.

Truy tố tài xế xe khách tông chết 7 người

.

Ngày 13-10, ông Ngô Thọ Nam, Viện trưởng Viện KSND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) xác nhận, đơn vị đã chuyển toàn bộ cáo trạng đến TAND huyện Hòa Vang để truy tố Lê Nhật Phương (SN 1972, quê Quảng Trị), tài xế lái xe khách đã tông vào ô-tô con làm 7 người chết, về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, quy định tại khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hòa Vang, trưa 29-4, tài xế Phương điều khiển xe khách BKS 74B-002.37 lưu thông theo hướng Bắc-Nam. Khi tới ngã tư giao nhau với tuyến đường tránh Nam Hải Vân (đoạn giao cắt với tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ, đường Hoàng Văn Thái nối dài), có biển báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên, có đèn tín hiệu nhấp nháy, nhưng không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép, dẫn tới tông ngang vào ô-tô con BKS 43A-123.15 và đẩy chiếc xe này đi hơn 100m mới dừng lại.

Vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người trên ô-tô con tử vong gồm: anh Nguyễn Chí Hoàng Anh (28 tuổi); cháu Nguyễn Chí Hoàng Nguyên (1 tuổi, con trai Hoàng Anh); Nguyễn Thị Hương Mai (24 tuổi, vợ anh Hoàng Anh); bà Nguyễn Thị Bảy (50 tuổi, mẹ ruột anh Hoàng Anh); ông Nguyễn Văn Bình (60 tuổi, bố vợ anh Hoàng Anh); bà Phạm Thị Bích Huế (54 tuổi, mẹ vợ anh Hoàng Anh) và chị Nguyễn Thị Hương Trang (20 tuổi).

Theo đó, tài xế xe khách đã vi phạm khoản 1, Điều 12 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là vi phạm khoản 1, Điều 5 Thông tư số 13 ngày 17-7-2009 của Bộ Giao thông vận tải về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới.

Đối với tuyến đường Hoàng Văn Thái, Bà Nà - Suối Mơ và nút giao thông ngã tư nơi xảy ra vụ tai nạn, tại thời điểm xảy ra tai nạn vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hòa Vang, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành cho thông xe thực tế trên tuyến đường này vào ngày 25-4. Hơn nữa, đây là tình huống giao thông thực tế, các cơ quan hữu quan đã thực hiện các giải pháp an toàn: đặt biển cảnh báo nguy hiểm; tín hiệu đèn để cảnh báo cho người tham gia giao thông. Vì vậy, việc Phương không chấp hành biển báo, tín hiệu đèn thì trách nhiệm thuộc về bị can nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Theo ông Ngô Thọ Nam, Viện Kiểm sát cũng cơ bản thống nhất với cơ quan Cảnh sát điều tra về việc truy tố Phương về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, quy định tại khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự. Còn việc xem xét các trách nhiệm, các kiến nghị liên quan, ông Nam cho biết, vấn đề này sẽ được đưa ra trong quá trình xét xử tại tòa án.

YÊN GIANG

;
.
.
.
.
.