.
Ký sự Pháp đình

Một vụ án, nhiều bài học

.

Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của một người trẻ, bao nỗi đau đọng lại chất chồng. Phía sau nỗi tang thương đó là nhiều bài học về văn hóa giao thông lẫn tình người ấm áp...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Văn hóa giao thông

A.F.C (SN 1976, quốc tịch Anh, giáo viên của một trung tâm Anh ngữ tại Đà Nẵng), một trong hai bị cáo của vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, trong suốt phiên xử không ngừng quay về phía gia đình bị hại, rơm rớm nước mắt, chắp tay và cúi đầu xin lỗi.

Ăn năn, hối tiếc nhưng C. liên tục biện minh, chỉ với một lý do: “Tôi hiểu luật pháp Việt Nam không cho phép người đi xe máy chạy ở làn đường dành cho ô-tô. Tôi thừa nhận tôi đi sai làn đường, nhưng vì tôi thấy làn đường dành cho xe máy đông quá, xe nào cũng chạy nhanh nên tôi rất sợ...”. Gương mặt in hằn vẻ hoảng hốt, bị cáo người nước ngoài lặp đi lặp lại từ “sợ” khi mô tả bức tranh giao thông ở Việt Nam.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 20 giờ ngày 14-9-2014, P.V.N (SN 1996) chở bạn là L.V.D (SN 1996) chạy trên đường Điện Biên Phủ. Cùng lúc, C. đang lưu thông trên đoạn đường này nhưng chạy vào làn đường dành cho ô-tô trong tình trạng đã uống rượu bia (nồng độ cồn trong khí thở là 1,55mg/lít - PV). Khi N. chuyển hướng quay đầu xe, C. không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, xử lý kém nên đã tông vào bên trái phía sau xe do N. điều khiển làm cả hai xe cùng ngã xuống đường. Hậu quả, D. bị chấn thương sọ não, được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong.

Nhiều vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử gần đây. Đáng chú ý, hầu hết lỗi của các bị cáo là không có giấy phép lái xe, C. và N. cũng không ngoại lệ. Thời điểm xảy ra tai nạn, N. chưa đủ 18 tuổi nhưng vẫn dễ dàng sắm một chiếc xe máy để đi làm từ số tiền tích cóp và vay mượn...

Tình người ấm áp

Tâm sự với chúng tôi lúc tòa nghị án, ánh mắt cha của D. khắc khoải: “Tui có 4 người con, D. là cháu thứ ba, sống tình cảm và biết nghĩ cho người khác lắm. Thương cha mẹ vất vả, buổi sáng nó đi học, buổi chiều đi chăn bò. Hè đến, nó tranh thủ vào thành phố Hồ Chí Minh phụ anh trai làm nghề sắt, kiếm tiền trang trải học phí...”.

Nước mắt ông cứ lăn dài: “Khi vụ án xảy ra, nó mới ra Đà Nẵng được 3 ngày. Vừa có kết quả thi đại học không đậu, nó xin học nghề cơ khí cùng chỗ với bị cáo N., là bạn bè, cũng là người cùng thôn Văn Ly, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nó nói với tui là con vừa học nghề, vừa ôn thi lại. Rứa mà nó bỏ tui đi rồi...”.

Thế nhưng, người cha ấy vẫn đầy bao dung tại phiên xử: “Con tôi mất cũng mất rồi, tôi mong tòa đừng xử tù hai bị cáo. Tuổi đời bị cáo N. quá nhỏ, còn cả tương lai phía trước. Bị cáo C. cũng vậy...”. Rồi ông đau đáu: “Gia đình tôi khó khăn, làm đám cho con phải vay mượn khắp nơi nên tôi yêu cầu được bồi thường 70 triệu đồng tiền ma chay và tiền tổn thất tinh thần. Nhưng gia đình bị cáo N. cũng khó khăn quá. Mấy hôm trước, mẹ của N. đến nhà tôi gửi mấy triệu đồng nhưng tôi từ chối. Tôi nhận số tiền ấy thì cuộc sống gia đình bên đó sẽ càng lao đao...”.

Hiếm có phiên tòa nào mà tình người lại ấm áp như phiên tòa hôm ấy. Tình người bàng bạc trong sự lo lắng của phía bị hại dành cho phía bị cáo. Tình người đong đầy trong sự sẻ chia của cha bị cáo C., người đàn ông chống cự với tuổi tác và bệnh tật, vượt quãng đường xa đến Việt Nam thăm hỏi gia đình nạn nhân. Ngay khi vụ án xảy ra, ông đã lập tức thay con trai bồi thường cho gia đình bị hại hơn 50 triệu đồng.

Lẽ ra, trong vụ án này, mức bồi thường chia đều cho cả hai bị cáo. Nhưng cha bị cáo C. bày tỏ: “Tôi xin lỗi phía gia đình bị hại vì những lỗi lầm mà con trai tôi đã gây nên. Tôi biết chúng tôi có bồi thường bao nhiêu cũng không thể bù đắp được nỗi mất mát lớn lao mà người thân của D. phải gánh chịu. Tôi vô cùng cảm ơn sự độ lượng của cha nạn nhân. Tôi mong quý tòa cho tôi được bồi thường 20 triệu đồng còn lại thay cho bị cáo N. Tôi cảm nhận được sự khó khăn của gia đình N., chị gái N. lại đang mang thai. Tôi không muốn gia đình N. đối mặt với những khủng hoảng phía trước...”.

Trước tấm lòng của ông, mẹ của N. trào nước mắt, nghẹn lời cảm ơn, còn cha của D. cũng buông được nỗi lo lắng trĩu nặng. Phút chốc, nỗi đau bỗng trôi dạt về phía nào đó, chỉ còn tình yêu thương lắng lại trong mỗi tấm lòng...

TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm đã tuyên phạt tiền 50 triệu đồng đối với C., 10 triệu đồng đối với N. về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.