.
Ký sự Pháp đình

Nước mắt của mẹ

.

Ở nhiều phiên xử, tôi bắt gặp hình ảnh những người mẹ khóc cạn nước mắt, suy sụp vì hành vi phạm tội của con. Có lẽ, họ chính là người đau khổ nhất tại phiên tòa. Nỗi đau không dừng lại ở phòng xử án mà kéo dài dai dẳng khiến nhiều bà mẹ không dám ngẩng mặt nhìn chòm xóm…

Mẹ của bị cáo V.P.L (SN 1985, ngụ quận Cẩm Lệ) là một trong những người mẹ đau khổ ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bất lực với con

Vừa qua tuổi trăng rằm không lâu thì bà T.M nên duyên vợ chồng với một người đàn ông hơn mình 10 tuổi. Hạnh phúc càng tròn đầy khi mái ấm nhỏ chào đón tiếng cười trong veo của cậu con trai đầu lòng. Những tưởng, niềm vui sẽ mãi lưu dấu trong căn nhà của đôi vợ chồng trẻ. Nào ngờ, những mâu thuẫn nhỏ nhặt của cuộc sống hôn nhân khiến tình cảm vợ chồng dần dần rạn nứt rồi tan vỡ. Cố hàn gắn nhưng không được, cả hai quyết định đường ai nấy đi. Khi ấy, L. vẫn còn nhỏ xíu.

Gạt nỗi đau, giấu nước mắt vào lòng, một mình bà gánh vác gia đình, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa lo kinh tế, vừa nuôi nấng, dạy dỗ con thơ. Xuân sắc đang độ thắm, nhiều người ngỏ ý muốn chắp nối hạnh phúc nhưng bà đều khéo léo từ chối. Bao nhiêu tình thương, bà dành trọn cho con trai. Cứ thế, bà nuôi lớn con bằng đồng lương ba cọc ba đồng của người giáo viên và tấm lòng của một người mẹ. Cứ thế, tuổi thơ của L. dù thiếu vắng hơi ấm của cha nhưng chưa từng thua kém bạn bè.

L. khôn lớn mỗi ngày, sức khỏe của bà cũng ngày càng yếu, không  đủ sức để quán xuyến, bảo bọc con trẻ như ngày xưa. L. như “con ngựa bất kham”, vuột khỏi vòng tay yêu thương của mẹ, rày đây mai đó với những cuộc vui cùng bạn bè. Giữa chừng vui, L. bất ngờ lấy vợ. Người thân thở phào nhẹ nhõm, hy vọng mái ấm gia đình sẽ níu chân L., tin tưởng L. sẽ sớm trở thành người đàn ông có trách nhiệm. Nào ngờ, đứa con đầu lòng chào đời không bao lâu thì L. quen đường cũ, bỏ nhà đi, sống vất vưởng. Không biết bao nhiêu đêm trằn trọc, mất ngủ, nước mắt bất lực của bà cứ chảy tràn.

Không lao động nhưng muốn có tiền tiêu xài, L. vay mượn nợ khắp nơi. Đến khi bị chủ nợ ráo riết đòi, L. đâm liều, nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Nghĩ là làm, L. đến một cửa hàng thiết bị điện tử, dùng chứng minh nhân dân (CMND) và sổ hộ khẩu để mua điện thoại trả góp. Sau khi mua được hàng, L. không sử dụng mà đem bán lấy tiền trả nợ và không trả tiền vay.

Tình cờ, L. lên mạng Internet và đọc được thông tin có người nhận làm giấy tờ giả theo yêu cầu. Từ kinh nghiệm lần trước, L. nhận thấy thủ tục vay trả góp đơn giản nên tiếp tục sa chân vào con đường sai trái. L. đặt làm CMND và Giấy phép lái xe giả, sử dụng giấy tờ này làm thủ tục vay tiền trả góp hàng tại nhiều cửa hàng bán điện thoại, điện máy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong khoảng thời gian từ tháng 9-2014 đến tháng 6-2015, L. thực hiện 8 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 58 triệu đồng.

Con dại cái mang

Kể từ ngày con trai bị bắt, cuộc sống của bà cũng theo đó bị đảo lộn. Từ một người giáo viên năng nổ, tận tụy, có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục, nhiều năm là chiến sĩ thi đua, bà trở nên mặc cảm vì phải chịu nhiều điều tiếng, lời xì xầm.

Hôm tòa xử, bà ngồi co ro giữa những người thân, gương mặt tái xám, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng. Bàn tay bà, theo từng lời khai của con, không ngừng vày vò vạt áo đến nhàu nhĩ. Thảng hoặc, bà nấc từng tiếng nghẹn ngào.

Giọng vị kiểm sát viên vang lên: “Mẹ bị cáo là giáo viên, phải chắt bóp từng đồng mới có thể chăm lo cho bị cáo. Bị cáo có thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ khi phải một mình nuôi con không? Bị cáo có thấu hiểu tình thương mẹ dành cho mình không? Bị cáo có bao giờ nghĩ đến mẹ mình chưa?...”. Bị cáo im lặng, cúi đầu thật sâu. Hồi lâu, mới nghe tiếng bị cáo lí nhí: “Bị cáo sai rồi, bị cáo có lỗi với mẹ…”. Nơi hàng ghế dự khán, người mẹ lại rấm rứt khóc. Bị cáo cũng vội vã đưa tay chùi nước mắt.

Tòa kết án L. 30 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người mẹ ngồi chết lặng. Đến khi thấy con được dẫn giải ra về, bà mới lật đật bật dậy, bước thấp bước cao đuổi với theo, giúi vào bàn tay bị còng của con bao thuốc lá. Lỡ nhịp, bao thuốc lá rơi xuống đất. Người công an thấy gương mặt thất thần của bà, nhặt lên giùm, nói khẽ: “Cô cất đi ạ, không đưa cho bị cáo được đâu…”. Bị cáo ngoái về sau, mấp máy lời xin lỗi không rõ chữ…

Chiếc xe tù từ từ lăn bánh, để lại phía sau bóng dáng người mẹ liêu xiêu trong gió, lững thững đuổi theo con. Chiếc xe chở người đi mất hút, đôi tay bà chới với trong không trung…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.