ĐNĐT - Sau hai ngày xét xử, chiều 29-6, TAND huyện Hòa Vang quyết định hoãn phiên sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong đường dây hối lộ để khai thác gỗ tại Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa), trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng với khối lượng gỗ quý bị khai thác trái phép lớn nhất tại Đà Nẵng.
Các bị cáo tại phiên tòa vụ án phá rừng lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay. Ảnh: NAM BÌNH |
Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy cần xem xét thêm chứng cứ quan trọng của vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa; đồng thời, có căn cứ cho rằng trong vụ án còn có tội phạm khác. Do đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND thành phố để điều tra bổ sung một số vấn đề. Cụ thể, tổng số tiền nhận hối lộ chỉ được thể hiện dựa trên lời khai của bị cáo Hai – nguyên Trạm phó Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông, còn các bị cáo khác không nhớ số tiền cụ thể nên cần cho các bị cáo trong nhóm hành vi “Nhận hối lộ” đối chất để xác định tổng số tiền mà các bị cáo đã nhận của Vũ Văn Tam là bao nhiêu.
Đồng thời, cần làm rõ hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng của Đặng Công Chung (em của Đặng Thị Lợi - người chung sống như vợ chồng với bị cáo Tam) cũng như vai trò của Chung trong vụ án. Theo HĐXX, có bị cáo khai Chung là người đi cùng xe tải vào rừng để kiểm tra và đếm số lượng gỗ bốc lên xe, là người báo cho mọi người bỏ trốn khi có kiểm lâm đi kiểm tra, tham gia lấy tiền thanh toán mua bán gỗ, chuyển tiền công. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Chung không thừa nhận; tại phiên tòa, Chung vắng mặt. Vì vậy, cần cho Chung và các bị cáo khác đối chất để làm rõ.
Ngoài ra, HĐXX nhận định, cần làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Quang Lộc, nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông khi để Tam khai thác gỗ trái phép. Đồng thời, có lời khai, trong thời gian ông Lộc làm Trạm trưởng, Tam đã đưa tiền cho ông Lộc nên cần lấy lời khai của các nhân viên công tác tại Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông tại thời điểm này.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng xác định, cần làm rõ một số vấn đề khác như: hành vi của ông Lê Hoàng Sơn khi bắt và thu giữ số gỗ vi phạm vào ngày 8-2-2013 cũng như số lượng gỗ Sơn đã thu giữ; định giá tài sản đối với 2 ô-tô là phương tiện vận chuyển gỗ trái phép để có cơ sở xử lý tài sản, phương tiện phạm tội; những tài liệu, chứng cứ chứng minh tư cách tham gia tố tụng của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa…
Như tin đã đưa, ngày 28-6, TAND huyện Hòa Vang mở phiên sơ thẩm xét cxuwr vụ án phá rừng Cà Nhông. Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” gồm: Vũ Văn Tam (SN 1968, ngụ thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), Đỗ Văn Lưu, Đinh Văn Thuấn, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Vụ, Phạm Văn Chính (cùng ngụ tỉnh Ninh Bình), Vũ Văn Quý, Vũ Văn Pháp (cùng ngụ tỉnh Thanh Hóa), Phạm Đình Lợi (ngụ huyện Hòa Vang), Kiều Ngọc Trung, Sầm Tô Binh, Kiều Ngọc Quý (ngụ tỉnh Quảng Nam). Riêng bị cáo Tam bị truy tố thêm tội “Đưa hối lộ”.
5 lãnh đạo, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và 2 công chức kiểm lâm bị truy tố tội nhận hối lộ gồm: Trạm trưởng Phạm Phú Cường (SN 1967), Trạm phó Hồ Tấn Hai (SN 1962), Trạm phó Thủy Ngọc Trọng (SN 1982), nhân viên Nguyễn Văn Ấn (SN 1985), kỹ sư lâm nghiệp Lý Thanh Tùng (SN 1984), kiểm lâm viên Nguyễn Văn Nhung (SN 1963), kiểm lâm viên Đinh Ngọc Bán (SN 1966).
Ngoài các bị cáo trên, cáo trạng cũng thể hiện, Nguyễn Quang Lộc (nguyên Trạm trưởng trạm Cà Nhông) thiếu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng, không phát hiện Tam đưa người vào rừng khai thác gỗ trái phép nên CQĐT kiến nghị xử lý hành chính; Lê Hoàng Sơn (nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm Đông Giang) thiếu trách nhiệm trong việc thu giữ số gỗ vi phạm của Tam nên CQĐT kiến nghị cơ quan chủ quản nơi Sơn đang công tác xử lý.
NAM BÌNH