.
Ký sự Pháp đình

Rạn vỡ tình thâm

Họ từng sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau nhưng tình thâm bỗng dưng nhạt nhòa, nguội lạnh, đắng ngắt chỉ vì lợi ích, tiền tài...

Hôm ấy, TAND thành phố Đà Nẵng xét xử một vụ tranh chấp tài sản chung. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện có quan hệ tình thân, là cô cháu ruột.  

1. Trước khi phiên xử bắt đầu, trên băng ghế đầu tiên, hai người cháu ngồi đăm chiêu, tư lự, buồn rười rượi. Nơi dãy ghế khác, người cô quẳng ánh nhìn hằn học về phía các cháu, lớn tiếng trách móc. Khi được tòa mời lên, người cô vội vàng nhích xa hai cháu một quãng. Khoảng cách ngắn mà tưởng chừng như miên man bởi vết nứt vụn vỡ của tình máu mủ...

Không gian phòng xử phút chốc đặc quánh, ngột ngạt bởi lời trình bày nghẹn ngào của người cháu, Đ.N.T.L (sinh năm 1993, trú quận Thanh Khê): “Thực tâm cháu chưa bao giờ mong muốn người trong nhà phải đưa nhau ra tòa. Tụi cháu là vì bất đắc dĩ...”.

Theo trình bày của nguyên đơn, năm 1996, cha L. hùn tiền cùng anh trai, ông Đ.N.H, và chị gái, bà Đ.T.M.T (sinh năm 1971, trú quận Thanh Khê), để mua một con tàu đánh cá trị giá 65 lượng vàng. Sau khi chung mua tàu, ông H. quản lý điều hành kinh doanh tàu và chia lợi nhuận một thời gian thì chuyển cho bà T. Hai năm sau, cha của L. mất tích trong một vụ tai nạn tàu biển, sau đó tòa tuyên bố đã chết.
Đến đây, không kìm được cơn xúc động, L. bật khóc: “Chuyến tàu đó cô và bác ở nhà, chỉ mình ba cháu đi đánh cá rồi gặp nạn. Ba mất tích, chị em cháu còn nhỏ, không biết chuyện, chỉ thấy mẹ ngày nào cũng len lén khóc. Đến khi hiểu chuyện, mẹ an ủi tụi cháu là ba sẽ trở về nhưng ba mẹ con cháu cứ đợi mãi trong vô vọng...”.

Em trai qua đời, bà T. vẫn chia lợi nhuận cho các cháu nhưng số tiền không ổn định, có lúc 2 triệu, có lúc 3 triệu. Đến tháng 6-2013, bà T. chấm dứt việc chia tiền. Trước đó, năm 2009, ông H. đã rút cổ phần chung vốn của mình. Ba mẹ con L. cũng nhiều lần yêu cầu bà T. hoàn trả phần vốn đã chung nhưng không được đồng ý.

Gạt nước mắt, L. nghẹn ngào: “Trước đây, cô nói các cháu còn nhỏ, nếu đưa tiền sợ mẹ sẽ đi lấy chồng khác. Cô hứa khi nào tụi cháu đủ 18 tuổi sẽ trả cho tụi cháu làm vốn nhưng tụi cháu đợi mãi mà không thấy. Ba mất, mẹ một mình nuôi hai chị em cháu, cực khổ trăm bề, thiếu trước hụt sau nhưng không dám lên tiếng đòi vì sợ mang tiếng xấu. Nay tụi cháu đã lớn, mẹ ủy quyền để tụi cháu tự quyết định. Tụi cháu có gia đình riêng, chỉ mong muốn có chút vốn làm ăn...”.

2. Người cháu chưa kịp dứt lời, người cô vội vàng lớn tiếng phản bác: “Nguyên trước đây người thân của chúng tôi ở Mỹ gởi về 28 lượng vàng cho anh em tôi mua một chiếc tàu. Sau đó, anh em tôi bán chiếc tàu đó đi, đầu tư thêm tiền mua lại tàu mới. Hằng tháng, tôi vẫn chia lợi nhuận từ việc kinh doanh đánh bắt cá cho gia đình em tôi, có lúc đưa 5 triệu, nhiều khi lên đến 20, 50 triệu, tùy thuộc vào sản lượng đánh bắt. Mỗi lần giao tiền thường từ 10, 15 ngày hoặc một tháng. Năm 2014, do có mâu thuẫn giữa tôi và mẹ con L. nên tôi không còn chia lợi nhuận nữa. Việc này cũng là theo ý kiến các anh ở Mỹ...”.

Nghe cô nói, L. líu ríu: “Nếu cha cháu không góp vốn, tại sao cô vẫn chia tiền lợi nhuận cho gia đình cháu...”. Người cô phân trần: “Số vốn của cha cháu L. là do người thân của chúng tôi bên Mỹ cho để làm ăn. Khoảng tháng 4-2014, anh tôi ở Mỹ có về Việt Nam họp gia đình với mục đích giao cho 2 cháu tiếp tục hưởng phần lợi nhuận nhưng vì các cháu hỗn hào, xúc phạm nên anh tôi đã rút lại quyết định, thu hồi phần vốn đã cho trước đây. Sau khi trừ khoản trượt giá, tôi đã bàn giao lại phần của cha cháu L. cho người thân ở Mỹ là 105 triệu đồng. Vì vậy, các cháu kiện tôi là không đúng...”.

Mặc dù hội đồng xét xử (HĐXX) nhiều lần tha thiết khuyên nhủ hai bên nên giải quyết vụ việc một cách êm thấm, hòa nhã để gìn giữ nghĩa tình gia đình nhưng không ai chịu nhường bước, khăng khăng giữ nguyên ý kiến. Giờ nghị án, L. theo mẹ và em ra phía ngoài hành lang phòng xử, tấm tức khóc. Phía trong, người cô vẫn chưa nguôi nỗi bực dọc, liên tục lặp đi lặp lại lời chê trách: “Tụi nó là cháu mà hỗn hào. Có cháu nào mà đi kiện cô ra tòa không?”.

3. HĐXX nhận định, có căn cứ xác định các bên có hùn vốn mua chung chiếc tàu nên cha của L. được hưởng 1/3 giá trị chiếc tàu. Bà T. cho rằng đã chuyển phần tiền này cho người thân bên Mỹ nhưng không cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên lạc của những người này cho tòa là bất hợp tác, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Trong vụ án này, nguyên đơn còn yêu cầu bà T. phải trả tiền phát sinh kinh doanh hằng tháng. Theo lời khai của bị đơn, mỗi tháng, bị đơn đưa cho phía nguyên đơn tối thiểu số tiền 5 triệu đồng và chấm dứt việc đưa tiền từ tháng 6-2013. Vì vậy, HĐXX lấy đó làm căn cứ, tuyên buộc bị đơn có nghĩa vụ trả lại cho nguyên đơn 1/3 giá trị con tàu là 300 triệu đồng, cùng với lợi nhuận kinh doanh trong 25 tháng là 125 triệu đồng.

Án tuyên với phần thắng thuộc về mình nhưng nước mắt L. không ngừng tuôn rơi. L. liên tục hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con làm vậy có đúng không mẹ? Ba có buồn tụi con không mẹ, con chỉ sợ ba đau lòng...”. Trưa nắng gắt, tiếng thầm thì nghẹn ngào của cô gái nhỏ “Ba ơi, ước gì ba còn sống...” trĩu niềm tâm sự mênh mang.

Những vụ án như thế này, cho dù kết quả được tuyên ra sao, đến cuối cùng cũng không có ai là người chiến thắng. Bởi lẽ, họ đã đánh mất điều thiêng liêng, trân quý, không gì có thể mua được. Đó là tình thâm!

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.