Cuộc ly hôn nào cũng khiến người trong cuộc trĩu nặng nỗi buồn. Nhưng tổn thương, thiệt thòi nhiều nhất là những đứa trẻ vô tội. Tiếc là nhiều bậc cha mẹ đã không nhận ra điều này...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Cách đây không lâu, TAND quận Thanh Khê xét xử sơ thẩm vụ án “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”. Hai vợ chồng ly hôn đã lâu, người vợ được quyền nuôi dưỡng ba đứa con chung. Nay người chồng xin được thay đổi quyền nuôi con, cụ thể là đứa con trai út sinh năm 2005.
Phiên tòa vừa bắt đầu, người chồng liền lớn tiếng: “Trong quá trình nuôi con, bà ta xúc phạm đến gia đình tôi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ...”. Người vợ khóc nấc, phản bác: “Lúc còn sống chung, anh chưa bao giờ quan tâm đến con.
Khi anh bỏ đi, đứa lớn mới học lớp 4. Một mình tui đi làm vất vả kiếm tiền nuôi 3 đứa con nhỏ, anh cũng đâu có chu cấp. Đến khi tui xây nhà, khó khăn quá mới hỏi anh nhưng anh vẫn không đưa tiền chu cấp.
Tui tức quá, mới giao con cho anh nuôi 1-2 tháng để anh hiểu sự khó khăn của tôi. Nhưng anh là lái xe nên thường xuyên xa nhà, 3 đứa nhỏ phải ở nhà với bà nội. Bà nội thích thì cho ăn, không thích thì để nhịn đói. Con tui bị đối xử không có tình người nên mới bị ảnh hưởng tâm lý...”.
Không nghĩ đến những thiệt thòi và chấn thương tâm lý của con trẻ khi cha mẹ “đường ai nấy đi”, họ liên tục ném về phía đối phương ánh nhìn hằn học cùng những lời lẽ khó nghe. Trong phòng xử án, ba mẹ lớn tiếng cãi nhau. Ngoài phòng xử án, ba đứa trẻ mặc đồng phục học sinh đứng nép bên cửa sổ ngơ ngác hết nhìn cha lại nhìn mẹ.
Thở dài, vị chủ tọa khuyên: “Trẻ thơ như tờ giấy trắng. Đừng vì mâu thuẫn của cha mẹ mà đánh mất tương lai con trẻ...”. Vậy mà cả hai vẫn tiếp tục “tố cáo” lẫn nhau trước tòa. Vị chủ tọa thở dài, nghiêm giọng: “Con ngồi ngoài kia nó nghe kìa...”.
Cuối cùng, tòa quyết định vẫn để 3 trẻ cho chị nuôi bởi anh thường xuyên đi làm ăn xa, không có điều kiện chăm sóc con. Đây cũng là nguyện vọng của 3 trẻ. Được sống cùng mẹ nhưng liệu 3 đứa trẻ có hạnh phúc trọn vẹn không khi người lớn vì những mâu thuẫn của mình mà quên đi cảm xúc của các con?
2. Một vụ án khác, người mẹ kháng cáo để giành lại đứa con trai mà cấp sơ thẩm đã tuyên giao cho người cha nuôi dưỡng. Chị quê ở Đà Nẵng, anh quê ở Bắc Giang. Cả hai nên duyên vợ chồng sau gần 4 năm tìm hiểu, yêu thương. Hạnh phúc nối hạnh phúc khi 2 đứa con lần lượt chào đời. Nào ngờ, tình cảm rạn nứt, họ quyết định đường ai nấy đi. TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm tuyên người chồng nuôi dưỡng cậu con trai 6 tuổi, người vợ nuôi dưỡng cô con gái 3 tuổi.
Suốt phiên tòa phúc thẩm, chị khóc đến khàn giọng: “Xin tòa, xin anh đừng bắt hai anh em nó phải xa nhau. Con mới 6 tuổi nhưng đã phải chịu một vết thương lòng quá lớn rồi. Xin anh đừng làm xáo trộn thêm nữa...”. Trong khi đó, người chồng khăng khăng: “Cô đã có con gái thì con trai phải theo tôi. Tôi là đàn ông, sẽ có cách dạy con trở thành một người đàn ông...”.
Chị đau đớn lắc đầu, cho rằng anh đã có vợ mới, con riêng nên nếu con trai về sống cùng ba sẽ rất phức tạp trong các mối quan hệ. Rồi chị quay sang anh van nài: “Con còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, xin anh hãy nghĩ tới cảm giác của con. Tôi hứa sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh thăm con và con thăm anh. Chỉ xin anh đừng chuyển con vào Khánh Hòa, hãy để anh em nó được gần nhau...”.
Trong nước mắt, chị kể: “Tôi nói dối con rằng ba đi công tác mỗi khi con nhắc đến ba nhưng giấu mãi cũng không được. Khi con hiểu rõ cuộc hôn nhân của cha mẹ đã đổ vỡ, từ một đứa trẻ hiếu động, con trở nên lầm lì, khép kín. Con khóc 2 ngày liền, không nói chuyện với ai mà chỉ ôm em gái khóc...”.
Giờ nghị án, cậu bé sà vào lòng ba, hôn lấy hôn để. Ôm chặt ba cho thỏa lòng nhớ thương, cậu tíu tít kể chuyện em gái đang tập nói, chuyện nhà, chuyện trường. Anh nhẹ nhàng hỏi: “Con đi theo ba vào Khánh Hòa, sống với ba nhé...”. Cậu bé tắt lịm nụ cười, nhìn về phía mẹ rồi tiu nghỉu lắc đầu.
Hội đồng xét xử xét thấy cậu bé đang sống với mẹ rất tốt, nếu giao cháu cho ba sẽ làm xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ. Từ đó, tòa tuyên sửa án sơ thẩm, giao quyền nuôi dưỡng cả hai bé cho người mẹ.
NAM BÌNH