Vụ "đại án" có liên quan việc nhận khoản tiền lót tay từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) của 6 quan chức ngành Đường sắt Việt Nam.
Dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội liên tục chậm tiến độ |
Theo dự kiến trong 2 ngày 26 và 27-10 tới đây, vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến 6 cựu quan chức ngành Đường sắt sẽ được đưa ra xét xử.
Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và thống nhất đưa ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2014, Bộ Công an nhận được thông tin từ năm 2008 đến 2012, Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi khoảng 100 triệu yên Nhật cho quan chức ngành Đường sắt một số nước, trong đó có Việt Nam, để được tham gia thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản.
Riêng tại Việt Nam, nguồn tin cho biết JTC đã chi cho một số người hàng chục tỉ đồng để thực hiện gói thầu tư vấn kỹ thuật dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã vào cuộc điều tra làm rõ.
Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng vụ án, truy tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Các bị can gồm: Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU; Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc RPMU; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU; Phạm Quang Duy, nguyên Phó giám đốc RPMU và Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng dự án 3 - RPMU cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, tháng 10-2008, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án Tuyến số 01 cho RPMU.
Đến ngày 5-1-2009, RPMU quyết định thành lập tổ dự án Tuyến 1, gồm 21 thành viên trong đó có Phạm Hải Bằng làm Chủ nhiệm dự án.
Ngày 9-9-2009, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện là ông Bằng, đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án Tuyến số 1 với JTC và một số công ty khác.
Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, bị can Phạm Hải Bằng (lúc đó là Chủ nhiệm dự án) đã nêu một số khó khăn của RPMU về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC và phía JTC đồng ý hỗ trợ kinh phí. Sau khi có thoả thuận nêu trên, bị can Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện.
Từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỉ đồng cho Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy. Khoản tiền tiếp nhận từ JTC là rất lớn song không được theo dõi, ghi nhận trên hệ thống sổ sách, chứng từ nào của RPMU hay của tổ thực hiện dự án. Toàn bộ số tiền này, các bị can đã sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát… trong đó bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng.
Theo Báo Thanh tra