Ở độ tuổi 17, trong khi nhiều đứa trẻ được cha mẹ yêu thương đủ đầy thì bị cáo sống với nỗi cô đơn, lấy đất trời làm nhà, rày đây mai đó. Ở độ tuổi 17, khi nhiều thanh niên cắp sách đến trường, nuôi dưỡng ước mơ thì bị cáo hai lần ra đứng trước vành móng ngựa chỉ trong vòng 10 ngày...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Lý lịch của N.T.M (SN 1998) để trống tên cha. Hôm TAND thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử bị cáo về tội “ Cướp giật tài sản”, mẹ bị cáo vắng mặt, ông ngoại lụm cụm đến dự với danh nghĩa người giám hộ. Đồng phạm của M. trong vụ án này là L.Đ.M.N, cũng 17 tuổi, là học sinh lớp 11, cùng ở phường Điện Nam Trung (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Người giám hộ của N. là người mẹ đơn thân, một mình nuôi con khôn lớn.
Ông ngoại M. và mẹ N. đều đến tòa với chiếc áo sờn rách cùng đôi dép lê còn lấm lem bùn đất. Lần đầu bước chân vào chốn công đường trang nghiêm, cả hai luống cuống, bối rối, thập thò như người có lỗi. Trong suốt phiên xử, họ cứ nhìn trân trân xuống chiếc bàn gỗ, nơi có hai đôi bàn tay mải miết đan chặt, vặn vẹo không ngừng.
Khi được hội đồng xét xử (HĐXX) mời lên xét hỏi, ông ngoại M. run run: “Mẹ nó để nó cho tui nuôi từ lúc nó còn nhỏ xíu. Tui cố gắng nuôi nấng, chăm lo cho nó ăn học đến năm lớp 5 thì nó nghỉ ngang. Tui già rồi, không còn sức để quản nó tốt...”. Trong khi đó, mẹ N. tấm tức: “Một mình tui làm lụng vất vả, nuôi cho hắn ăn học. Cực nhọc mấy tui cũng chịu, chỉ mong hắn nên người. Có ai ngờ hắn nghe lời dụ dỗ của bạn bè, sa chân vào con đường tội lỗi như rứa. Bây chừ tui phải mần răng với hắn đây...”. Nghe những lời này, M. cúi đầu thật sâu, còn N. rơm rớm nước mắt.
2. Mười ngày sau, tôi tình cờ gặp lại M., vẫn đứng trước vành móng ngựa. Lần này, M. ra tòa về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do TAND quận Thanh Khê xét xử. Ngồi ở vị trí người giám hộ cho M. trong phiên xử hôm ấy không phải ông ngoại mà là mẹ ruột của M. Không còn vẻ dửng dưng như ở phiên tòa trước, tôi có cảm giác gương mặt M. bừng sáng hẳn khi liên tục ngoái đầu về phía sau nhìn mẹ.
Vị hội thẩm nhân dân hỏi: “Chỉ trong thời gian ngắn, bị cáo liên tục vi phạm pháp luật. Trong vụ án này, khi phạm tội, bị cáo mới 16 tuổi 2 tháng 2 ngày. Tuổi đời còn rất trẻ, có lần nào bị cáo suy nghĩ về tương lai của mình không?”. M. vân vê vạt áo, im lặng hồi lâu rồi lí nhí: “Bị cáo chưa nghĩ tới”. Rồi M. nhỏ nhẹ biện minh: “Bị cáo học nghề cắt tóc ở quận Sơn Trà. Đang học nửa chừng thì người dạy đóng cửa, bị cáo không có nơi nào để đi, không xin được việc làm nên mới...”.
Vừa được HĐXX mời lên, mẹ M. khóc sướt mướt: “Tôi với ba ruột của M. cưới hỏi lúc chưa đủ tuổi nên không làm giấy đăng ký kết hôn. Lúc tôi mang thai M. thì ổng có vợ khác, tôi bực tức nên làm giấy khai sinh cho M. để trống tên cha, cho M. theo họ tôi. Sống chán chường quá, tôi bỏ đi, để M. sống với ông bà ngoại...”.
Khi tòa hỏi về trách nhiệm bồi thường cho bị hại vì bị cáo gây án khi còn ở tuổi vị thành niên, không có tài sản riêng, mẹ M. ấp úng: “Tôi có gia đình riêng nên không biết lấy tiền đâu để bồi thường. Nó ở ngoài đường chơi bời, tôi cũng không biết...”.
Tòa trách cứ: “Cha mẹ sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Chứ cứ bỏ mặc chúng lớn lên như cây cỏ, trách nào chúng không hư hỏng, phạm pháp. Bà không nhận thấy trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ trong vụ án này sao?”. Lúc này, mẹ M. mới xin tòa cho thư thả thời gian để xoay sở.
Tòa tuyên án, mẹ M. líu ríu lại gần chỗ con. Tranh thủ thời gian ngắn ngủi khi M. di chuyển từ phòng xử án lên xe về lại trại giam, hai mẹ con tất tả người trước người sau với theo những câu trò chuyện, thăm hỏi. Pháp đình vốn được mặc định là chốn chia ly, nay trở thành nơi sum họp…
Vết xe đổ Năm 2012, M. từng bị UBND quận Thanh Khê ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng với thời hạn 2 năm. Rời môi trường này, M. không tu chí, làm lại cuộc đời mà liên tục sa ngã, phạm tội. Trưa 25-10-2014, khi ngồi uống cà-phê cùng H.T.B (bạn của M.), M. hỏi mượn mô-tô hiệu Exciter của bạn để về quê và hẹn sẽ trả xe trước 17 giờ cùng ngày. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, trên đường từ Quảng Nam về Đà Nẵng, M. nảy sinh ý định chiếm đoạt xe nên tắt điện thoại liên lạc, đưa xe máy của B. đi cùng theo xe khách vào thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, M. liên lạc với 2 người bạn quen qua mạng facebook, được 2 người này đón về nhà trọ tại tỉnh Long An. Ở một tuần, M. không xin được việc làm, tiêu hết tiền nên bán xe của B. Có được 4,5 triệu đồng, M. đón xe về lại Đà Nẵng, mua một chiếc xe khác. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận Thanh Khê xác định giá trị chiếc xe của bị hại là 35,5 triệu đồng. Không lâu sau đó, từ ngày 21-2-2015 đến 3-3-2015, M. rủ và chở N. từ Quảng Nam ra Đà Nẵng thực hiện 4 vụ cướp giật tài sản, trong số 4 bị hại có 2 du khách người nước ngoài. Số tài sản cả hai chiếm đoạt có tổng trị giá gần 57 triệu đồng. Tổng hợp hình phạt của cả hai vụ án, M. phải chấp hành mức án 4 năm 3 tháng tù giam. |
KHA MIÊN