.
Ký sự Pháp đình

Bi kịch từ ma túy

.

Ma túy là hiểm họa của toàn xã hội. Bi kịch, nỗi đau do ma túy để lại hết sức nặng nề, không chỉ cho riêng người nghiện mà cho cả gia đình họ và cộng đồng…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

TAND quận Thanh Khê mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo L.P.K.L (SN 1966, ngụ phường An Khê, quận Thanh Khê) về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo ít nói, thừa nhận tất cả lỗi lầm, sai phạm của bản thân dù “không nhớ được chút xíu gì” và “chỉ nghe con trai kể lại sự việc”. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi bị cáo trả lời hội đồng xét xử.

Ảo giác do ma túy

Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ việc L. được một người quen cho gói ma túy loại “cỏ”. Sau khi cùng người này sử dụng ma túy, L. cất số còn lại mang về. Trên đường đi, L. gặp người bạn, cả hai rủ nhau đến một quán nhậu trên đường Nguyễn Hữu Thọ. Tại đây, L. sử dụng hết số ma túy còn lại. Giữa chừng cuộc vui, L. cầm điện thoại của mình ném ra đường. Biết bản thân bị ảo giác, L. nhờ bạn chở về nhà. Ảo giác ngày càng mạnh, L. thấy mọi người to gấp nhiều lần người thường và ai cũng muốn đánh L.

Cùng lúc này, anh N.M.H (SN 1969), hàng xóm của L., đang ngồi trước nhà bấm điện thoại thì bị L. vô cớ dùng dao loại chặt cá chém một nhát vào đầu. Anh H. né tránh nên dao trúng vào vành tai trái, sau đó anh H. được người dân đưa đi cấp cứu.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an cùng dân quân cơ động phường đến mời L. về trụ sở làm việc. L. không chấp hành, bỏ về nhà, cầm 2 con dao xông ra chém nhưng không trúng ai. Tiếp đó, L. lấy một bình gas, bẻ gãy chốt an toàn ném vào lực lượng công an, hăm dọa đốt nổ. Người nhà can ngăn, L. vào nhà, đóng cửa lại, liên tục chửi bới cho đến khi Công an phường tổ chức vây bắt và đưa L. về phường làm việc vào sáng hôm sau.

Mặc dù mang thương tích 9% nhưng anh H. có đơn không yêu cầu khởi tố L. về hành vi cố ý gây thương tích. Tại phiên xử, anh H. cho hay: “Bình thường anh L. là người hiền lành. Mỗi khi tình cờ gặp tôi, anh L. đều cười chào vui vẻ. Chỉ có điều anh L. thường xuyên nhậu nhẹt. Lúc say xỉn, anh có gây ồn ào, làm mất trật tự khu phố...”.

Cũng chính những cơn say bí tỉ từ sáng đến tối dần chia cách tình cảm vợ chồng L. Cả hai ly hôn khi đã có với nhau 6 người con.

Bi bô tiếng trẻ thơ

Giờ nghị án, một bé gái 6 tuổi cùng một bé trai 4 tuổi ùa vào phòng xử. Đó là con gái và cháu nội của L. Cậu bé hồn nhiên chạy quanh khắp phòng xử, còn cô bé lặng lẽ sà vào lòng cha. Khác với những đứa trẻ thường thấy, cô bé không cười nhiều, chỉ im lặng ôm cha.

Trong vòng tay ôm của con gái út, L. vuốt ve mái tóc con, không ngừng nói: “Cha nhớ con, nhớ nhiều lắm...”. Cô bé kể cho cha nghe những mẩu chuyện con con về cuộc sống ở nhà, ở lớp. Giữa chừng vui, cô bé tiu nghỉu, thắc mắc: “Con đi học vui nhưng buồn. Bạn con nói cha không đi làm xa ở mô hết. Bạn còn nói cha là người xấu nên cha phải đi tù. Bạn nói sai rồi phải không cha? Cha là người tốt phải không cha?...”. Mắt cô bé rơm rớm nước. Siết chặt con thơ, L. rưng rưng: “Cha xin lỗi, cha xin lỗi...”.

Tòa tuyên án, cô bé đứng nép nơi cửa sổ nhìn về bóng lưng cha, ánh mắt buồn rười rượi. Khi L. theo chân các cán bộ hỗ trợ tư pháp ra xe về trại giam, cháu nội của L. lúc này mới òa khóc và mếu máo: “Con muốn ông nội, con muốn ông nội…”. Trong khi đó, con gái út của L. bình tĩnh, mỉm cười vẫy tay tạm biệt cha. Chiếc xe dần khuất xa, đứa bé 6 tuổi mới sà vào lòng mẹ tức tưởi: “Mẹ ơi, con nhớ cha...”.

TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm tuyên phạt L. tuyên án L. 12 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.