.

Đà Nẵng cấp số định danh cá nhân trực tuyến cho trẻ em từ 1-1-2016

.

Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM sẽ sử dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân trực tuyến cho trẻ em mới sinh ra tại UBND cấp huyện, cấp xã từ ngày 1-1-2016 khi Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân chính thức có hiệu lực.

Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM sẽ thí điểm phần mềm cấp giấy khai sinh,
Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM sẽ thí điểm phần mềm cấp giấy khai sinh, "xin" số định danh cá nhân trực tuyến (Ảnh minh họa).

Để triển khai thi hành Luật Hộ tịch đảm bảo đồng bộ với các quy định của Luật Căn cước công dân (cùng có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016 tới), đặc biệt là việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ được khai sinh từ ngày 1-1-2016, Bộ Tư pháp vừa cho biết sẽ sử dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn 4 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) cho biết cán bộ hộ tịch tại 4 địa phương trên sẽ sử dụng hệ thống máy tính để có ngay được số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra và ghi thông tin này vào giấy khai sinh.

Ở những địa phương còn lại việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra sẽ có độ “trễ” nhất định: Sau khi làm thủ tục khai sinh, cán bộ tư pháp sẽ có văn bản gửi cơ quan công an để xin cấp số định danh cá nhân và ghi vào giấy khai sinh trước khi trả cho người dân.

Theo Luật Hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Nội dung đăng ký khai sinh gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh (họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch); thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh (họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú); số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh. Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập. Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi các nội dung khai sinh theo quy định vào sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Theo Luật Hộ tịch, từ ngày 1-1-2016 khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh ra, một số thông tin nhân thân của trẻ em như họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha, họ tên mẹ sẽ được “đẩy” sang hệ thống cấp số định danh cá nhân do Bộ Công an quản lý. Sau khi kiểm tra dữ liệu, hệ thống cấp số định danh sẽ mã hóa, sinh số định danh theo cấu trúc quy định và gửi về hệ thống thông tin hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp để từ đó cấp giấy khai sinh cho công dân - đã bao gồm số định danh cá nhân.

Hiện nay các cơ sở dữ liệu về hộ tịch và dân cư quốc gia vẫn đang được xây dựng, hoàn thiện. Bộ Tư pháp và Bộ Công an sẽ phối hợp xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối, trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và Hệ thống cấp số định danh cá nhân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó đủ 14 tuổi - đủ tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Số định danh cá nhân gồm 12 số. Đây được coi là bước đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư vafc là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.