“Trẻ thơ như búp trên cành, như mầm măng non, như tờ giấy trắng... Để trẻ con sống cuộc đời như thế này, trách nhiệm của người lớn nằm ở đâu?”. Đó là câu hỏi day dứt của vị kiểm sát viên tại một phiên tòa mới đây...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Phiên tòa lưu động vào một ngày cuối tháng 11 vừa qua, TAND quận Hải Châu xét xử sơ thẩm vụ án “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản”. Cả 4 bị cáo đều rất trẻ. Hai bị cáo nam, Đ.V.Y (ngụ quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và N.D.T (ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng), vừa chớm 20 tuổi. Hai bị cáo nữ, L.T.H và L.T.L (cùng quê tỉnh Quảng Bình), tròn tuổi 16 chưa bao lâu.
1. H. và L., tóc cột vổng đuôi gà, mỗi khi trả lời hội đồng xét xử (HĐXX) lại cười. Tòa hỏi L.: “Bị cáo rời nhà từ năm mấy tuổi?”, L. không đáp, cứ đứng tủm tỉm. Luật sư bào chữa cho bị cáo nhắc khẽ: “Thái độ nghiêm túc”. L. cúi đầu, cố gắng kìm nén nhưng rất nhanh lại nở nụ cười.
Nhiều lần như thế, tòa nhắc nhở: “Bị cáo phạm tội khi mới 16 tuổi, còn rất trẻ. Bây giờ, khi đứng trước vành móng ngựa, tại sao bị cáo vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của vụ việc, liên quan đến tương lai và cuộc đời mình? Lúc lấy lời khai, lúc tống đạt cáo trạng, bị cáo cũng luôn cười như thế này. Bị cáo còn bảo “vô tù sướng”, có đúng không?”. L. vừa gật đầu, vừa cười!
Vị hội thẩm nhân dân tiếp tục hỏi: “Bị cáo nghỉ học rồi đi làm từ lúc nào?”. L. đáp: “Đang học lớp 9 thì bị cáo nghỉ. Thấy cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, trong khi bị cáo nghĩ mình có thể tự lập được nên tự ra riêng, kiếm sống...”.
“Tại sao đã đi xa làm việc, bị cáo không tìm một công việc gì đó phù hợp với lứa tuổi của mình mà chọn làm tiếp viên phục vụ quán karaoke, một môi trường phức tạp như vậy?”, HĐXX đau đáu.
“Tuổi bị cáo còn nhỏ, không ai chấp nhận bị cáo vào làm việc, chỉ với công việc đó bị cáo mới có thể kiếm tiền, sinh sống được...”, L. rành rọt. Vị hội thẩm nhân dân lắc đầu: “Bị cáo nói vậy thì tôi không đồng ý, rất nhiều bạn trẻ vẫn đi phụ bưng bê, rửa chén, phụ bếp cho quán cà-phê, quán ăn... đó thôi”. L. im lặng.
2. Theo hồ sơ vụ án, Đ.T.Đ (SN 1996, ngụ quận Sơn Trà) là nhân viên phục vụ quán karaoke. Đ. từng làm chung, ở chung với H. và L. Tuy nhiên, sau đó, Đ. đột ngột bỏ đi khỏi phòng trọ nên H. và L. cho rằng vì Đ. mà họ không được chủ quán gọi đi tiếp khách nữa.
Tối 1-5-2015, H. và L. tình cờ gặp lại Đ. ở quán karaoke T.Đ (đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn) nên xông vào đánh. Bị chủ quán đuổi, H. điện thoại nói Y. đến quán chở đi, Y. gọi T. cùng đến. Cả nhóm ép buộc, chở Đ. đến khu vực bờ sông dưới chân cầu Tiên Sơn, tấn công và thả Đ. rơi xuống sát mép bờ kè của sông rồi rời đi cùng túi xách của nạn nhân. Theo kết luận giám định pháp y, Đ. mang thương tích 6%.
Trẻ con ở độ tuổi, trẻ con trong cách ứng xử, các bị cáo cũng vô cùng trẻ con trong suy nghĩ và nhận thức. Trẻ con đến độ, khi chủ quán nhậu bảo hành vi của cả nhóm đã cấu thành tội cướp tài sản, các bị cáo liền lật đật mang túi xách quay lại trả cho Đ.
L. biện minh: “Thời gian Đ. không có việc làm, bị cáo là người giới thiệu chỗ làm cho Đ., cũng là người giúp đỡ Đ. về chỗ ở. Rứa mà Đ. bỏ đi đột ngột, không nói với bị cáo và H. tiếng nào, còn mang theo đồ đạc của bị cáo. Bị cáo chỉ nghĩ là lấy túi xách của Đ. để làm áp lực, yêu cầu Đ. trả lại đồ của mình thôi...”.
3. “Nhặt” suốt lượt phiên tòa, từ lý lịch của các bị cáo đến lời bào chữa của vị luật sư, mới hay phía sau hành vi phạm tội của các em có khoảng trống rất lớn về tình thương, sự quan tâm của mẹ cha. H. và L. là chị em họ bên nội, đều lớn lên trong hoàn cảnh gia đình tan tác, cha mẹ ly hôn.
Hai người mẹ đi bước nữa, H. và L. phải nương nhờ tình thương từ hai người bà tuổi cao, sức yếu. Cả hai bỏ ngang việc học khi mới 13, 14 tuổi, rời nhà tha phương kiếm sống. Những va vấp cuộc đời quá sớm đã đẩy hai thiếu nữ vào vòng xoáy đen...
Tòa hỏi mẹ của L.: “Bà có biết con mình nghiện từ năm 13 tuổi không? Bà có biết mỗi lần con lên cơn nghiện là cấu xé thân thể mình, dùng mảnh chai cứa, dùng điếu thuốc lá dụi khiến hai tay chằng chịt vết sẹo không?”.
Mẹ L. nức nở, phân bua: “Em cứ nghĩ hắn học không nổi nữa nên mới xin đi làm. Em có nói, mẹ khổ thì khổ nhưng con cứ ở nhà với mẹ. Rứa mà hắn nằng nặc đòi đi. Em sai hoàn toàn, em sai vì không dạy dỗ con nên người.
Tòa cho em một cái lỗi chi đó để giảm nhẹ hình phạt cho con em. Em đem con về dạy dỗ, hắn hư em sẽ chịu trách nhiệm trước tòa...”. Không gian phiên xử đặc quánh, lặng im hồi lâu.
Tòa lại hỏi: “Vậy bà có biết con của mình làm việc trong môi trường phức tạp như vậy không? Nếu biết thì bà có làm gì khuyên nhủ con không?”. Người mẹ sụt sịt: “Em cũng có vào đây tìm con về. Nhưng hắn năn nỉ, nói con không hư đâu...”. Những tiếng thở dài trăn trở vang lên từ hàng ghế người dự khán. Trong khi đó, mẹ của H. vừa sinh em bé nên không thể đến, nhờ em gái đại diện.
4. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên phạt Y. 6 năm tù, T. 4 năm 6 tháng tù, H. và L. mỗi người 3 năm 6 tháng tù cùng về các tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản”.
Lúc này, dường như mới cảm thấy sợ hãi, H. và L. òa khóc, nhoái người ra sau nhìn về phía người thân. Với bàn tay níu bàn tay mẹ, L. lặp đi lặp lại: “Mẹ ơi, con nhớ ngoại, con muốn về với ngoại. Mẹ ơi, con muốn về với ngoại, với mẹ. Mẹ nói ngoại chờ con...”. Cạnh bên, H. cũng thút thít, dặn dò dì: “Dì nhắc mẹ nhớ giữ sức khỏe...”.
Xe lăn bánh, mẹ của L. ngã quỵ, đau đớn: “Là lỗi của mẹ, con ơi. Mẹ sai rồi, do mẹ không quan tâm nhiều đến con, do mẹ không dạy dỗ con nên người. Con ơi!...”
KHA MIÊN