.
Ký sự Pháp đình

Đứa trẻ và hai lần đến tòa

.

Lần đầu tiên đến tòa, đứa trẻ theo chân cha tham dự phiên xử ly hôn của đấng sinh thành. Lần thứ hai đến tòa, đứa trẻ theo chân ông nội tham dự phiên tòa xét xử cha mình. Lần nào đến tòa, đứa trẻ cũng mang về những nỗi đau, tổn thương...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Sáng sớm, trời Đà Nẵng se lạnh, đứa trẻ co ro theo ông nội đến trụ sở TAND quận Hải Châu. Cùng lúc này, chiếc xe chở bị cáo vừa đến. Đứa trẻ vụt khỏi bàn tay đang nắm của ông nội, nhào đến, hét lên thất thanh: “Ba ơi…”. Bước chân của bị cáo N.Đ.H (SN 1973, ngụ quận Hải Châu) khựng lại. Ngoái nhìn về đứa trẻ, đôi mắt của bị cáo hoe đỏ: “Ba đây!”. Đứa trẻ mếu máo: “Ba ơi, con nhớ ba!”. Giọt nước mắt chực tràn, bị cáo rưng rức: “Ba cũng nhớ con”. Cuộc hội thoại của hai cha con nhanh chóng bị đẩy lùi bởi những bước chân vội vã.

Bước thấp bước cao chạy theo ba vào phòng xử án, đứa trẻ bị một cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ngăn lại: “Cháu mấy tuổi rồi?”. Đứa trẻ cúi đầu đáp: “Dạ, cháu 12 tuổi ạ!”. Người cảnh sát nhẹ nhàng giải thích: “Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được tòa án triệu tập để xét hỏi. Cháu chịu khó ngồi chơi bên ngoài trong lúc đợi người nhà nhé”. Đứa trẻ nằn nì: “Chú cho cháu vào đi, cháu chỉ muốn nhìn ba cháu thôi”. Mủi lòng nhưng người cảnh sát chỉ có thể đồng ý để đứa trẻ đứng ngoài ngóng vào bên trong phòng xử án. Chuông reo, phiên tòa bắt đầu, đứa trẻ thất thểu quảy bước ra sân tòa.

2. Khi chúng tôi đến bắt chuyện, cậu bé kể: “Hồi đó, mặc dù cha mẹ đi làm vất vả nhưng lúc nào cũng cưng chiều em”. Thế nhưng, theo thời gian, những bữa cơm tối đầm ấm thay bằng những trận cãi vã nảy lửa của cha mẹ. Đồ đạc trong nhà lần lượt bị ném vỡ, chẳng còn cái nào lành lặn. Những vết sứt mẻ in hằn vào ký ức thơ dại của đứa trẻ. Mỗi lần cha mẹ cãi nhau, em sợ hãi, nép mình vào góc tối.
Một hôm, người mẹ không còn trở về tổ ấm. Không lâu sau, đứa trẻ được cha đưa đến tòa, tham dự phiên xử ly hôn của đấng sinh thành. Từ đó, chốn pháp đình trở thành nỗi sợ hãi của em. Nhiều đêm dài, câu hỏi của vị chủ tọa: “Con muốn sống với ba hay với mẹ?” cứ ám ảnh day dứt trong những giấc mơ chập choạng của trẻ thơ.

Giọng cậu bé buồn đến não lòng: “Ngày xưa, mỗi khi em hư, ba mẹ thường hay la mắng em. Những lúc ấy, em giận và buồn lắm. Rứa mà khi thiếu vắng hơi ấm của mẹ, em lại cứ ao ước bị mẹ đánh, mẹ la. Bị la mắng bao nhiêu cũng được, chỉ cần em vẫn có đầy đủ cha mẹ yêu thương”.

Trong những mẩu chuyện rời rạc, chắp vá kể về cuộc sống của mình, không ít lần cậu bé bảo: “Em thương ba lắm!”. Đưa tay quệt vội dòng nước mắt, em thút thít: “Từ khi mẹ bỏ đi, ba nhờ ông nội chăm sóc, nuôi nấng em. Rồi ba đi làm từ sáng sớm đến khuya mới về để kiếm tiền lo cho em. Nhiều bữa, em đang lơ mơ ngủ thì nghe tiếng húng hắng của ba. Em vui quá, liền đến ngồi vào lòng ba. Mỗi khi ấy, ba thường hay vuốt tóc em, kể những câu chuyện không đầu không cuối”.

Vậy mà, nỗi đau chưa kịp liền da, cậu bé lại lần nữa đến tòa. Lần này, cũng là vì đấng sinh thành.

3. Mái ấm gia đình tan vỡ không chỉ gây tổn thương tâm lý trong lòng trẻ thơ mà còn khiến người lớn bước vào con đường sai trái. Sau vành móng ngựa, H. lí nhí: “Cuộc hôn nhân lụi tàn làm tôi đau đớn, không có cách nào gượng dậy. Để giải tỏa tâm lý, sau mỗi giờ làm việc, tôi vùi đầu vào những chầu nhậu để tìm quên. Trong cơn say, tôi làm bạn với ma túy như một sự giải thoát cho tâm hồn. Nào ngờ, chỉ sau lần thử đó, tôi trở thành người nghiện. Để có tiền mua ma túy, tôi bắt đầu bán ma túy…”. Trong một lần giao ma túy cho con nghiện, H. bị bắt quả tang và phải đối mặt với cán cân công lý.

Giờ nghị án, ba của H. chạy đôn chạy đáo xin phép để cháu nội được phép vào gặp ba. Vừa thấy H., đứa trẻ nhào vào lòng ba khóc nức nở. Ôm con thơ trong tay, gương mặt bị cáo tràn ngập những giọt nước mắt hối hận muộn màng. Ba của bị cáo lặng lẽ rời phòng xử, đôi mắt trũng sâu vì buồn phiền nay đỏ quạch niềm đau.

TAND quận Hải Châu tuyên phạt H. 7 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. H. được dẫn giải ra xe về trại giam, ngoái đầu nhìn con với ánh mắt ăn năn khôn cùng, mấp máy môi: “Ba xin lỗi!”. Xe chở phạm nhân chạy khuất, cậu bé đứng sững giữa sân tòa, không ngừng gọi: “Ba ơi…”.

Bảy năm ấy, đứa trẻ vốn thiếu tình thương của mẹ nay lại vắng sự dạy bảo của cha sẽ lớn lên với bao nhiêu vết thương lòng?!

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.