.

Day dứt khôn nguôi

.

Trong các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” được TAND hai cấp thành phố đưa ra xét xử, không ít vụ bị cáo và bị hại có mối quan hệ thân tình. Ám ảnh, day dứt là tâm trạng chung của các bị cáo khi vô tình gây nên cái chết cho người thân, bạn bè...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Bị cáo trong phiên xử hôm ấy tại TAND quận Hải Châu được người nhà chở đến. Cái dáng thanh niên to cao như đối lập với nét bối rối, lo âu in hằn trên gương mặt bị cáo. Bàn tay to bè của bị cáo không ngừng vặn vẹo, xoắn chặt vào nhau. Bị cáo tên là Đ.V.D (SN 1986, ngụ quận Sơn Trà). Bị hại trong vụ án là bà Đ.T.Đ (SN 1955), mẹ ruột của bị cáo.

Nhà nghèo, D. không có điều kiện đến trường nên sớm lao mình làm bạn với biển cả. Cũng vì không biết chữ nên nhiều năm qua, D. sử dụng xe máy không có bằng lái. Một buổi tối định mệnh, D. vừa trở về sau chuyến đi biển, được bạn bè rủ rê uống vài lon bia. Đang ngồi chơi cùng bạn, D. thấy mẹ đi bộ ngang qua nên chạy lại hỏi thăm. Biết mẹ cần đi công việc, D. sốt sắng chào bạn bè, vội vàng lấy xe máy chở mẹ.
Khi đến gần trụ điện 161 thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), D. phát hiện phía trước cách xe mình 15m có một xe máy chạy cùng chiều đang xi-nhan chuyển hướng qua đường Nại Hiên Đông 9 với tốc độ khoảng 20-25km/giờ. Bóng tối chập choạng cùng cơn say ngà ngà khiến D. không giảm tốc độ, nhường đường lại cho xe chạy vượt qua. Kết quả, D. tông vào xe máy trên, gây tai nạn. Bà Đ. bị thương, được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng qua đời ngay sau đó.

Trong suốt phiên xử, D. cúi gằm mặt, không một lời biện minh, chỉ liên tục lí nhí nhận sai. Trong khi đó, bà ngoại và các chị của D. lần lượt xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm án cho D. “D. ở với mẹ và bà ngoại xưa giờ, một tay lo hết việc nhà. Hắn thương mẹ và ngoại lắm. Cũng vì thương nên hắn không chịu để mẹ đi bộ. Bây chừ mẹ mất rồi, hắn đi tù thì không ai chăm ngoại. Chị em tôi mong tòa xem xét cho hắn. Sau lần đó, hắn không dám đi xe máy nữa…”, một người chị của D. nói trong nước mắt.

2. Một lần lạc tay lái, tình yêu đẹp vỡ tan. Một lần lạc tay lái, người vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ, người đối diện với bản án pháp luật và sự day dứt của lương tâm. Đó là câu chuyện của đôi bạn trẻ P.X.S (SN 1992) và N.T.T.P (SN 1994). Cả hai yêu nhau, cũng là bị cáo và bị hại trong cùng một vụ án.

Một buổi tối, sau khi ăn uống cùng bạn bè tại một quán nhậu trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), S. chở P. về nhà theo hướng cầu Rồng với tốc độ 50-60km/giờ. Mặc dù mệt nhưng vì sĩ diện, S. không để P. cầm lái thay mình. Cũng vì thế, tai nạn xảy ra làm P. tử vong. Đến nay, S. vẫn chưa thôi tự trách mình. Rảnh rỗi, S. lại qua nhà người yêu, thấy việc gì thì phụ việc đó. Tối đến, S. ra mộ thắp hương cho P., cứ đứng thẫn thờ, không ngừng dằn vặt bản thân.

3. Một câu chuyện khác cũng đau lòng không kém. Bị cáo và bị hại trong vụ án, T.V.Q và N.V.L (cùng SN 1995), là bạn thân, đều là sinh viên. Trong thời gian nghỉ hè, Q. từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Đà Nẵng thăm bạn. Một buổi chiều, cả hai đang đi chơi thì L. bị chấn thương ở chân nên nhờ Q. chở giúp về nhà. Khi đến đoạn gần ngã ba giao nhau giữa đường Xuân Thiều 1 và đường Nguyễn Tất Thành (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), Q. phát hiện ô-tô chạy phía trước và đoán xe này chạy thẳng hướng Đà Nẵng nên Q. điều khiển xe qua làn đường số 3 để vượt bên trái ô-tô tải. Tuy nhiên, ô-tô bất ngờ quay đầu xe khi đã sang làn đường 3. Do khoảng cách giữa hai xe quá gần (khoảng 5m), Q. hoảng loạn, mất bình tĩnh, phanh giảm tốc độ và bẻ tay lái về phía dải phân cách cứng để tránh tông vào ô-tô tải thì bị ngã xuống đường. Q. và L. văng trượt dưới lòng đường, lọt vào gầm sau ô-tô. Hậu quả, L. bị bánh ô-tô cán qua gây tử vong tại chỗ. Q. cũng bị bánh ô-tô cán qua phần ngực, bộ phận sinh dục, khung chậu, chân trái bị gãy 1/3 giữa xương đùi, mang thương tích với tỷ lệ 53%. Đứng sau vành móng ngựa, Q. khóc nức nở cho biết: “Do trời mưa, bị cáo lo nhìn đường nên không thấy tín hiệu đèn của ô-tô…”.

4. Cả ba vụ án trên, các bị cáo đều không có bằng lái xe nhưng vẫn sử dụng xe máy để chở người thân, bạn bè lưu thông trên đường. Điều đáng tiếc xảy ra, các bị cáo phải bị xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật. Không chỉ vậy, nỗi ám ảnh bám riết các bị cáo dai dẳng. Những giọt nước mắt hối hận đã muộn màng…

Việc chấp hành đúng quy định về điều khiển giao thông đường bộ không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người ngồi sau tay lái, để mỗi ngày dắt xe rời nhà, chúng ta có thể trở về an yên bên tổ ấm.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.