ĐNĐT - Như thường lệ, trước đêm Giao thừa, các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, chợ hoa sẽ tập trung lưu lượng người và phương tiện rất lớn.
CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông |
Càng về gần giao thừa, lưu lượng người đổ về các điểm bắn pháo hoa để thưởng ngoạn tăng đột biến. Đây là áp lực rất lớn về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt dễ xảy ra tình trạng va chạm giao thông, kẹt xe cục bộ tại các ngã ba, ngã tư.
Bên cạnh đó, sáng mồng một Tết, người dân thành phố sẽ đi tảo mộ, các tuyến đường lên nghĩa trang Gò Cà, Hòa Sơn phải gánh số lượng phương tiện lưu thông lớn.
Vậy lực lượng CSGT Đà Nẵng sẽ có các biện pháp gì để đảm bảo người dân vui Xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh, phóng viên Đà Nẵng điện tử đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.
- Thượng tá cho biết, CSGT sẽ huy động lực lượng như thế nào để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đêm giao thừa và sáng mồng một Tết Bính Thân?
Thượng tá Lê Văn Lực |
Thượng tá Lê Văn Lực: Nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng ùn tắc, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố mà trực tiếp là Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, Phòng CSGT đã có kế hoạch triển khai nhiệm vụ đến từng đội, trạm, cán bộ chiến sĩ.
Cụ thể, trong đêm Giao thừa, đơn vị sẽ huy động gần 100% quân số, cùng với các phương tiện, kỹ thuật, phối hợp với các lực lượng như cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, cảnh sát trật tự tại các địa phương. Tất cả hướng đến mục tiêu điều hòa giao thông, tập trung phân luồng một cách hợp lý tại những tuyến đường hướng về các địa điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa.
Tại các điểm bắn pháo hoa, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các lực lượng không để xảy ra chen lấn, mất an toàn. Bên cạnh đó, bố trí lực lượng phù hợp tại các chốt đèn giao thông, các ngã ba, ngã tư trọng điểm, các cầu sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý để phần luồng, điều tiết giao thông, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ cũng như ùn tắc kéo dài.
Sau Giao Thừa, lực lượng sẽ tiến hành làm nhiệm vụ tại các tuyến đường lớn để chống đua xe. Riêng sáng mồng một Tết, lực lượng các đội cùng với các Trạm CSGT cửa ô như Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Phước, phối hợp với công an các quận, huyện điều hòa, hướng dẫn và sắp xếp phương tiện, giúp người dân tảo mộ đầu năm an toàn và may mắn…
- Dịp Tết, tình trạng vi phạm giao thông sẽ diễn biến phức tạp. Vậy, lực lượng CSGT có biện pháp gì để ngăn chặn?
Thượng tá Lê Văn Lực: Đây là một vấn đề mà năm nào lực lượng CSGT cũng lưu tâm. Bởi dịp Tết là thời điểm vi phạm giao thông nhiều. Đặc biệt, đây cũng là dịp mà hội hè, đình đám, nhậu nhẹt nhiều khiến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu thường xuyên diễn ra.
Xác định đây là những nguyên nhân chính thường gây ra tai nạn giao thông, vì vậy ngoài nhiệm vụ điều hòa giao thông, Phòng CSGT sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.
Chúng tôi luôn nhắc nhở anh em làm việc hết tinh thần của mình, nhằm giữ gìn hình ảnh đẹp người CSGT của một thành phố đáng sống.
Trước mắt, chúng tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân, sau đó mới tập trung xử lý các hành vi cố tình vi phạm như: nồng độ cồn; chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi không đúng phần đường làn đường, điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, đặc biệt là hành vi lạng lách đánh võng, đua xe.
Như mọi năm, cứ đến đêm Giao Thừa, anh em làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát hết sức vất vả. Hàng chục phương tiện vi phạm đưa về trụ sở để lập biên bản. Dù là Tết, nhưng anh em rất kiên quyết để xử lý nhằm răn đe, giáo dục. Khi anh em hoàn thành nhiệm vụ thì thời gian cũng đã đến 2-3 giờ sáng.
- Để đảm bảo một cái Tết lành, Thượng tá có lời khuyên gì đối với người dân?
Thượng tá Lê Văn Lực: Tết là dịp gia đình sum họp sau một năm xa cách, cũng là dịp anh, em bạn bè gặp nhau. Những lý rượu, ly bia chúc tụng là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, cần phải chừng mực, tỉnh táo. Đặc biệt, khi đã uống rượu bia, không nên lái xe, tránh gây nguy hiểm cho mình cũng như người khác.
Ngoài ra, đối với những người điều khiển phương tiện giao thông trên đường, cần phải tuân thủ tốc độ quy định, đi đúng phần đường, làn đường, không được vượt đèn đỏ và phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng.
Đối với các khu vực nông thôn – địa bàn hay xảy ra tai nạn giao thông do tâm lý chủ quan, công an cơ sở, chính quyền địa phương phải tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành về pháp luật giao thông.
Chỉ khi nào người dân tự ý thức bản thân, khi đó sẽ có một cái Tết an toàn, đầm ấm, khi đó, lực lượng CSGT chúng tôi mới cảm thấy mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và có một cái Tết đúng nghĩa.
Cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này!
NGỌC PHÚ thực hiện