.
Ký sự Pháp đình

Tan cửa, nát nhà

.

Muốn hưởng thụ vật chất nhưng không muốn lao động, bị cáo đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh ly tán, tan cửa, nát nhà…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở hàng ghế đầu trong phòng xử án của TAND thành phố Đà Nẵng, các bị hại ngồi bất động, gương mặt thất thần. Trước vành móng ngựa, bị cáo V.T.H.T (SN 1972, quê Nam Định, ngụ quận Sơn Trà) bình thản, rành rọt: “Tôi mong mọi người hiểu cho tôi, tôi trốn truy nã trong tình trạng cực khổ trăm bề, phải làm osin, mỗi tháng được 3 triệu đồng...”.

Vết xe đổ

Năm 2002, T. từng bị TAND quận Sơn Trà kết án tù treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trở thành người tay trắng, không nhà, không cửa, không nghề nghiệp ổn định, T. cùng chồng thuê nhà ở kiệt đường Trưng Nữ Vương sinh sống. Vậy nhưng, T. chẳng những không lấy đó làm bài học mà tiếp tục đi vào vết xe đổ.

Tại nơi ở mới, T. tạo mối quan hệ thân tình với một số người rồi đưa ra thông tin có mẹ chồng làm ở Công ty xổ số Đà Nẵng đang nhường một suất làm ăn. T. tỉ tê, rủ những người này góp vốn mở đại lý sổ xố kiến thiết. Đồng thời, để “dụ dỗ” các bị hại, T. đưa ra mức lãi suất cao, lên đến 20%/tháng.

Tin lời, 4 bị hại đã đưa cho T. tổng cộng 1,59 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, T. sử dụng mua đất, làm nhà ở tại khu dân cư Bình An (quận Hải Châu) và tiêu xài cá nhân. Sau khi bị khởi tố, T. cùng chồng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên cho người khác rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Năm 2015, T. sa lưới pháp luật sau 9 năm lẩn trốn truy nã.

Trong vụ án này, còn có bà N.T.H (SN 1951) và L.T.P.T (SN 1971) tố cáo T. chiếm đoạt 300 triệu đồng nhưng hiện nay cả hai đã thay đổi chỗ ở, cơ quan điều tra sẽ điều tra, xử lý sau. Bên cạnh đó, chị N.T.T.V (SN 1977) tố cáo T. chiếm đoạt 90 triệu đồng nhưng sau đó đã rút đơn.

Những phận đời chông chênh

Đứng trước vành móng ngựa, T. biện minh: “Do hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi mới nảy sinh ý định lừa đảo. Nếu không gian dối, tôi làm sao có thể mượn tiền. Tôi mong các bị hại hiểu cho tôi…”. Các bị hại buông tiếng thở dài, ngơ ngác nhìn nhau rồi tự hỏi: “Thông cảm cho T. rồi ai thông cảm cho chúng tôi?”.

Chủ tọa nghiêm khắc: “Có biết bao nhiêu người sức khỏe yếu hơn bị cáo, khó khăn hơn bị cáo vẫn bươn chải đi làm, kiếm từng đồng từ mồ hôi, công sức của mình. Bị cáo đi làm thuê với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng, cũng hiểu đồng tiền làm ra bằng lao động không dễ dàng gì. Vậy mà bị cáo nỡ lòng nào lừa dối, chiếm đoạt tiền của các bị hại, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, lao đao”. T. cúi mặt, thinh lặng.

Được mời lên, anh N.A.K (SN 1963) rưng rưng: “Tin lời T., vợ chồng tui vay mượn khắp nơi 910 triệu đồng để góp vốn đầu tư làm ăn. Ai ngờ, tiền mất, tật mang. Số tiền nợ lớn như vậy, vợ chồng tui chống chọi qua 10 năm cũng mệt mỏi, dần dần rạn nứt tình cảm. Cuối cùng, chúng tôi đi đến quyết định ly dị, gia đình tan nát, con cái mỗi đứa một nơi, đau làm sao kể hết. Bị cáo nói bị cáo khó khăn, cuộc sống của chúng tôi cũng đâu hơn gì bị cáo, thậm chí bây giờ còn bi đát hơn...”.

Không gian phòng xử càng ngột ngạt hơn khi một bị hại khác tâm sự: “T. không nói tiền lời lãi gì cả mà là năn nỉ vợ chồng tôi hùn tiền vốn mở đại lý sổ xố kiến thiết. Chúng tôi cũng muốn kiếm thêm chút tiền để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học nên đồng ý. T. thúc giục quá nên vợ chồng tôi phải cầm nhà rồi giao cho T. 260 triệu đồng.

Tin tưởng tôi, anh rể của tôi là L.T.L (SN 1956, ngụ tỉnh Quảng Nam) cũng rút hết tiền dành dụm cả đời, đưa cho T. 80 triệu đồng. Rồi T. đi mất hút, gia đình tôi từ chỗ có nhà thành tứ cố vô thân. Từ đó, chồng tôi uất ức, đổ bệnh nặng rồi qua đời. Tôi mất nhà, mất chồng. Con cái cũng vì thế mà dở dang, vất vả...”, chị N.T.L (SN 1964) nức nở.

Nghe lời bộc bạch của các bị hại, nhiều người dự khán không nén được tiếng thở dài xót xa, thương cảm. Riêng T. vẫn nguyên thái độ dửng dưng như ban đầu.

Án tuyên, T. phải trả giá cho lỗi lầm của mình bằng bản án pháp luật nghiêm minh nhưng các bị hại chẳng biết khi nào mới nhận lại được tiền của mình. Hơn thế, chẳng điều gì có thể trả lại cuộc sống bình yên như trước đây cho những phận đời chênh vênh vì niềm tin mù quáng...

14 năm 6 tháng tù

TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt T. 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cũng tội danh này, năm 2002, T. bị TAND quận Sơn Trà kết án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng. Đang trong thời gian thử thách, T. tiếp tục thực hiện phạm tội nên hình phạt treo của bản án trước chuyển thành hình phạt tù, tổng hợp cùng mức án của bản án sau. Như vậy, tổng hợp hình phạt T. phải chấp hành là 14 năm 6 tháng tù giam. Đồng thời, Hội đồng xét xử tuyên buộc T. phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.