.
Ký sự Pháp đình

Giá như không có hơi men...

.

Chỉ vì hơi men và giây phút thiếu kiềm chế, những người từng là bạn thuyền, từng ăn, từng ngủ, từng chia sẻ vị mặn chát của biển lao vào đánh nhau. Hậu quả, người nằm lại với đất mẹ, người vướng vòng lao lý, hai mái ấm bỗng dưng thiếu trụ cột gia đình…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hối hận muộn màng

Phòng xử án hôm ấy chỉ có dăm ba người đến dự khán phiên tòa sơ thẩm xét xử T.T.L (27 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định), ra tòa về hành vi “Giết người”. Sau vành móng ngựa, gương mặt bị cáo ngập tràn nỗi day dứt, đôi mắt nhuốm màu u uất tột cùng. Nơi hàng ghế dự khán, ông H.T.V., thuyền trưởng cũng là ông chủ của bị cáo, thở dài đau đáu: “L. trầm tính, hiền lành, ít nói. Ai ngờ, chỉ vì nông nổi, nóng giận nhất thời mà L. không kiểm soát được hành vi, phải vướng vòng lao lý…”. Bạn thuyền của L. có mặt hôm ấy đều cùng chung nhận xét như thế.

Cúi gằm mặt, L. lí nhí kể, bị cáo và bị hại - anh N.V.K (45 tuổi), là người cùng quê, nhà này cách nhà kia chừng 3km. Đồng cảnh nghèo khó, chung nỗi nhớ quê nên cả hai thường xuyên tâm sự với nhau khi cùng làm thuê cho ông V. Tình quê hương, nghĩa đồng nghiệp xích những con người lênh đênh trên biển ngày một gần hơn.

Trước đây, thuyền của ông V. chủ yếu đánh bắt xa bờ và thường cập bến ở địa phận thành phố Quy Nhơn. Vào giữa năm 2015, thời tiết mưa bão liên miên, ông V. cho thuyền đánh bắt khu vực gần bờ, vài ngày cập bến một lần. Sau đó, thuyền dịch chuyển đánh bắt tại khu vực biển thành phố Đà Nẵng.

Ngày 19-11-2015, thuyền cập cảng cá Thọ Quang lần thứ hai. Chuyến ấy, tay lưới nặng trĩu, khoang chứa đầy 3 tấn cá ngừ và cá thu. L. cùng bạn thuyền bán được khoảng 1 tấn cá và quyết định ngủ lại để hôm sau tiêu thụ tiếp. Theo thói quen dân biển, L. cùng 10 bạn nghề chén tạc chén thù trên thuyền. Thương anh em vất vả, chuyến ra khơi được mùa nên ông V. tặng thêm một thùng bia và một con gà cho buổi liên hoan.

Tiệc tàn, L. mắc võng ngủ. Lúc này, anh K. nằm trên sàn, gác chân lên võng nên L. nhỏ nhẹ: “Chú dịch chân cho cháu lấy võng”. Hơi men sương sương khiến K. hơi khó chịu, lớn tiếng với L. Bị cáo im lặng, không đáp trả thì anh K. cho rằng L. khinh mình nên càng hăng máu chửi mắng và đòi đánh. Vẫn giữ nguyên thái độ hòa nhã, L. khuyên: “Chú lớn rồi, đánh lộn làm gì nữa”.

Nhưng men rượu thấm đẫm tâm trí, anh K. không làm chủ được mình, xông vào đánh L. Theo quán tính, L. tự vệ, đạp anh K. ra. Tức giận, anh K. chụp nắp nồi ném rồi giật con dao cạnh đó định đâm. Hoảng hốt, L. chụp dao, giằng co. Kết quả, anh K. tử vong.

Ghìm nén cơn xúc động, bờ vai L. run run theo từng nhịp nấc nghẹn ngào. Lời khai của bị cáo tiếng được tiếng mất: “Lúc ấy, bị cáo biết chú K. hay nóng tính nên cố gắng nhỏ nhẹ hết sức để tránh xảy ra mâu thuẫn. Thế nhưng, sự kìm nén của bị cáo không mang lại kết quả. Quả thật, bị cáo không có ý định đâm nạn nhân. Thấy máu trên người chú K. tuôn ào ạt, bị cáo sợ hãi, trốn về quê. Mấy hôm sau, bị cáo mới dám ra đầu thú…”.

Tấm lưng gầy nhom của bị cáo lại khòm thêm một quãng khi quay về phía gia đình bị hại. “Cháu biết, bây giờ cháu có nói gì đi nữa thì chú cũng không thể sống lại. Nhưng cháu vẫn muốn gửi lời xin lỗi đến cô và các em. Giá như hôm ấy không có men rượu. Giá như cháu có thể bình tĩnh mà xử lý khác đi. Giá như cháu giằng được con dao vứt đi…”, L. òa khóc nức nở.

Nước mắt người thân

Nghe con trai khai, cha của L. nhiều lần quệt vội dòng nước mắt. Tâm sự với người viết, giọng ông rầu rầu đến não nề. Ông kể, vợ chồng ông sinh hạ được 3 người con, bị cáo là anh đầu. L. là một đứa trẻ thông minh, học giỏi. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên L. phải buông bỏ con chữ sớm. Ước nguyện góp nhặt tri thức không trọn, L. quyết tâm phải lo lắng cho hai em ăn học đến nơi đến chốn. Từ đó, L. miệt mài đi biển cùng các chủ thuyền. Các em thương anh, ra sức học hành. Nỗi nhọc nhằn của L. được đền đáp bằng niềm vui thi đỗ đại học ở thành phố Hồ Chí Minh của hai em. Suốt những năm tháng ấy, L. luôn mỉm cười, chưa một lần thở dài hay than vãn.

Cũng vì thế, khi hung tin ập đến, người cha như không tin vào tai mình. Đến khi bình tâm lại, ông đến nhà bị hại để xin lỗi. Nhà không còn một đồng bạc, ông chạy vạy vay mượn khắp nơi, gửi gia đình anh K. 36 triệu đồng với hy vọng xoa dịu được phần nào nỗi đau do con trai gây ra.

Đau nỗi đau mất chồng nhưng vợ của bị hại vẫn giàu lòng bao dung, vị tha. Chị rưng rưng: “Gia đình khốn khó, sinh nhai của ba mẹ con phụ thuộc hết vào những chuyến biển của ảnh. Từ ngày ảnh qua đời, nghèo càng thêm túng. Vì thế, ban đầu, tôi ghét L. lắm. Nhưng rồi, tôi biết L. cũng chẳng bao giờ muốn thảm cảnh này xảy ra. Nỗi đau của gia đình tôi chưa vơi, nhưng tương lai của L. vẫn còn phía trước. Mong tòa xem xét giảm nhẹ cho L…”.

HĐXX nhận định, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã dùng dao tước đoạt mạng sống của bị hại nên cần xử nghiêm để răn đe. Tuy nhiên, cũng xem xét bị hại có một phần lỗi để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Từ đó, tòa kết án L. 8 năm tù về tội “Giết người”.

NAM BÌNH - DUY AN

;
.
.
.
.
.