Chỉ hơn 10 ngày, lực lượng phòng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng, chống buôn lậu (Bộ Công an) và Hải quan Đà Nẵng phát hiện 3 vụ buôn bán ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê với số lượng hàng tấn qua Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Qua phân tích của cơ quan chức năng, đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn hết sức tinh vi, khiến các phương tiện kỹ thuật khó phát hiện.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tang vật ngà voi, sừng tê giác do Công ty TNHH Vạn An nhập lậu từ châu Phi qua Cảng Tiên Sa. |
Thủ đoạn tinh vi
Những ngày đầu tháng 8, Công ty TNHH Vạn An, địa chỉ tại Lô 2-A10.2 đường 2 tháng 9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu đã nhập một số hàng hóa từ châu Phi về Cảng Tiên Sa. Lô hàng đầu tiên gồm 2 container được chủ lô hàng khai báo hải quan là mặt hàng đá cẩm thạch dạng khối, chỉ cắt cạnh, chưa đánh bóng, trọng lượng 40 tấn, trị giá 20.000 USD, vận chuyển trong 2 container.
Lô hàng được hệ thống điện tử hải quan phân luồng xanh, có báo đã nộp thuế, được phép thông quan. Tuy nhiên, sau đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Hải quan Đà Nẵng dừng thông quan lô hàng vì có những điểm nghi vấn.
Trong ngày 11 và 12-8, Hải quan Đà Nẵng yêu cầu chủ doanh nghiệp đến giải quyết, nhưng chủ doanh nghiệp từ chối hợp tác. Vì vậy chiều 13-8, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Kết quả khám xét đã phát hiện sản phẩm động vật dạng khúc nghi là ngà voi và sản phẩm ở dạng sừng nghi là sừng tê giác, giấu trong 12 khối giả đá được làm rỗng bên trong. Theo đánh giá ban đầu, trọng lượng cả bì khoảng gần 600kg nghi là ngà voi, hơn 140kg nghi là sừng tê giác.
Một số container được Công ty TNHH Vạn An nhập về từ châu Phi trong thời gian này nhưng không thấy doanh nghiệp làm thủ tục để thông quan, không khai báo hải quan. Nghi ngờ, chiều 21-8, lực lượng chức năng quyết định khám xét 3 container và phát hiện trong 1 container có chứa ngà voi với trọng lượng ước tính ban đầu hơn 2,2 tấn.
Cũng trong thời gian này, một lô hàng nhập về từ Malaysia do Công ty TNHH Hùng Huy Bảo (có trụ sở tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đứng tên cũng có những dấu hiệu nghi vấn. Chiều 25-8, lực lượng chức năng quyết định khám xét toàn bộ lô hàng, qua đó phát hiện một lượng lớn ngà voi và vảy tê tê được ngụy trang trong các bao tải dứa…
Theo Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, các lô hàng nói trên được Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát phòng, chống buôn lậu (Bộ Công an) nghi ngờ, theo dõi và lập chuyên án đấu tranh từ trước đó.
Cần kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp
Nói về việc liên tiếp phát hiện buôn lậu ngà voi, sừng tê giác số lượng lớn qua Cảng Tiên Sa, một cán bộ Hải quan Đà Nẵng cho biết, Cảng Đà Nẵng lâu nay chưa xuất hiện tình trạng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác. “Lâu nay tình trạng buôn lậu này xuất hiện chủ yếu ở Hải Phòng. Nhưng thời gian qua, Hải Phòng làm căng nên có khả năng một số đối tượng chuyển về Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây không phải là việc buôn lậu diễn ra liên tục, mà các lô hàng nói trên về cảng chưa khai báo hải quan”, cán bộ này cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố cho biết, lâu nay Hải quan cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng tiến hành kiểm tra hàng hóa một cách bình thường, đúng luật. Khi áp dụng hệ thống thông quan tự động thì kiểm tra cũng làm đúng theo quy trình và chưa phát hiện vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác nào như thời gian vừa qua.
“Doanh nghiệp khi khai báo hải quan, máy phân luồng hàng xanh thì cho thông quan ngay, luồng vàng thì kiểm tra hồ sơ giấy. Còn đối với hàng hóa khai báo luồng đỏ thì phải kiểm tra thực tế”, ông Hương cho biết. Tuy nhiên, theo Hải quan thành phố Đà Nẵng, những lô hàng nhập lậu vừa qua, đối tượng cất giấu hết sức tinh vi, soi chiếu bằng máy khó phát hiện.
Được biết, hiện tại toàn ngành hải quan thực hiện hệ thống thông quan tự động, nên theo ông Nguyễn Hương, việc cập nhật, bổ sung hồ sơ doanh nghiệp, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng.
“Thông tin một doanh nghiệp được cập nhật đầy đủ từ khi họ thành lập đến thời điểm hoạt động hiện tại, các hành vi vi phạm hải quan, thuế, các chế độ khác, kinh doanh, nhập, xuất hàng… từ đó Hải quan có thể nắm được doanh nghiệp đó tốt hay xấu để phân loại quản lý. Chỉ khi đó, việc kiểm soát và chống buôn lậu mới dễ dàng. Còn máy móc cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ cho con người”, ông Hương nói. Được biết, hiện Hải quan Việt Nam đang nỗ lực quản lý doanh nghiệp theo hình thức này.
Ông Hương cũng cho rằng, thời gian qua, những lô hàng về từ châu Phi được Hải quan Việt Nam rất lưu ý. “Những lô hàng này về, dù có luồng xanh cũng phải nghiên cứu, kiểm tra. Bình thường không có khuyến nghị khuyến cáo gì thì thôi, chúng ta vẫn làm máy để tuân thủ”, ông Hương cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ