Vì nhiều nguyên do, bất cứ ai trong chúng ta đều có lúc nảy sinh cơn giận. Nhưng không phải ai cũng có thể kìm nén hoặc xử lý cơn giận một cách bình tĩnh và thỏa đáng. Đáng tiếc, có những cơn giận đưa cuộc đời nhiều người rẽ lối vào cửa tử hoặc cửa tù…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Những phận người vướng vòng lao lý xuất phát từ những lý do cỏn con, tưởng chừng như không đâu vào đâu vừa được TAND hai cấp thành phố Đà Nẵng liên tục đưa ra xét xử trong thời gian qua.
Giận… giùm bạn
Sau khi nghe vị kiểm sát viên công bố cáo trạng, người dự khán mới vỡ lẽ hai bị cáo đứng trước vành móng ngựa hôm ấy tại TAND quận Thanh Khê không liên quan gì đến mâu thuẫn giữa những “nhân vật chính”. Họ chỉ là những người bạn, đi ngang qua cơn giận, góp tay vào thổi bùng ngọn lửa tức tối để rồi… phải tra tay vào còng.
Chuyện là, Đ. và H. cùng thuê phòng trọ tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Quá trình ở trọ, phòng Đ. thường tụ tập bạn bè, gây ồn ào vào đêm khuya nên H. hay sang nhắc nhở. Cũng từ đây, đôi bên nhiều lần xảy ra cự cãi, xô xát. Ngày 26-9-2015, H. đi chơi với bạn nhưng sợ về phòng trọ sẽ bị nhóm thanh niên cùng dãy trọ đánh nên gọi điện nhờ bạn đưa về giúp. Tuy nhiên, bạn bè bận, không có ai đưa về nên H. phải ngủ nhờ nhà một người chị vào tối hôm ấy.
Hôm sau, H. nhờ được Cao Văn Khoa (SN 1995, ngụ quận Thanh Khê) và Nguyễn Như Hiệp (SN 1995, ngụ quận Liên Chiểu) “hộ tống” về phòng trọ. Điều đáng nói, bạn chỉ nhờ dẫn về phòng trọ nhưng cả hai lại mang theo mã tấu. Khi H. thắc mắc thì Khoa và Hiệp trả lời “mang theo để phòng ngừa thôi chứ không phải đi đánh nhau”.
Về đến nơi, H. nói Khoa và Hiệp đứng ở ngoài, nếu H. vào không có gì thì cả hai đi về. Tuy nhiên, H. vừa bước vào dãy trọ thì bị Đ. xông đến “tung cước” mấy cái vào mặt nên hét lên cầu cứu. Thấy vậy, Khoa và Hiệp cùng lao vào, dùng mã tấu chém Đ.
Cái giá của cơn giận trong vụ án này là Đ. mang thương tích 16%, còn Khoa lãnh 30 tháng tù, H. lãnh 36 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cơn giận âm ỉ
Vụ việc thứ hai lại xuất phát từ mâu thuẫn về việc nợ nần tiền bạc, V.Đ.L (SN 1979) nhiều lần gọi đàn em đánh Trần Cảnh Thắng (SN 1977, ngụ quận Thanh Khê). Đêm 21-8-2014, L. cùng đàn em mang theo đao, kiếm tìm Thắng “nói chuyện” và dẫn đến xô xát. Trong lúc giao chiến, Thắng tức giận lấy dao từ cốp xe đâm L.
Tại phiên xử, Thắng giãi bày về hành vi nông nổi của mình như sau: “Không phải là bị cáo nợ tiền của L. mà là bị cáo trả nợ giùm người khác. Bị cáo có nói với L. nhiều lần rồi, là khả năng của bị cáo chỉ có thể trả cho L. mỗi tháng 3 triệu đồng thôi. Nhưng L. vẫn hết lần này đến lần khác kéo người đến nhà bị cáo gây chuyện, bị cáo năn nỉ hoài mà không được…”.
Cứ thế, cơn giận âm ỉ từ ngày này sang ngày khác rồi bùng nổ dữ dội. Cơn giận không chỉ đẩy 8 người vào vòng tù tội với mức án cao nhất là tù chung thân về tội “Giết người” dành cho Thắng mà còn tước đi sinh mạng của một người. Cơn giận cuốn nhiều phận đời là người thân của bị cáo và bị hại đi từ nỗi đau này đến nỗi đau khác.
Cơn giận nông nổi
Ung Văn Kim Thiên và anh U.V.S (SN 1976, ngụ quận Thanh Khê) là anh em con chú bác. Cả hai nảy sinh mâu thuẫn trong việc anh S. xây mộ cho con ngay trước mộ cha của Thiên. Bực tức, sáng ngày 27-10-2015, Thiên mang theo dao tìm gặp anh S. tại nơi anh họ đang làm phụ hồ để nói chuyện. Tuy nhiên, anh S. không trả lời mà nói: “Mi con nít, tao không nói chuyện với mi”. Nghe vậy, ngọn lửa giận bùng cháy, Thiên rút dao chém một nhát vào hông của bị hại rồi bỏ về nhà.
Cơn giận nông nổi làm bị hại mang thương tích 14%, khiến bị cáo lãnh án 18 tháng tù về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Cơn giận nông nổi còn đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khiến những giọt máu đào không nhìn mặt nhau. Nhiều người dự khán hôm ấy không kìm được tiếng thở dài tiếc nuối cho sự vụn vỡ tình thâm.
Giá đắt
Danh sách những vụ án nảy sinh từ cơn giận vẫn còn dài. Chỉ vì chê ly nước mía đắt, một thanh niên bỏ mạng ở tuổi 19, 3 người nhận án hơn 50 năm tù. Giận người đầu ấp tay gối ngoại tình, người chồng trong cơn cuồng ghen đã đoạt mạng vợ và người tình của vợ. Giận mẹ chung sống như vợ chồng với người tình, đứa con đâm chết dượng… Và chắc chắn, những vụ án như thế sẽ còn nối tiếp nếu mọi người không thể kìm nén và điều phối cảm xúc của bản thân.
Tiến sĩ Les Carter từng viết trong “Cái bẫy của cơn giận”: “Người hay tức giận là người dễ bị tổn thương, lại dễ làm hỏng việc. Cơn giận trở thành cái bẫy giữ chặt, giam hãm họ vào bên trong khổ sở, đau đớn, oán thù…”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều này. Để rồi, cái giá phải trả cho cơn giận là quá đắt…
NAM BÌNH