Những người chúng tôi gặp đều có hoàn cảnh, lầm lỗi khác nhau khi vướng vào chốn lao tù. Song, họ đều biết ăn năn, hối cải và chấp hành án phạt tốt để sớm được đoàn tụ với gia đình. Sau một thời gian gặp lại, họ trở thành những công dân tốt và đang ngày ngày nỗ lực làm giàu chính đáng.
Anh Lê Tấn Minh (phải) là một trong những tấm gương điển hình sau hoàn lương trên địa bàn quận Liên Chiểu. |
Tiếp chúng tôi tại cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm đồ gỗ nội thất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), anh Lê Tấn Minh cho biết, ngay sau khi trở về với đời thường, anh lao vào làm ăn.
Năm 2012, trong một lần nhậu với bạn bè, do “rượu vào lời ra” cùng với bản tính nóng nảy, anh đã có hành vi “cố ý gây thương tích”, chịu hình phạt 4 năm tù giam. Khi nhận ra lỗi lầm, anh hối hận và quyết tâm cải tạo. Sau 33 tháng, anh được đặc xá.
“Suốt 1.080 ngày thụ án, tôi đã suy nghĩ nhiều. May mắn là khi về địa phương, được gia đình, bà con và chính quyền, đoàn thể từ phường đến quận quan tâm, động viên nên không có cớ gì mình không thể vượt qua mặc cảm”, anh Minh bộc bạch.
Được chị ruột hỗ trợ, cùng với nguồn vốn vay từ người thân, ngân hàng, cộng với tay nghề mộc vốn có tên tuổi trước đó, anh đã đầu tư hàng tỷ đồng mở cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm nội thất bằng gỗ. Khi được hỏi về các loại gỗ, anh say sưa phân tích và giới thiệu với chúng tôi từng loại gỗ, cách chọn lựa, giá cả...
Anh bảo, mình vốn biết nghề mộc từ nhỏ nên nắm rõ tính chất, thành phần, độ bền, đẹp... của từng loại gỗ. Với khách hàng có nhu cầu, anh trực tiếp tư vấn và giới thiệu cho khách. Nhiều khách khó tính yêu cầu, anh cũng trực tiếp đến tận nhà để lắp ráp hoàn chỉnh.
“Nói thật, giờ mỗi lần thấy nhậu nhẹt, ồn ào là mình “ớn”. Lỡ có chút hơi men vào lại xảy ra chuyện. Từng đó thời gian cải tạo đã làm mình thấy ân hận lắm rồi”, người đàn ông 41 tuổi bộc bạch.
Còn chị Phạm Thị Hiền (40 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cải tạo tại Trại tạm giam Hòa Sơn và được đặc xá vào dịp Quốc khánh 2-9-2015. Vừa luôn tay dọn dẹp đống phế liệu trước cửa, chị vừa chia sẻ: “Từ bữa về nhà đến nay, lúc nào cũng ngập trong công việc. Nói thật là tôi hết mặc cảm rồi. Với lại cũng do mình ít hiểu biết nên mới “dính” chứ giờ thì...”.
Là chủ một cơ sở buôn bán phế liệu lớn trên địa bàn quận Liên Chiểu, năm 2012, khi nhóm đối tượng (có người nước ngoài) đến bán 500kg đồng sợi với giá rẻ, chị Hiền không ngần ngại mua luôn mà không biết đó là tài sản do nhóm kia trộm cắp rồi đem bán. Mức án 4 năm tù giam về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” khiến chị suy sụp hoàn toàn.
Được Ban giám thị, các cán bộ, quản giáo quan tâm, động viên và bản thân nỗ lực cải tạo tốt nên sau 28 tháng chấp hành án, chị Hiền được đoàn tụ với gia đình.
Ra tù, chị tiếp tục công việc cũ, nhưng ban đầu gặp nhiều khó khăn do mất các mối bạn hàng lớn. Vừa qua, chị được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp cho vay vốn 30 triệu đồng, không trả lãi trong 3 năm, việc buôn bán bắt đầu thuận lợi hơn và dần tìm lại mối hàng.
Chị chia sẻ, một lần vấp ngã là một lần thực sự nhớ đời nên chị luôn dặn lòng phải cảnh giác với tất cả những món hàng mình nghi ngờ. Bình quân mỗi tháng chị thu 4-5 triệu đồng tiền lời. Ngoài ra, gia đình chị còn có dãy phòng trọ cho thuê nên đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình và nuôi 3 con ăn học.
Anh Minh, chị Hiền chỉ là hai trong số hơn 25 trường hợp phạm nhân trong diện cải tạo tốt, được đặc xá trước thời hạn, trở về hòa nhập với cuộc sống. Còn nhiều người hoàn lương khác trên địa bàn Liên Chiểu cũng đang từng ngày vươn lên. Dù vẫn còn chút mặc cảm và e ngại khi tiếp xúc với chúng tôi, nhưng họ luôn tâm niệm đi theo con đường sáng để trở thành những công dân tốt.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Trong cuộc đời ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng quan trọng là họ biết nhận ra để sửa chữa sai lầm đó. Với trường hợp 25 người vừa trở về từ vòng lao lý đang cư trú trên địa bàn quận, chúng tôi đã gặp gỡ và thấy rằng tất cả đều nỗ lực, vượt qua mặc cảm, hoàn cảnh khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Đó là điều rất đáng trân trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng đối với nhiều người lầm lỗi sau khi ra tù trở về địa phương để họ có ý chí, động lực trở về cộng đồng, thành người có ích cho xã hội”. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH