.
Ký sự Pháp đình

Nước mắt của sự bất lực

.

Những đứa trẻ lớn lên, thoát khỏi vòng tay của mẹ cha, trượt dài trong sai trái để rồi vướng vòng lao lý. Trong cuộc đua đưa trẻ thơ quay về nẻo thiện, không ít bậc phụ huynh đã rơi nước mắt bất lực…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Một ngày cuối tháng 2, TAND thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích do H.Đ.S (SN 1998, ngụ phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) cầm đầu. Phòng xử lớn đang diễn ra một phiên tòa kéo dài từ hôm trước nên vụ án của S. được dời sang phòng xử nhỏ hơn.

Phòng xử chật kín người. Phía trên, sau vành móng ngựa, phải kê thêm ghế mới đủ chỗ cho các bị cáo. Phía dưới, nơi hàng ghế dự khán, những thanh niên với mái tóc được cắt đủ kiểu độc đáo cùng màu nhuộm rực rỡ tranh nhau nơi ngồi. Phía trên quay xuống phía dưới ra dấu với những biểu cảm bất cần đời. Phía dưới xôn xao, nhốn nháo cười đùa với nhau.

Có cảm giác bức tranh pháp đình thoáng chốc mất vẻ trang nghiêm thường thấy. Có cảm giác những người đứng sau vành móng ngựa chưa từng bận tâm về ngã rẽ tương lai đầy trắc trở của chính mình và những bạn trẻ dự khán phiên xử hôm ấy cũng không hình dung được tính chất quan trọng của luật pháp.

2. Vụ án xuất phát từ một mâu thuẫn tưởng chừng như không thể giản đơn hơn. Trong một lần ngồi uống cà-phê, nhóm của S. đùa giỡn, lấy bật lửa của N.T.T (SN 1998). Nhóm của S. sau đó trả lại bật lửa nhưng T. bực bội, không nhận và buông lời hăm dọa. Nói là làm, T. lên mạng xã hội Facebook, rủ thêm đồng bọn, mang theo hung khí tìm đánh người trong nhóm của S. bị thương, phải nhập viện.

Nhóm của S. ấm ức, mặc dù mang thương tích, đang điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn lên Facebook thách đố, khiêu khích, hẹn đánh nhau với nhóm của T. “Trận đấu” có sự tham gia của hơn 30 “anh hùng rơm” chỉ mới 16, 17 tuổi cùng những hung khí vô cùng nguy hiểm, gồm dao, tuýp sắt, “bom xăng”… Hậu quả, người thương tật, kẻ phải ra đứng trước vành móng ngựa.

3. Trái ngược với sắc màu sinh động của những - đứa - trẻ - chưa - kịp - lớn là màu sắc xám xịt, tái mét của những ông bố, bà mẹ. Trái ngược với nụ cười vô tư của con trẻ là nước mắt âu lo của người lớn.

Tất cả bị cáo trong vụ án này đều ở tuổi vị thành niên khi phạm tội nên đều có người đại diện hợp pháp. Cha mẹ các bị cáo khác có mặt đầy đủ, riêng người giám hộ của S., bị cáo đầu vụ, là ông nội của S. Một mình ông cùng lúc đại diện cho cả S. và người em song sinh của S., H.Đ.T, cũng là bị cáo trong vụ án này.

Khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) mời lên, ông nội S. run run: “Mẹ nó sinh đứa út chẳng may bị khuyết tật nên buồn rầu, bỏ lại 4 anh em nó cho tôi với cha nó nuôi. Khi cha nó hay tin 2 anh em bị bắt thì đổ bệnh, nằm liệt giường luôn từ đó đến giờ…”. Rồi, ông nghẹn ngào biện minh cho cháu: “Cháu tôi hồi nào giờ rất ngoan, chưa từng làm sai chuyện gì, vì đi chơi cùng bạn bè, bị bạn bè khích tướng nên mới dẫn đến xử sự sai lầm. Mong HĐXX giảm nhẹ cho cháu, cháu còn nhỏ…”.

Đến tận bây giờ, người ông vẫn chưa tin rằng các bị cáo - những đứa cháu mới lớn ấy - đã vuột khỏi vòng tay gia đình từ bao giờ ông không biết…

4. Giữa chừng phiên xử, người phụ nữ vừa dáo dác tìm chỗ trống nơi hàng ghế dự khán, vừa thấp thỏm nhìn về phía vành móng ngựa. Người phụ nữ gầy rạc, quầng mắt thâm sẫm chất chứa buồn lo. Chừng như quá mệt mỏi, bà quay sang tôi trút bầu tâm sự: “Nhà có hai đứa con trai, sinh năm một, mà mỗi đứa mỗi tính. Thằng anh thì quậy thấu trời, đứa em thì ngoan ngoãn. Giá mà thằng anh cũng như đứa em thì tôi nhờ biết mấy…”. Bà là mẹ của bị cáo Đ.D.C (bạn của S., SN 1996, ngụ phường Bình Thuận, quận Hải Châu),

“Tôi phụ bán quán ăn cho em gái, đi từ tờ mờ sáng. Cha làm thợ nề, cũng biền biệt cả ngày. Vì rứa mà vợ chồng tôi không có thời gian theo dõi con sát sao…”, bà nghẹn ngào. Bà kể, từ khi phát hiện C. có dấu hiệu hư hỏng, bà đã dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm lo cho con.

Chân sấp chân ngửa theo con trên hành trình tìm về nẻo thiện, bà chẳng biết mình đã trải qua bao nhiêu đêm khóc ròng. Bà đưa tay quệt vội dòng nước mắt: “Lẽ ra tôi phải có mặt ở chỗ làm từ lúc 4 giờ, nhưng tôi đồng ý nhận lương ít hơn để chở con đến trường rồi mới quay về chỗ làm. Cứ nghĩ tôi làm đủ mọi cách là con thương cha mẹ mà chí thú học hành. Rứa mà mình vừa quay lưng là thằng con tót ra quán game cùng với bạn…”.

Ban đầu, trên những chuyến xe đón đưa con đi học, người mẹ thường thủ thỉ, khuyên dạy thiệt hơn. Thấy con im lặng ngồi nghe, bà mừng rơn, tưởng con đã hiểu cho tấm lòng của mẹ. Ai ngờ, như “nước đổ lá môn”, C. nghỉ học, tụ tập bạn bè, lêu lổng sớm tối. Tất cả biện pháp từ khuyên bảo, khóc lóc đến đòn roi… đều rơi vào khoảng không.

Giọng bà đau đớn đến cùng cực: “Cứ đến tối là C. trốn đi, dặn đứa em là phải giữ bí mật, nếu không C. đánh. Đứa em sợ anh, không dám hó hé với cha mẹ. Bữa mà tụi nhỏ đánh nhau cũng là C. lén bỏ nhà đi, tôi không hay biết…”. Nói đến đây, bà úp mặt vào tay, khóc nấc: “Tôi bất lực, hết cách với con rồi. Con đi tù biết đâu lại nhận ra lỗi lầm, sai trái của mình mà làm lại cuộc đời…”. Phía trên kia, đứa trẻ vẫn vô tư cười với bạn, không hay nước mắt của mẹ đang lặng lẽ rơi…

Tòa tuyên án, những đứa trẻ vẫn mải mê đâu đó trong dòng suy nghĩ thơ dại, chỉ có những người làm cha, làm mẹ bước thấp bước cao bám theo con. Trưa đứng nắng, vọng lại đâu đó câu hỏi thổn thức: “Con ơi là con, cha mẹ biết phải làm răng bây chừ hả con…?!”

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.