Những phận đời chênh vênh, bám víu vào rừng để no đói từng ngày. Một hôm, rừng bị thiêu rụi một phần da thịt, người khóc cạn nước mắt vì vướng vòng lao lý, những mái nhà tiêu điều bởi túng quẫn, bao gương mặt trẻ thơ xơ xác nụ cười...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Năm 39 tuổi, chồng qua đời, một mình bà H.T.L tảo tần sớm hôm nuôi 4 con thơ. Gánh nặng kinh tế oằn vai khiến bà dù đã cố gắng trăm bề vẫn không thể lo cho các con đủ đầy. Cái ăn còn hụt trước hụt sau nên cái học của 4 đứa trẻ cũng đành bỏ dở lưng chừng. Thương mẹ, những đứa trẻ vội lo toan kiếm sống.
Nhưng kiếm được việc làm ở xã miền núi Hòa Phú (huyện Hòa Vang) không phải là chuyện dễ dàng. Vậy nên, những đứa trẻ cứ nương bước bà con, chòm xóm mà học làm nông hoặc lên rừng làm thuê. Cả gia đình bà cứ thế cậy nhờ đất đai mà trang trải qua ngày, kể cả khi các con đã thành gia lập thất. Mùa nắng, đàn ông trong nhà lên rừng phát rẫy thuê; phụ nữ trông con, ươm cây keo giống. Còn mùa mưa, ai kêu gì làm nấy.
Hì hụi mưu sinh vậy mà cái nghèo cứ quanh quẩn, bám riết lấy họ. Bà thì nay đau, mai ốm, bệnh tật triền miên. Đứa cháu ngoại của bà lại chẳng may mang di chứng chất độc da cam, chỉ nằm một chỗ, lúc nào cũng phải có người bên cạnh chăm bẵm.
2. Không riêng nhà bà L., nhiều hộ gia đình nơi thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) cũng nhiều đời sống bám vào rừng, buồn vui cùng rừng, trong đó có gia đình Đ.P.D (SN 1976). Một ngày đầu tháng 5-2014, trong quá trình đi bứt mây, D. phát hiện tại khu vực Hố Chùi có mảnh rừng nhiều dây leo chưa có ai khai thác nên nảy sinh ý định phát rừng trồng keo lá tràm.
Nghĩ là làm, D. bắt tay vào chặt phá cây tại khu vực này với diện tích 4.200m2. Sau khi chặt cây, ngày 19-6-2014, D. thuê hai người hàng xóm là N.T.M (SN 1968, con trai thứ hai của bà L.) và H.Đ.T (SN 1965, con rể bà L.) đến khu vực trên để phát dọn, làm ranh.
Đang lúc ngồi không, anh em M. và T. mừng như vớ được vàng khi có người thuê làm với giá một ngày công 170.000 đồng. Trên đường đi, M. cứ mường tượng về số thuốc chữa bệnh cho mẹ, về bữa cơm có thịt cho 3 đứa trẻ. Còn T. cũng khấp khởi niềm vui khi nghĩ về cái đau của đứa con cả mang di chứng chất độc da cam, về cái ăn, cái mặc của 3 đứa con còn lại.
Sau 2 ngày quần quật thu gom, D. gọi M. và T. phụ đốt thực bì trên diện tích đã phát dọn. Ai ngờ, cái nắng tháng 6 hanh khô gặp gió mạnh khiến ngọn lửa bùng cháy dữ dội, lan nhanh sang khu vực khác. Hốt hoảng, cả ba nhanh chóng dập lửa nhưng không thể khống chế ngọn lửa mỗi lúc một lớn.
Lúc này, cả ba điện thoại cầu cứu trưởng thôn, dân làng thôn Hòa Hải và Phòng Cảnh sát PCCC huyện Hòa Vang, Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng. Hàng trăm người chung tay, trắng đêm chiến đấu với giặc lửa mới có thể dập tắt hoàn toàn đám cháy vào rạng sáng ngày 22-6. Khi ấy, 106,03ha rừng (trong đó có 35,68ha rừng đặc dụng, 70,35ha rừng sản xuất) đã bị thiêu rụi. Tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 1,1 tỷ đồng.
Lửa tàn, hai anh em M. và T. dắt díu nhau về Công an xã Hòa Phú nhận tội, còn D. ra đầu thú sau 4 ngày lẩn trốn.
3. Đứng sau vành móng ngựa, cả ba lí nhí biện minh bởi cái nghèo bám riết nên mới nhắm mắt làm liều. Đồng thời, họ khai nhận, không lường trước được việc ngọn lửa sẽ bùng lớn và lan nhanh đến vậy. Nước mắt hối lỗi muộn màng của ba người đàn ông đặc quánh không gian phòng xử trong tiếng thở dài xót xa của những người dự khán.
TAND huyện Hòa Vang xử sơ thẩm nhận định, mặc dù biết việc tự ý phát dọn, chặt cây, đốt rừng là trái pháp luật nhưng các bị cáo vẫn bất chấp, dẫn đến cháy rừng, gây thiệt hại lớn về môi trường và lâm sản nên cần phải nghiêm trị. Tuy nhiên, cũng xem xét các bị cáo có nhân thân tốt, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức còn hạn chế… để giảm nhẹ một phần hình phạt. Từ đó, cấp sơ thẩm tuyên phạt D. 4 năm tù, M. và T. mỗi người 3 năm tù cùng về tội “Hủy hoại rừng”. Đồng thời, mỗi bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 380 triệu đồng.
Sau đó, M. và T. có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm nhẹ mức bồi thường thiệt hại. TAND thành phố Đà Nẵng xử phúc thẩm nhận thấy mức án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội nên không xem xét giảm án. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của hai bị cáo, tuyên buộc D. phải bồi thường ½ tổng số thiệt hại, tương đương hơn 571 triệu đồng, còn M. và T., mỗi người bồi thường số tiền hơn 285 triệu đồng.
4. Đà Nẵng có diện tích rừng khá khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố khác. Vậy mà, “mái nhà xanh” ấy ngày càng trơ trọi sau những lần “bà hỏa” ghé thăm. Một phần da thịt bị tổn thương vì cháy do nắng nóng, rừng đau một. Mất một phần da thịt vì con người đốt thực bì rừng sau khai thác, rừng đau bao nhiêu cho đủ?
Người nương vào rừng mà sống, rừng nương vào người mà vui nên rừng đau thì người khóc. Người khóc thương rừng, lại khóc than phận mình. Ba người đàn ông khóc cảnh lao lý, ba người phụ nữ khóc mái nhà xác xơ, mười hai đứa trẻ khóc váng những niềm chưa thể gọi tên…
Cháy rừng, chưa bao giờ là nỗi đau dễ bù đắp!
KHA MIÊN