.
Ký sự Pháp đình

Ma lực của đồng tiền

.

Bị cáo cúi gằm mặt, nước mắt lưng tròng, mếu máo nói lời sau cùng: “Em trai bị cáo vừa qua đời cách đây không lâu, giờ mẹ bị cáo chỉ còn mỗi em gái làm chỗ dựa. Cha bị cáo bị bại liệt nhiều năm, bị cáo sợ mình đi tù nhiều năm sẽ không còn cơ hội gặp mặt cha nữa…”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bị cáo là T.T.K.C (SN 1977, ngụ quận Thanh Khê), ra tòa về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đổ lỗi cho hoàn cảnh

Phiên xử sơ thẩm diễn ra vào một ngày giáp Tết, bị cáo đứng sau vành móng ngựa, líu ríu biện minh: “Bị cáo buôn gánh bán bưng ở chợ Hòa Quý, vay mượn làm ăn dẫn đến nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con, không còn khả năng trả nợ nên mới…”.

Vị chủ tọa hỏi: “Vậy tại sao ban đầu bị cáo khai vì gia đình khó khăn, chồng ốm đau triền miên, bố bại liệt, mẹ già yếu, phải nuôi hai con nhỏ cùng người em trai bị chất độc da cam? Vậy lời khai nào của bị cáo là đúng?”. Đôi bàn tay xoắn chặt vào nhau, bị cáo lí nhí: “Dạ, cũng vì cuộc sống khốn khó nên bị cáo mới cố gắng vay mượn để làm ăn. Chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy nên bị cáo sa chân vào con đường phạm tội…”.

Thở dài, vị chủ tọa phân tích: “… Không phải ai túng thiếu cũng làm liều, không phải ai khó khăn cũng lựa chọn làm việc sai trái. Con người không thể quyết định sinh mệnh dài ngắn của cuộc đời nhưng có thể lựa chọn con đường mình đi. Làm đúng hay làm sai đều phụ thuộc vào ý chí của bản thân mỗi người…”. C. cúi đầu, thinh lặng, hai quầng thâm sẫm dưới đôi mắt bị cáo càng thêm bợt bạt…

Theo hồ sơ vụ án, C. khai nhận, thấy có nhiều đối tượng lừa đảo bằng cách “nổ” làm chức này, chức nọ nên nảy sinh ý định bắt chước để có tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ. Qua mối quan hệ quen biết với chị H.T.T.M (SN 1980, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) và chị T.T.T.L (SN 1975, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), C. giới thiệu mình làm ở cơ quan Nhà nước, quen biết với nhiều người có khả năng xin được việc làm, làm sổ đỏ, hộ khẩu, vay tiền ngân hàng, xuất khẩu lao động…

Thông qua chị M., C. nhận 18 bộ hồ sơ xin việc cùng hơn 440 triệu đồng. Ngoài ra, tin tưởng C., chị M. còn đưa 130 triệu đồng cho C. làm dịch vụ visa, hộ khẩu… Chị L. cũng nhận tiền và hồ sơ của nhiều người rồi đưa cho C. gần 110 triệu đồng để “chạy” việc.

Khi các nạn nhân gọi điện thúc giục, C. hẹn lần hẹn lữa. Cuối cùng, C. xài hết tiền, không có khả năng trả lại nên bị hại làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Tổng cộng C. đã chiếm đoạt hơn 679 triệu đồng.

Hối lỗi muộn màng

Có mặt ở phiên xử, chị M., bị hại trong vụ án, nức nở: “Em ruột của chị C. là bạn thân từ hồi học chung cấp 2 với tôi. Trong lúc đi bán trái cây ở chợ Hàn, tôi có gặp chị C. vài lần. Nhiều lần chuyện trò qua lại, chị C. xin số điện thoại của tôi…”

Trong những lần tâm sự cùng chị M., bị cáo biết bị hại đang lâm vào cảnh túng thiếu khi cha mẹ vừa mất, vừa phải nuôi con nhỏ, vừa đang mang thai đứa con thứ hai được mấy tháng.

Từ đó, C. nhiều lần gọi điện cho chị M., thủ thỉ: “Em đi bán cực khổ cũng thiếu trước hụt sau. Chi bằng em giúp chị hỏi xem ai có nhu cầu xin việc, làm sổ đỏ, hộ khẩu, vay tiền ngân hàng, xuất khẩu lao động… thì giới thiệu cho chị. Chị sẽ trích hoa hồng lại cho em, để em có tiền mua sữa cho con…”.

Chị M. rưng rưng: “Gia đình tôi có nhiều người là cán bộ Nhà nước nên nếu không chắc chắn, không tin tưởng, tôi sẽ không dám nhận vì sợ ảnh hưởng danh dự gia đình. Tôi làm vì tình chứ không phải vì tiền, vì những người gửi gắm đều là bà con thân thương với gia đình tôi…”. Ngay khi sự việc vỡ lỡ, chị M. phải bán tài sản cha mẹ để lại để khắc phục hậu quả cho mọi người.

Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo có biết vì sai trái của bị cáo mà chị M. phải bán hết tài sản cha mẹ để lại để đền bù cho người ta? Bị cáo có biết vì mù quáng của bị cáo mà em gái bị cáo phải cầm cố tài sản để trả nợ thay chị? Bị cáo có biết những người tin tưởng vào bị cáo đều có hoàn cảnh khó khăn, phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền rồi còng lưng trả lãi?...”.

Không gian phòng xử thoáng thinh lặng đến ngột ngạt rồi vỡ òa tiếng khóc nức nở của bị cáo.

Tòa tuyên án 7 năm tù. Ngoài cổng tòa án, người người nhộn nhịp du xuân. Phía bên trong, bị cáo thất thểu theo chân lực lượng hỗ trợ tư pháp ra xe về trại giam.

Chỉ vì phút yếu lòng, không tỉnh táo trước cám dỗ của đồng tiền, bị cáo đã tự đánh mất tương lai của bản thân, tước đi niềm hạnh phúc của người thân và phá vỡ nếp nhà bình yên của nhiều gia đình…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.