Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng Phạm Công Danh bắt đầu trả lời thẩm vấn về hàng loạt những sai phạm trong vụ gây thất thoát 9.000 ngàn tỉ cho ngân hàng này.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa sáng 29-7 |
Hôm nay, 29-7, ngày tiếp theo của phiên xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), lần đầu tiên, HĐXX đã thực hiện việc xét hỏi đối với bị cáo Phạm Công Danh.
Chủ mưu làm thất thoát 9.000 tỷ!
Cáo trạng xác định Phạm Công Danh (51 tuổi, Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo mọi hoạt động cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bởi cần tiền trả nợ nên Danh đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo, nhân viên tín dụng của VNCB rút tiền của ngân hàng bằng các hợp đồng khống; tự ý chuyển tiền trong tài khoản của cá nhân mà chưa nhận được sự đồng thuận từ họ; lập hàng chục công ty ma để ký các hợp đồng vay vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Đến nay, sau khi trừ đi các tài sản hiện có của Phạm Công Danh, số tiền không còn khả năng thu hồi là hơn 9.000 tỷ đồng.
Tại các phiên tòa trước, trả lời thẩm vấn tại tòa, nhóm bị cáo nguyên là cán bộ tín dụng ngân hàng, các “giám đốc” bù nhìn đều khai mọi việc đều do Phạm Công Danh chỉ đạo.
Nguyên nhân sâu xa được cáo trạng xác định đối với sai phạm của Phạm Công Danh đó chính là việc sử dụng nguồn tiền này để chi chăm sóc khách hàng và trả nợ một số khoản cho tập đoàn Thiên Thanh sau khi tiếp nhận ngân hàng VNCB từ nhóm cổ đông cũ.
Và với tư cách là Chủ tịch HĐQT của VNCB và Tổng giám đốc của Thiên Thanh, bị cáo Danh đã thực hiện chức năng vay, cho vay và các thủ thuật chuyển tiền từ doanh nghiệp vào ngân hàng rồi từ ngân hàng rút ra để sử dụng cho doanh nghiệp.
Chi 500 tỷ để "chăm sóc khách hàng"
Khi HĐXX hỏi về việc nhóm cổ đông Phạm Công Danh đã tiếp nhận ngân hàng Đại Tín như thế nào thì bị cáo Danh trả lời vòng vo về bối cảnh và hoàn cảnh.
Phạm Công Danh cho rằng hoàn cảnh tiếp nhận Đại Tín (tiền thân của VNCB) là khi ngân hàng này cũng như hàng chục ngân hàng thương mại khác đã phải sử dụng số tiền lên đến 7% (số tiền khách hàng gửi) để chăm sóc lại chính họ ngoài lãi suất ngân hàng quy định.
Khi bị cáo tìm hiểu thì hệ thống ngân hàng này trong toàn quốc đang nợ tiền "chăm sóc khách hàng" đến gần 2 năm. Ở chỗ nào cũng đòi.
Bản thân bị cáo Danh muốn xây dựng một ngân hàng hoàn toàn mới để phục vụ cho ngành xây dựng, giống như hệ thống phát triển ngành nghề của nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng đề xuất này đã không được chấp thuận và Danh được gợi ý tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín.
Sau khi tìm hiểu và được biết, bối cảnh khó khăn, một số người có khả năng tài chính mà bị cáo này mời họ tham gia cổ đông thì họ đều từ chối.
Do đó, bị cáo đã đưa một danh sách gồm 20 cá nhân (trong đó có những người thân của bị cáo danh và 2 bị cáo trong vụ án này), 1 pháp nhân (tập đoàn Thiên Thanh) để gửi Ngân hàng Nhà nước.
Bị cáo Danh thừa nhận dù những cá nhân này đều không có khả năng tài chính nhưng họ đều cam kết có tiền để Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng cổ phẩn từ nhóm của bà Hứa Thị Phấn (cổ đông cũ).
Bị cáo Danh khai khi tiếp nhận ngân hàng này, bị cáo đã chuyển cho ông Hà Văn Thắm (Ngân hàng Đại Dương) 500 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng vì trước đó ông Thắm muốn mua lại ngân hàng này để tái cơ cấu nhưng không được đồng ý.
Sở dĩ bị cáo Danh nói mình đủ bản lĩnh để thay mặt cả nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng ngân hàng vì tập đoàn của bị cáo có khả năng tài chính lớn, có nhiều bất động sản ở nhiều nơi, tài khoản ở ngân hàng cũng có nhiều tiền nên hoàn toàn tin tưởng rằng mình có khả năng phát triển tốt ngân hàng này, để phục vụ mục đích vay, cho vay đối với ngành xây dựng.
Phạm Công Danh dùng bằng giả? Trong phần xét hỏi sáng nay đối với Phạm Công Danh, hội đồng xét xử (HĐXX) đã yêu cầu bị cáo khai rõ về lý lịch. Bị cáo Danh khai mình đã học phổ thông và trình độ đại học. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi học tại trường nào thì bị cáo Danh nói xem trong hồ sơ. HĐXX công bố hồ sơ cho thấy trong lý lịch bị cáo gửi ngân hàng Nhà nước để xin tái cơ cấu ngân hàng, bị cáo Danh khai mình học đại học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi xác minh thì trường này cho biết không có học viên nào tên là Phạm Công Danh đã học tại trường và bằng đại học của bị cáo Danh là bằng giả. HĐXX lưu ý thư ký ghi lại thông tin này. |
Theo Tuổi trẻ