Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhiều chính sách mới đối với thân nhân người nhập ngũ, quy định chức năng thanh tra chuyên ngành bảo hiểm... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 6.
Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân, công an nhân dân
Từ ngày 26-6, nghị định mới của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về mức lương hưu hằng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, có hiệu lực.
Theo đó, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng từ năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%
Quy định chức năng thanh tra chuyên ngành bảo hiểm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội; có hiệu lực từ ngày 1-6-2016.
Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiêu chuẩn, chế độ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh. Nội dung thanh tra gồm đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng BHXH.
Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với mô-tô, xe máy
Từ ngày 5-6, Chính phủ chính thức bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy, mô-tô. Theo đó, phí sử dụng đường bộ sẽ chỉ còn được thu hằng năm trên các đầu phương tiện: ô-tô, máy kéo; rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô-tô, máy kéo và các loại xe tương tự.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với ô-tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.
Phạt đến 100 triệu đồng đối với việc sử dụng thuốc cấm
Từ ngày 25-6, Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực thi hành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức 100 triệu đồng.
Hành vi sử dụng thuốc cấm đối với cây trồng sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (mức phạt cũ chỉ 1-3 triệu đồng). Sử dụng thuốc thực vật không đúng hướng dẫn sử dụng, không gom sau khi sử dụng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Phạt tiền 20-50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tùy theo khối lượng thuốc vi phạm; ngoài ra còn áp dụng hình phạt bổ sung đình hoạt động sản xuất, tịch thu tiêu hủy…
Quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội
Từ ngày 16-6, Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức theo thứ tự ưu tiên như sau: mua trái phiếu Chính phủ; cho ngân sách Nhà nước vay; gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành và đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng.
Nhiều chính sách mới đối với thân nhân người nhập ngũ
Theo Nghị định 27/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-6-2016), đối tượng thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có nhiều chính sách mới so với quy định cũ, cụ thể như sau:
- Được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần nếu gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế (không quá 2 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ).
- Khi ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần (không quá 2 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ).
- Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
H.A tổng hợp