.
Xét xử "đại án" ngành đường sắt:

Đề nghị cán bộ đường sắt nhận hối lộ từ 6 -13 năm tù

.

Chiều 26-10, phiên tòa xét xử các cán bộ thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 11 tỉ ngoài hợp đồng từ nhà thầu Nhật Bản tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư. Đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Các bị cáo trước tòa (ảnh chụp màn hình)
Các bị cáo trước tòa (ảnh chụp màn hình)

Theo đó, bị cáo Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN) từ 11- 13 năm tù, truy thu sung công quỹ số tiền bị cáo nhận từ JTC là 4, 8 tỷ đồng. Trừ đi số tiền gia đình bị cáo đã khắc phục cho cơ quan điều tra, bị cáo phải nộp thêm 3,6 tỷ đồng.

Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 10-12 năm tù, buộc bị cáo Thái nộp lại 3,4 tỷ đồng đã nhận từ JTC.

Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN) từ 7-9 năm tù, buộc nộp lại 30 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 7-9 năm tù, truy thu 50 triệu đồng mà bị cáo thu lợi bất chính.

Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) từ 8-10 năm tù, buộc bị cáo nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính là 2,3 tỷ đồng.

Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) từ 6-8 năm tù, nạp lại 100 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

Ngoài ra, VKS đề nghị kê biên tài sản đối với Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để đảm bảo thi hành án.

Lời khai từ Nhật Bản "tố" quan chức đường sắt Việt Nam "kể khổ"

Trước đó, sáng 26-10, phiên tòa xét xử 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bắt đầu diễn ra. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Hình sự. 8 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc BQL các dự án đường sắt (RPMU) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU), Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, nguyên Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU).

Trong phiên xử sáng 26-10, HĐXX tập trung xét hỏi 6 bị cáo để làm rõ nội dung cáo trạng. Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc RPMU, người bị xác định là chủ mưu, trả lời thẩm vấn đầu tiên. Khai nhận trước tòa, bị cáo Bằng cho rằng, tuyến đường sắt đô thị dài 28km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi có tổng giá trị hợp đồng tuyến 01 khoảng 320 tỷ đồng nhưng đã phải sinh, điều chỉnh giá trị lên thêm gần 8%, tương đương hơn 84 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời thẩm vấn của HĐXX.
Bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời thẩm vấn của HĐXX.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về khoản tiền nhà thầu Nhật Bản JTC chuyển cho RPMU, bị cáo Bằng khai, do Nhà nước có quy định về hạn chế kinh phí, phía JTC lại đề nghị chi tiền để tổ chức lễ ký hợp đồng cho phù hợp với quy mô dự án, nên RPMU đã nhận tiền chứ không chủ động đề nghị JTC chi tiền.

“Xoáy” sâu về vấn đề này, chủ toạ phiên tòa tiếp tục chất vấn về việc bị cáo Bằng có phải là người trình bày khó khăn để nhận tiền từ JTC như cáo trạng truy tố không. Lúc này, Phạm Hải Bằng một mực phủ nhận từng “kể khổ” với nhà thầu Nhật Bản để được nhận tiền hỗ trợ.

Đáp lại lời khai của bị cáo Bằng, chủ tọa công bố lời khai của một thành viên nhà thầu Nhật Bản theo điều tra của nước bạn: “Ông Bằng đã yêu cầu Liên danh JKT ký hợp đồng với nhà thầu phụ, Bằng sẽ là người trung gian. Bằng nhận tiền dưới danh nghĩa là tiền giới thiệu nhà thầu phụ cho tôi. Tôi cho rằng nếu không đưa tiền thì khó có thể tham gia đàm phán với RPMU hoặc sẽ bị kéo dài. Như vậy chẳng “béo bụng” cho ông Bằng hay sao. Cho dù chi hối lộ cho ông Bằng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho JTC.”

Tiếp đó, chủ tọa công bố tài liệu điều tra khẳng định Phạm Hải Bằng là người trực tiếp nhận tiền. Tổng số tiền RPMU nhận là khoảng 11 tỷ đồng, trong đó Bằng nhận và chi tiêu gần 5 tỷ đồng. Số tiền này, theo lời khai của Bằng, “đây là khoản lẽ ra JTC phải chi nhưng Ban quản lý đã chi hộ cho họ”. Mỗi lần chi tiêu, Bằng chỉ đạo nhân viên lập bảng Excel trên máy tính, sau mỗi lần báo cáo lại xóa đi.

Khai nhận trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Nam Thái cho rằng mình không trực tiếp nhận tiền từ JTC mà chỉ một lần nhận gián tiếp từ bị cáo Bằng. Số tiền nhận được, Ban quản lý chi tiêu cho các cuộc hội họp.

Bị cáo Phạm Quang Duy thì khai đã nhận tiền 3 lần, tổng số khoảng 2,2 tỷ đồng, chi cho hoạt động của dự án như hội họp, thưởng tết, tham quan, nghỉ mát, công đoàn, thanh niên… Trong đó, một lần bị cáo là người đại diện cho Ban quản lý nhận 3 triệu Yên rồi đi đổi ra 600 triệu tiền đồng, phục vụ các công việc của dự án như in giấy mời, mua quà tặng… Những việc làm của mình, bị cáo Duy cho rằng chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Bị HĐXX xét hỏi, bị cáo Trần Văn Lục khai, số tiền mà nhà thầu Nhật Bản chuyển cho RPMU là tiền nhà thầu chi trả tiền chi phí thuê hội trường, chi phí tổ chức hội thảo... và cho rằng, dự án nào cũng có khoản chi phí hội họp, hội thảo để tiến hành hợp đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Quốc Đông cho rằng mình không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Những lần nhận tiền vào dịp tết, bị cáo Đông khai mình chỉ nghĩ đó là do thân quen nên biếu quà nhau.

Theo Dân trí/Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.