài giờ, giúp đỡ lẫn nhau thôi. Tiền anh Đ. đưa tôi, tôi nghĩ đó là quà cáp, cảm ơn thôi, chớ không phải là tiền nhận hối lộ. Còn phần tiền của anh V. đưa, tôi biết rằng tôi sai nên đã cố gắng khắc phục. Khi anh T. biết việc tôi nhận tiền, anh đã la tôi ngay: “Ông nhận tiền của họ là ông phải mang trả ngay”. Nhưng tôi tìm gặp anh V. nhiều lần vẫn chưa được. Tôi chưa kịp trả thì đã nhận được giấy triệu tập…”, bị cáo T.N khai.
Trong bộ đồ tây chỉn chu, gương mặt T.N càng lúc càng tái xám: “Năm nay, tôi 58 tuổi, 2 năm nữa là về hưu. Trong một lúc bồng bột, tôi đã phạm phải sai lầm đáng tiếc, đánh mất cả quãng thời gian dài phấn đấu, cố gắng…”.
Trong khi đó, sau vành móng ngựa, bị cáo H. ủ dột trình bày: “Nhiều lần chị D. tìm đến bị cáo kể lể tình cảnh khó khăn của mình rồi khóc lóc, năn nỉ đủ kiểu. Bị cáo mềm lòng, cảm thương hoàn cảnh của chị D. nên mới đồng ý giúp chị D. đưa tiền cho chị N…”. Rồi, H. bật khóc nức nở: “Bị cáo biết mình sai rồi. Vì một phút thiếu suy nghĩ mà bị cáo dại dột, hành động sai trái để rồi phải đứng sau vành móng ngựa... Đây là bài học sâu sắc mà cả cuộc đời bị cáo không bao giờ quên được…”.
4. Xử sơ thẩm vụ án T.N, TAND quận Thanh Khê nhận định số tiền 30 triệu đồng T.N nhận của anh Đ. là sự thỏa thuận giữa đôi bên, khi nào bị cáo tìm được tài liệu thì anh Đ. mới đưa tiền. Vì vậy, HĐXX cho rằng Viện KSND truy tố bị cáo T.N nhận hối lộ 36 triệu đồng là chưa xác đáng. Tuy nhiên, số tiền 6 triệu đồng bị cáo nhận của anh V. và anh Đ. đã đủ căn cứ cấu thành tội “Nhận hối lộ”. Vì vậy, TAND quận Thanh Khê tuyên phạt T.N 42 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”.
Còn N.T.T.H bị TAND thành phố Đà Nẵng kết án 3 năm tù về tội “Làm môi giới hối lộ” trong phiên xử sơ thẩm mới đây. Liên quan đến vụ án, theo lời khai của bà D., N. đã đòi và nhận của bà D. hai lần với tổng số tiền 20 triệu đồng. Tuy nhiên, tài liệu điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh, Cơ quan điều tra đã tách hành vi nhận hối lộ của N., tiếp tục điều tra xử lý ở vụ án khác.
Bên cạnh đó, HĐXX còn kiến nghị xử lý về mặt tổ chức, hành chính đối với những sai phạm của N. và T.Q.T (thư ký của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, giúp việc cho chấp hành viên N.). Cụ thể, N. gặp gỡ đương sự ngoài trụ sở, không tham gia đi xác minh nhưng vẫn ghi tên và ký vào biên bản, T. nhận của bà D. hai lần tổng cộng 1,5 triệu đồng tiền chi phí đi xác minh thi hành án. Số tiền này bà D. tự nguyện đưa và T. đã trả lại trong quá trình điều tra nên không xem xét xử lý hình sự đối với T.
Khi tòa tuyên án, gương mặt T.N rịn mồ hôi, cơ thể run lên từng chập, còn gương mặt H. tái mét, cơ thể lảo đảo, cơ hồ như muốn té ngã. Đối diện với bản án nghiêm minh của luật pháp, họ mới hối hận, ăn năn nhưng đã muộn màng…
NAM BÌNH