Chỉ vì một câu hỏi của khách mà chủ quán để bụng tức tối, rủ người nhà đi đánh trả thù. Để rồi, người ngủ yên với đất mẹ, người ra đứng trước vành móng ngựa...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Chuyện bắt đầu và kết thúc chóng vánh đến nỗi những người chứng kiến sự việc đến giờ vẫn chưa thôi ngơ ngác. Nguyên nhân dẫn đến cớ sự tang thương hóa ra xuất phát từ một câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt. Theo cáo trạng, tối 17-8-2014, anh P.T.L (SN 1995, quê tỉnh Quảng Nam) cùng nhóm bạn đến uống nước mía trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành do N.T.Tr (SN 1983) làm chủ. Khi tính tiền, nhóm anh L. thắc mắc giá nước mía 8.000 đồng/ly thì mắc hơn những quán gần đó.
Từ đây, đôi bên nảy sinh mâu thuẫn nhưng nhóm anh L. vẫn thanh toán đủ tiền nước mía rồi ra về. Bực tức, Tr. lấy xe máy đuổi theo, đồng thời gọi điện rủ em vợ là P.M.T (SN 1990) cùng đi đánh dằn mặt nhóm anh L.
T. đồng ý, rủ thêm anh vợ tương lai là N.H.C.Lý (SN 1993, cùng ngụ quận Thanh Khê). Đuổi theo đến cầu mới (chưa có tên) trên sông Phú Lộc, Lý và T. đã đánh, đạp anh L. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Hôm TAND quận Thanh Khê đưa vụ án ra xét xử lưu động, ngồi lọt thỏm giữa hàng trăm người dự khán, không áo tang, chẳng khăn tang nhưng gương mặt cha mẹ L. ảm đạm hình hài tang tóc. Hai người già, gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt, líu ríu tựa vào nhau như sợ sẽ ngã gục tại phiên xử. Họ không đủ sức để trả lời hội đồng xét xử nên phải cậy nhờ người con trai thứ hai.
Vậy mà, giờ nghị án, một người nhà của bị cáo vẫn đi đến chỗ gia đình bị hại lớn tiếng quát tháo. Cơn hậm hực kéo dài đến tận khi tòa tuyên án. Trưa đứng nắng, gia đình bị hại sợ hãi chẳng dám ra về...
2. Nhìn vợ ôm cột tường đứng thất thần, cha L. thở dài thườn thượt: “Từ ngày thằng nhỏ mất đến giờ, bả cứ mơ mơ hồ hồ như rứa. Suốt ngày, bả không khóc thì ngồi ru rú trong phòng ngắm ảnh con. Hôm nào gắng gượng được thì ra chợ nhưng trả tiền mua đồ xong lại lửng lửng người không đi về, người ta thương tình mang đến nhà cho. Bả bỏ công việc buôn bán, tui cũng bỏ công việc phụ thợ hồ về coi sóc bả và cơm nước trong nhà...”.
Gia đình L. thuộc diện khó khăn tại huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Mẹ L. rưng rức: “Trong ba anh chị em, L. là đứa học được nhất. Nhưng con thương cha mẹ nay đau mai ốm nên lưng chừng việc học, làm đủ thứ việc từ mót củi, chăn trâu, gặt lúa thuê đến phụ hồ để chăm lo cho cha, cho mẹ. Thấy quanh quẩn ở quê mãi không đủ tiền thuốc men cho chúng tôi, con mới ra Đà Nẵng kiếm việc. Lương chẳng biết bao nhiêu mà con cứ gửi tiền về mãi, bảo để cha mẹ bồi bổ. Cực nhọc mấy con cũng cười, nói con sống khỏe. Mới bữa rồi, con còn khoe với chúng tôi là con đi học lại, vừa mới thi cái gì đó, làm bài được lắm. Mà đâu có ngờ, bữa trước bữa sau, chúng tôi đã phải làm kẻ bạc đầu tiễn con còn xanh tóc...”.
Trong cơn xúc động, người mẹ cứ tỉ tê mãi với kỷ niệm: “L. là con út, gần gũi với cha mẹ nhiều hơn nên sống tình cảm lắm. Đi làm xa thì thôi, về đến nhà là lại tíu tít trò chuyện với mẹ. Rồi thấy móng tay, móng chân của mẹ dài tí xíu là bảo để con cắt cho. Mẹ đau mệt một chút là hốt hoảng hỏi han, chăm sóc. Rứa mà vì răng con đi đột ngột rứa? Vì răng lại như rứa...”.
Trưa ngày càng đứng bóng, sân trường chỉ còn lại người viết với gia đình bị hại. Lúc này, họ mới lục đục kéo nhau về. Trong vòng tay dìu của người thân, người mẹ cứ lắp bắp mãi câu hỏi trên đến tái tê. Câu hỏi ám ảnh người mẹ mất con, ám ảnh cả người viết. Nắng hắt bóng những phận người liêu xiêu...
TAND quận Thanh Khê đã xử sơ thẩm tuyên phạt N.T.Tr và N.H.C.Lý mỗi người 11 năm tù, P.M.T 10 năm tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. |
KHA MIÊN