.
Ký sự Pháp đình

Bi kịch từ rượu

.

Rượu vào, lời ra khiến họ không kiểm soát được hành vi của mình. Cái ác ẩn sâu bên trong mỗi con người trỗi dậy, người bị thương, kẻ vào tù chỉ vì những giọt nồng mà cay ấy…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rượu vào, lời ra

Sau một tuần lao động vất vả, tối chủ nhật ngày 28-6-2015, anh L.V.Nh (SN 1989, quê Bình Định) và một số người bạn cùng dãy trọ rủ nhau nhậu. Lúc này, T.H.T (SN 1991, quê Quảng Trị) được một người đàn ông (chưa xác định được lai lịch) chở về. Thấy T. là người mới chuyển đến ở trọ, Nh. hào hứng rủ cả hai vào nhậu làm quen.

Giữa chừng cuộc vui, người bạn đi cùng với T. 2 lần xin phép về trước và có nhã ý muốn góp tiền nhậu. T. can bạn và nói đùa: “Mi đừng trả coi chừng bọn hắn đập chết”. Sau khi bạn của T. ra về, Nh. hiểu lầm ý đùa giỡn của T. nên khuyên: “Người ta lớn tuổi hơn, mình đòi đánh là không đúng”. Trong cơn ngà ngà say, T. nổi giận, hăm dọa: “Ông coi chừng tui đánh ông chừ”.

Mâu thuẫn nảy sinh, T. điện thoại cho N.C.L (SN 1985) và H.V.Ch. (SN 1996, cùng quê Quảng Bình) cầu cứu: “Đến phòng trọ giúp em đánh mấy người có mâu thuẫn, dọa đánh em”. Nghe T. tìm viện binh, Nh. cầm gậy để “tiếp chiến”. Cùng lúc này, bạn của Nh. là anh Đ.M.S (SN 1989, quê Bình Định) đến chơi và biết được sự việc nên cầm chiếc búa sẵn sàng hỗ trợ. Khoảng 10 phút sau, Ch. và L. có mặt. Vừa được T. chỉ “Hai thằng đó đó anh”, L. liền lao đến giật gậy và đánh nhiều cái vào đầu làm anh Nh. gục tại chỗ. Không dừng lại, L. tiếp tục đánh nạn nhân cho đến khi gậy bị gãy. Cùng lúc, T. và Ch. xông vào đánh anh S. té ngã. Sau đó, cả ba nhặt gạch ném hai nạn nhân rồi bỏ trốn. Hậu quả, anh Nh. phải sống thực vật với tỷ lệ tổn thương do thương tích gây nên là 100%, anh S. mang tỷ lệ thương tích 35%.

Đứng sau vành móng ngựa, L. vẫn chưa nhận thức được sai trái của bản thân, lặp đi lặp lại lời biện minh: “Giữa sự sống và cái chết, bị cáo phải lựa chọn sự sống. Là người, ai cũng muốn sống cả…”. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhẹ nhàng: “Lúc bị cáo đến, phía bị hại đã đánh bị cáo chưa?”. L. khăng khăng: “Chưa. Nhưng nếu bị cáo không đánh trước, bị cáo sẽ bị tấn công”. Vị chủ tọa nghiêm giọng: “Nhưng thực tế, người ta đã đánh bị cáo đâu. Bị cáo là người giật cây của bị hại, xông đến đánh trước nên bị cáo không thể nói bị cáo phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết được. Nếu bị cáo đã nói như thế, sao bị cáo không tha cho họ một con đường sống mà lại tấn công người ta dồn dập, ngay cả khi người ta đã gục ngã”. Lúc này, L. mới cúi đầu, lặng thinh.

Nỗi đau sau bản án

Trong lúc phiên xử diễn ra, đứa con của bị cáo T. vô tư chơi đùa cùng người thân ở sân tòa. Trưa nắng, bức tranh đối lập nhưng cùng chung một màu ảm đạm đến nhàu nhĩ. Ôm cháu vào lòng, dì của bị cáo T. não nề: “Ba bị bắt khi cháu mới chào đời được một tuần, chưa gặp mặt cha lần nào. Mẹ cháu phải bươn bả kiếm sống nên để cháu lại cho ông bà nội nuôi nấng. Hay tin bữa nay tòa xử, gia đình muốn cho hai cha con gặp nhau nên cả nhà vượt quãng đường dài từ quê vào đây. Còn mẹ cháu bị đau, không đi được”. Giữa chừng câu chuyện, cháu bé bỗng giật mình khóc thét lên. Người dì vội vàng ôm lấy đứa trẻ, vừa vỗ về, vừa nhìn đau đáu về phía cánh cửa phòng xử.

Đồng cảnh ngộ, gia đình của bị hại cũng rơi vào hoàn cảnh lao đao kể từ ngày vụ việc đáng tiếc xảy ra. Tại tòa, vợ của bị hại nức nở: “Vợ chồng tui xa quê lập nghiệp nơi đất khách, có ngờ đâu tai ương lại ập xuống đớn đau như vậy. Từ lao động chính trong nhà với đồng lương 5 triệu mỗi tháng, nay anh nằm bất động, ăn uống hay thở đều nhờ máy móc. Chăm sóc anh, tui cũng nghỉ làm. Vừa chăm chồng, vừa lo con, chưa khi mô mà gia đình tôi rơi vào cảnh quẫn bách như ri…”.

Tiếng khóc trẻ thơ ngằn ngặt phía ngoài, tiếng khóc người lớn não nề bên trong, trộn lẫn vào nhau tạo nên không gian bức bách. Chỉ vì phút giây không kiểm soát được hành vi, năm gia đình chìm trong bi đát, người lớn oằn mình cõng nợ, con trẻ thiếu hụt tình thương của người cha. Cái giá phải trả cho những giọt nồng mà cay là quá đắt!

TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt T. và L. mỗi người 19 năm tù, C. 17 năm tù cùng về tội “Giết người”; buộc 3 bị cáo cùng bồi thường cho anh Nh. 224 triệu đồng, bồi thường cho anh S. 48 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi con của anh Nh. 2 triệu đồng/tháng cho đến 18 tuổi.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.