Hai thanh niên trẻ, từng là “tượng đài” mơ ước của nhiều người khi có sự nghiệp thành công, cuộc sống khấm khá. Nhưng chỉ vì mê mải chạy theo giấc mơ giàu sang, họ đã không làm chủ được bản thân và tự tay phá vỡ tương lai của chính mình…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hai phiên tòa được xử cách nhau mấy ngày với hai nam bị cáo có hoàn cảnh phạm tội và bị truy tố hai tội danh khác nhau: người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người mua bán trái phép hóa đơn chứng từ. Dẫu vậy, ở họ có một điểm chung, đó là nỗi hối tiếc, ăn năn muộn màng.
1. TAND thành phố Đà Nẵng tuyên án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ánh mắt L.N.L (Sinh năm 1981, trú quận Thanh Khê) ửng đỏ, đôi bàn tay bấu chặt vào gấu áo, thẫn thờ theo chân lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp ra xe về trại giam.
Phía sau, người thân của L. bước thấp bước cao đuổi theo bóng lưng bị cáo trong giàn giụa nước mắt. Nhìn cảnh tượng ấy, không ai nghĩ rằng, họ từng là một gia đình giàu có bậc nhất nơi phố biển.
Theo cáo trạng, L. nguyên là nhân viên tư vấn tài chính của một ngân hàng. Thời điểm năm 2010, với mức lương 8,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của L. có thể xem như đủ đầy về kinh tế. Chẳng những thế, L. còn được bố mẹ tạo cơ hội khởi nghiệp với 7 căn nhà và 1 công ty kinh doanh về nông nghiệp. Gia đình bên vợ L. cũng làm ngân hàng nên đời sống của hai vợ chồng càng ổn định, vững chắc.
Thế nhưng, chừng đó tài sản chưa làm L. hài lòng, thỏa mãn. L. vẫn bám riết giấc mơ giàu sang không mệt mỏi. Ngân hàng nơi L. làm cấm nhân viên kinh doanh vàng ảo qua mạng, L. liền nhờ người bạn mở tài khoản giùm để tham gia lén.
Như con thiêu thân lao vào sắc óng ánh đồng tiền, L. cầm 2 sổ tiết kiệm lấy 4 tỷ đồng kinh doanh vàng miếng, bất động sản và chơi chứng khoán. Không biết điểm dừng, L. còn vay nặng lãi của nhiều người với khao khát “làm lớn, ăn lớn”.
Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh, L. thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng, trở thành con nợ, phải trốn chui trốn nhủi. Vậy mà, đến lúc này, L. vẫn không tỉnh táo để dừng lại, tìm cách khắc phục mà dùng mọi cách để lấp liếm, che giấu việc làm ăn thua lỗ.
Bí bách nên làm liều, L. lợi dụng “mác” nhân viên ngân hàng, nói dối với đồng nghiệp và những người thân quen là: “Hiện có nhiều khách hàng vay nợ ngân hàng, đến thời hạn phải trả nợ mà không có tiền. Vì vậy, họ có nhu cầu vay tiền với lãi suất cao để trả nợ cho ngân hàng rồi tiếp tục lập hồ sơ vay lại (đáo hạn ngân hàng) và sẽ trả lại sau vài ngày đáo hạn”. Tin tưởng, nhiều người đã đưa tiền cho L. Với thủ đoạn này, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2014 đến tháng 1-2015, L. đã chiếm đoạt của 5 người với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Mờ mắt trước bả vật chất, L. không chỉ xé nát tương lai của mình mà còn đẩy cha mẹ, vợ con vào cảnh khốn cùng, từ những người “giàu nứt vách đổ tường” nay phải đi ở nhà thuê. Chẳng những vậy, 6 đồng nghiệp liên quan đến L. cũng lao đao, tan cửa nát nhà khi mất việc.
2. Tương tự, N.T.L (Sinh năm 1981, trú tỉnh Quảng Ngãi) từng là giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Tư vấn và Xây dựng Nam Thiên (gọi tắt là Công ty Nam Thiên), có trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty được cấp năm 2009, hoạt động trên lĩnh vực tư vấn, xây lắp công trình xây dựng. Đến năm 2011, Công ty Nam Thiên làm ăn thua lỗ nên ngừng hoạt động nhưng T.L không thông báo với cơ quan chức năng.
Sau đó, T.L ra Đà Nẵng và mang toàn bộ giấy tờ liên quan của công ty như: giấy đăng ký doanh nghiệp, con dấu, các loại hóa đơn (đã đặt in trong quá trình Công ty Nam Thiên hoạt động). Từ tháng 6-2012 đến tháng 12-2012, T.L xuất bán khống 20 hóa đơn giá trị gia tăng cho 2 công ty với tổng giá trị trước thuế hơn 5,1 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 600 triệu đồng.
Đứng sau vành móng ngựa, ban đầu, T.L khai dõng dạc: “Bị cáo ra Đà Nẵng làm thuê từ tháng 4-2012. Lúc bị cáo được ký hợp đồng ổn định, bị cáo mới nhờ cha đưa vợ con và các vật dụng ra. Mục đích ban đầu của bị cáo không phải mang giấy tờ, hóa đơn ra để bán…”.
Lời khai của T.L càng lúc càng nhỏ dần: “Bị cáo chỉ nghĩ là mượn tạm tiền của Nhà nước để đầu tư làm ăn, kinh doanh rồi trả lại sau…”. Tòa nghiêm khắc: “Bị cáo là kỹ sư xây dựng, có trình độ, nhận thức tốt, bị cáo suy nghĩ lại xem là mình khai như vậy có đúng không…?”. T.L bối rối, cúi đầu, lí nhí: “Bị cáo biết sai rồi…”.
Lời nói cuối cùng, T.L. rưng rức: “Mẹ bị cáo mất lâu rồi, cha bị cáo là cán bộ hưu trí. Ba anh chị em khác của bị cáo đều ở xa, không có ai chăm sóc cha. Vì lỗi lầm, sự hồ đồ của bị cáo mà vợ bị cáo vừa phải đi làm công nhân, vừa phải một mình gánh gồng chăm sóc hai con mới 5 tháng tuổi và 5 tuổi. Trong 84 ngày ở trại giam, bị cáo hối hận lắm. Bị cáo có lỗi với người cha đã khổ cực nuôi dạy bị cáo nên người, cho bị cáo công ăn việc làm ổn định. Bị cáo có lỗi với vợ con khi không thể làm tròn trách nhiệm của trụ cột gia đình…”. Nước mắt muộn màng lăn dài trên gương mặt tràn ngập nỗi ăn năn, nuối tiếc của bị cáo!
TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt L. 3 năm tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Ba năm không quá dài đối với đời người nhưng lần phạm tội này đã đánh mất tương lai, sự nghiệp của một người trẻ như T.L, đã cướp mất tuổi thơ tròn trịa của các con T.L...
3. Mơ ước và theo đuổi mơ ước là một điều vô cùng trân quý. Có những ước mơ hướng người ta phấn đấu đến điều tốt đẹp. Nhưng cũng có ước mơ khiến người ta chìm đắm trong sai trái, quên đi pháp luật, đạo nghĩa. Vì vậy, trên con đường đi đến ước mơ, bên cạnh sự cố gắng còn cần cả sự tỉnh táo để vượt qua cám dỗ…
NAM BÌNH