.
Ký sự Pháp đình

Tuổi trẻ lạc lối

.

Những người trẻ tuổi thường nông nổi, bồng bột nên đôi khi không phân định được đúng-sai và lựa chọn đường đi đúng đắn. Chính vì thế, không ít người trong họ đã lạc lối và vướng vòng lao lý…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. N.P.T (SN 1997, quận Liên Chiểu) khá bình thản khi đứng trước vành móng ngựa của TAND quận Cẩm Lệ. T. kể, là con út trong gia đình có 5 người con, T. được tất cả mọi người yêu thương, chiều chuộng. Cuộc sống khó khăn, cha mẹ của T. phải bươn bả làm thuê, làm mướn nhiều chỗ mới kiếm được miếng ăn cho đàn con nheo nhóc. Mong muốn các con được học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì hoàn cảnh, ông bà đành bất lực nhìn từng đứa dừng nghiệp bút nghiên.

Tốt nghiệp cấp 1, T. cũng theo bước anh chị lăn lộn mưu sinh. Bận rộn với cơm áo gạo tiền, mọi người trong gia đình không có nhiều thời gian để mắt đến cậu con út. Ở nhà, T. thích tụ tập cùng bạn bè. Ban đầu, chỉ là những lần cả nhóm lẻn vào vườn của hàng xóm trộm trái cam, trái quýt. Lâu dần, để có tiền sắm sửa áo quần cho bằng bè bằng bạn, T. nhắm đến tài sản có giá trị lớn hơn. Quen tay, T. xem trộm cắp là điều bình thường. Trong một lần lẻn vào nhà người dân trộm tài sản, T. bị phát hiện và bắt giữ. Năm ấy, T. mới 14 tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên UBND quận Liên Chiểu đưa vào Trường giáo dưỡng 2 năm. Tháng ngày ở trong trường, T. được thầy cô khuyên nhủ, dạy nghề với hy vọng cậu học trò nhỏ sẽ làm lại cuộc đời mới khi hòa nhập cộng đồng.

Nào ngờ, lúc trở về, T. vẫn chứng nào tật ấy. T. không tìm việc làm mà kết thân với người bạn quen ở Trường giáo dưỡng là N.V.N (SN 1996, quận Liên Chiểu). Mỗi khi xin được tiền ở nhà, cả hai lại hẹn hò nhậu nhẹt. Thiếu tiền cho cuộc vui, T. rủ bạn “hành nghề cũ”, N. cũng gật đầu đồng ý. Khi túi rủng rỉnh tiền, những người trẻ ham vui tập tành “đập đá”. Để rồi, mỗi khi cần tiền mua ma túy, cả hai lại rủ nhau đi trộm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, T. và N. thực hiện trót lọt 12 vụ đột nhập nhà dân trộm tài sản tại quận Thanh Khê. Rạng sáng 14-9-2013, sau khi thực hiện xong một phi vụ, cả hai bị công an bắt. Lỗi lầm lần này của T. đánh đổi bằng 2 bản án tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

2. Cứ tưởng những tháng ngày trong trại giam sẽ khiến T. hối hận và quyết tâm làm lại cuộc đời. Nào ngờ, vừa mới chấp hành xong án phạt khoảng một tháng, T. lại “ngựa quen lối cũ”. Rạng sáng ngày 3-11-2015, T. đang lang thang trên đường thì nhìn thấy nhà anh Đ.V.H (ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) không đóng cửa, chỉ che bằng tấm lưới chống muỗi nên nảy sinh ý định trộm cắp. T. trèo tường, đột nhập và trộm tài sản gồm tiền mặt, điện thoại, đồng hồ… với tổng giá trị gần 13 triệu đồng. T. chưa kịp chạy thoát thì anh H. thức giấc, phát hiện, tri hô, truy đuổi.

T. hoảng sợ, nhanh chân chạy ra đường lớn, bắt xe ôm đến khu vực gần ga Thanh Khê. Hơn 3 giờ sáng, T. kiệt sức, dừng lại vòi nước của nhà dân cạnh đường ray để uống. Do không để ý, T. bị tàu tông, bị thương nặng và được người dân đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Cùng lúc, anh H. gọi vào điện thoại của mình. Người dân tưởng anh H. là người thân của T. nên thông báo thông tin. Ngay sau đó, anh H. đến bệnh viện, đồng thời, trình báo công an.

Từ bệnh viện trở về, T. nhiều lần được Công an quận Cẩm Lệ mời lên làm việc nhưng T. luôn lấy lý do sức khỏe chưa ổn định để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, trong khoảng thời gian này, T. vẫn không hối lỗi, thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè. Chiều 31-3-2016, T. nhận được điện thoại của một người bạn nhờ “giải quyết” đối thủ. Nghe vậy, T. cùng nhóm bạn gồm 6 người đến quán internet dùng mã tấu chém hai người bị thương nặng. Ngay sau đó, T. bị công an bắt giữ. Cùng lúc, T. bị Viện KSND quận Cẩm Lệ khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”, bị Viện KSND quận Thanh Khê khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”.

3. Vị chủ tọa nhẹ nhàng: “Năm nay bị cáo bao nhiêu tuổi?”. T. ngước mắt trả lời: “Dạ, 19 tuổi”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Đây là lần phạm tội thứ mấy của bị cáo?”. T. dửng dưng: “Dạ, lần thứ 4”. Vị chủ tọa thở dài: “Chưa tròn 20 tuổi, bị cáo đã ba lần đứng trước vành móng ngựa, sắp đến phải hầu tòa thêm một lần nữa. Lẽ ra, ở độ tuổi này, bị cáo phải chăm chỉ học hành, dựng xây tương lai thì bị cáo lại liên tục vào tù ra tội. Bị cáo không cảm thấy tiếc rẻ tương lai của chính mình, không cảm thấy có lỗi với tình yêu thương của gia đình dành cho mình hay sao?”.

T. im lặng, cúi gằm mặt. Hồi lâu, T. lí nhí bày tỏ sự hối hận, bối rối biện minh: “Bị cáo liên tục phạm tội vì tuổi đời còn nhỏ, chưa nghĩ nhiều đến tương lai. Lần này, khi ngồi trong trại giam, người thân không đến thăm, bị cáo buồn nhiều lắm. Bị cáo biết mình đã làm cha mẹ đau lòng. Chắc cha mẹ cũng mệt mỏi và buông tay với bị cáo. Giá mà có cha mẹ ở đây, bị cáo sẽ gửi lời xin lỗi đến cha mẹ. Bị cáo hứa, đây là lần phạm tội cuối cùng của mình…”.

Hy vọng rằng lời hứa của T. lần này sẽ không “gió thoảng mây bay”. Hy vọng mức án 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” sẽ giúp T. thức tỉnh, làm lại cuộc đời mới.

KHÔI NGUYÊN

;
.
.
.
.
.