.

Dứt tình máu mủ vì một căn nhà

.

Ngày 21-12, phòng xử của TAND quận Thanh Khê diễn ra phiên tòa dân sự xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện là anh chị em ruột, đã vào tuổi xế chiều. Tài sản tranh chấp là căn nhà cha mẹ để lại, cũng là nơi lưu dấu kỷ niệm một thời thơ ấu của họ.

Ảnh: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Căn nhà và nghĩa tình

Tháng cuối năm, cái rét lạnh của thời tiết vẫn không buốt giá bằng sự vụn vỡ tình thâm của một gia đình. Bên trái phòng xử, phía nguyên đơn hơn 10 người chen chúc chật ních trong các hàng ghế. Bên còn lại, chỉ có bị đơn cùng con trai nơi dãy ghế thênh thang. Bức tranh đối lập như tô đậm khoảng cách nhạt nhẽo giữa những người có cùng huyết thống.

Đại diện 6 người con gái, bà N.T.T.N (SN 1951) đứng tên nguyên đơn trình bày: Gia đình bà có 7 anh chị em; cha mẹ lần lượt qua đời vào năm 1986 và 2003, không để lại di chúc. Khi cha mẹ còn sống, cả hai tạo lập được căn nhà cấp 4 (xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và nhà đất tại đường Hùng Vương (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê).

Trước đây, cả gia đình sống đầm ấm tại ngôi nhà ở đường Hùng Vương. Đến năm 1975, cha mẹ của bà chuyển về Quảng Nam sinh sống, chị em bà vẫn đùm bọc nhau ở ngôi nhà trên. Năm 1981, 6 người con gái đều lấy chồng và ra ở riêng.

Căn nhà đường Hùng Vương chỉ còn lại người con đầu, cũng là con trai duy nhất trong gia đình, ông N.H.G.T (SN 1947), sinh sống và quản lý từ đó đến nay.

Bà N. gay gắt: “Sau này, tình cảm anh chị em sứt mẻ, chúng tôi kiện đòi nhà thì phát hiện anh tôi đứng tên quyền sở hữu ngôi nhà ở đường Hùng Vương. Đây là tài sản của cha mẹ chúng tôi, tôi yêu cầu tòa xét xử chia thừa kế giá trị tài sản nhà đất theo định giá, tương đương 7 tỷ đồng chia cho 7 người con”. Bà N. chứng minh: “Ông T. xuất trình giấy cho nhà với nội dung cha mẹ tôi cho hẳn căn nhà là không đúng vì cha tôi trước khi chết thì ốm đau triền miên. Đồng thời, cha mẹ tôi không biết chữ, không biết đọc nên không thể ký xác nhận...”.

Ông T. phản bác: “Năm 1977, các cô đã đi lấy chồng, chỉ còn vợ chồng tôi và các con của tôi sinh sống tại đây. Trước đó, khi tôi chuẩn bị lấy vợ, vì gia đình vợ tôi có hoàn cảnh khá giả hơn tôi, cha mẹ tôi thương tôi nên hứa sẽ cho tôi căn nhà ở đường Hùng Vương làm sính lễ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cha mẹ của tôi chưa làm giấy ủy quyền cho tôi được. Đến năm 1986, cha tôi mới gọi tôi về Quảng Nam, đề nghị tôi viết giấy cho nhà thay cha mẹ. Biết tôi đang bận công tác tại Đà Nẵng nên cha tôi nói con có việc thì đi đi, để đó cha mẹ tự đến UBND xã đề nghị xác nhận...”.

Ông T. chia sẻ thêm: “Tôi nói với cha mẹ rằng nên bàn chuyện cho nhà với các em. Nhưng cha tôi bảo, đây là chuyện tế nhị, không nên. Các cô đều đã có chồng, ra ở riêng. Trong quan niệm của người già, đâu đó vẫn còn chút quan điểm bảo thủ trọng nam, khinh nữ. Tôi nghĩ, có lẽ cha tôi vì nguyên do đó nên giấu các cô...”.

Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Căn nhà đó cha mẹ đã tặng cho vợ chồng tôi, chúng tôi đã ở hơn 30 năm. Thời điểm cha mẹ tôi về quê, diện tích căn nhà chỉ khoảng 60m2, phần diện tích dôi ra là do vợ chồng tôi có tạo lập, bồi trúc, lấn ra phía sau là ruộng nên mới có diện tích 114,9m2 như hiện nay. Do đó, căn nhà là tài sản của vợ chồng tôi, không ai có quyền định đoạt giá trị căn nhà. Tôi đề nghị tòa công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất của căn nhà này là của chúng tôi, không công nhận nhà đất này là di sản thừa kế...”.

Được và mất

Không gian phòng xử càng lúc càng ngột ngạt, căng thẳng khi mỗi bên đều lớn tiếng đưa ra chứng cứ, luận điểm của mình. Mỗi khi bên này phát biểu, bên kia liền lắc đầu, xì xầm, thể hiện thái độ bực tức.
Ông T. bực dọc: “Tại sao lúc cha mẹ còn sống, các cô không có ý kiến? Tại sao lúc tôi xây nhà 3 tầng ngay mặt tiền đường Hùng Vương, các cô không nói gì? Bình thường mọi người vẫn đến nhà chơi, vui vẻ, đầm ấm. Tại sao khi mẹ vừa mất được mấy tháng, các cô lại khởi kiện anh mình. Lẽ nào lòng tham đã lấn át mất tình cảm ruột thịt?...”. Ông T. còn trách móc: “Khi cô N. chưa có nhà, tôi đã hết lòng giúp đỡ để cô sớm được cấp nhà. Rứa mà bây chừ cô đi khởi kiện...”.

Bà N. vội vàng lên tiếng: “Cái ơn của anh tôi không bao giờ quên. Nhưng mà cũng phải nói lại, vợ chồng tôi đều là công chức, viên chức Nhà nước, chuyện được cấp nhà là chuyện sớm muộn thôi…”.

Rồi bà phân minh: “Các em cứ nói với tôi, chị có công ăn việc làm, nhà cửa ổn định còn tụi em khó khăn đủ bề, cơm chạy từng bữa. Các em vừa khóc vừa hỏi tôi có suy nghĩ cho các em không. Tôi suy nghĩ dữ lắm mới đồng ý khởi kiện. Còn anh, anh ở nhà cao cửa rộng, trong khi các em của anh không có miếng ăn, không có nơi ở, anh có yên lòng không? Tôi nghe anh nói mà tôi cảm thấy xấu hổ thay cho anh. Tôi kiện anh không phải vì tôi tham, mà vì tình cảm anh em đã đoạn tuyệt. Em của anh mà anh gọi là “mấy con quỷ”...”.

Phiên tòa thoáng chốc ồn ào, nhốn nháo với sự góp lời của những người em còn lại. Cuộc khẩu chiến giữa đôi bên chỉ ngừng lại khi có sự can thiệp, nhắc nhở của hội đồng xét xử.

Tòa tuyên án, phần thắng thuộc về người anh. Trong nỗi bức xúc, những người em la lối, ầm ĩ nơi chốn pháp đình. Người anh lạnh lùng ra về, bỏ lại phía sau tiếng ai oán của một trong các người em: “Người thì làm osin, người thì mắc nợ lang thang khắp nơi, người thì ở nhà thuê, mình ổng ăn hết của cải có nuốt trôi không?...”.

Đúng hay sai trong những vụ án dân sự như thế này chỉ có đương sự mới thực sự hiểu rõ. Cho dù ai đúng, ai sai, rõ ràng, họ đã đánh mất điều vô giá nhất, thiêng liêng nhất. Đó là tình thâm ruột rà!

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.