Ngày 6-4-2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nhằm mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, khắc phục các “lỗ hổng chính sách” từ thực tiễn, Luật Thuế TTĐB có những sửa đổi như sau:
Một là, sửa quy định về giá tính thuế (quy định tại Điều 6 Luật Thuế TTĐB). Quy định mới sẽ bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hóa (thuộc diện chịu thuế TTĐB) được sản xuất ở Việt Nam và hàng hoá cùng loại được nhập khẩu. Để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp hàng hóa chịu thuế TTĐB được sản xuất trong nước, khắc phục các bất cập trong chính sách, hạn chế tối đa sự lợi dụng tại khâu nhập khẩu, Luật quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra như đang áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Thay cho quy định lâu nay đang thực hiện là tính thuế TTĐB trên giá CIF (giá nhập khẩu) cộng với thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài vì sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là khai giá thấp trên hợp đồng ngoại, khai thấp trị giá hải quan để trốn tránh các loại thuế tại khâu nhập khẩu, bao gồm cả thuế NK, thuế TTĐB và thuế GTGT.
Hai là, Luật sửa đổi lần này có quy định mới nhằm ngăn ngừa việc né tránh thuế TTĐB của các doanh nghiệp sử dụng mô hình công ty mẹ, công ty con, mô hình liên kết, công ty sở hữu chéo… vừa thực hiện hành vi chuyển giá để né thuế TTĐB tại khâu đầu, vừa dịch chuyển lãi sang các khâu sau thông qua việc quy định mức giá bán giữa các công ty trong nhóm liên kết. Quy định mới là: “Trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con; hoặc mua/bán giữa các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất; hoặc mua/bán giữa cơ sở kinh doanh thương mại mà có mối quan hệ liên kết với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ”. Căn cứ vào quy định này, khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ có quy định cụ thể về tỷ lệ % áp dụng phù hợp với đặc điểm của từng loại mặt hàng (ví dụ tỷ lệ % chiết khấu trong khâu thương mại của mặt hàng rượu bia sẽ phải cao hơn tỷ lệ % áp dụng đối với mặt hàng ô tô, khác với tỷ lệ % đối với mặt hàng thuốc lá).
Ba là, sửa đổi quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB áp dụng đối với mặt hàng ô-tô du lịch dưới 24 chỗ ngồi. Luật sửa đổi ngày 6-4-2016 tuy vẫn giữ nguyên tắc quy định mức thuế suất phân biệt theo loại xe với các tiêu chí nêu trên nhưng thực hiện phân loại chi tiết hơn mức tiêu hao nhiên liệu qua chỉ số dung tích xi-lanh và có quy định cụ thể lộ trình áp dụng cho 2 giai đoạn trước và sau năm 2018 (là năm hết lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết tự do hóa thương mại đã ký kết). Loại xe có dung tích nhỏ hơn, tiêu hao năng lượng ít hơn sẽ được áp mức thuế thấp hơn và được giảm tiếp so với luật hiện hành, do vậy, những người có mức thu nhập trung bình khá trở xuống có thêm cơ hội sở hữu ô-tô.
Đối với loại xe có dung tích xi-lanh từ 2.000cm3 trở lên, luật quy định nhiều mức thuế cao hơn, chi tiết hơn và tăng dần đến mức thuế suất cao nhất là 150%. Ví dụ, loại xe có dung tích xi-lanh từ trên 2.500cm3 đến 3.000cm3 sẽ áp mức thuế suất 55% trong thời gian từ 1-7-2016 đến hết 31-12-2017 và kể từ 1-1-2018 sẽ áp mức thuế 60%. Đối với xe có dung tích xi-lanh từ trên 3.000cm3 đến 4.000cm3 thì áp dụng ngay mức thuế suất 90% từ 1-7-2016. Tiếp theo, với mỗi 1.000cm3 tăng thêm của dung tích xi-lanh thì thuế suất được tăng thêm 20% tương ứng; loại xe có dung tích xi-lanh trên 6.000cm3 áp mức thuế suất 150%.
Bên cạnh đó, luật quy định áp mức thuế suất đặc biệt thấp đối với loại xe sử dụng năng lượng sinh học (chỉ bằng 1/2 mức thuế suất đối với xe chạy bằng xăng có cùng mức dung tích xi-lanh).
Theo DĐND